Đạo diễn Hải Ninh nhớ “Em bé Hà Nội”

(Dân trí) - “Với bộ phim nhiều chất thơ như Em bé Hà Nội, tôi làm theo cảm xúc khi “gặp” được chất liệu là cô bé Lan Hương. Tôi coi bộ phim này như một nén nhang thắp trước linh hồn những người đã khuất”, đạo diễn Hải Ninh tâm sự.

Đạo diễn Hải Ninh nhớ lại: “Trong khi tôi cùng đoàn phim đang làm hậu kỳ bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm thì Mỹ đánh phá Hà Nội. Chiến trường ngay trên đầu Hà Nội, điều đó dấy lên trong mình sự xúc động về mất mát, bi thương. Mình muốn nhanh chóng làm một bộ phim khi nhìn thấy cảnh những đứa trẻ mất mẹ, mất người thân…Tôi coi Em bé Hà Nội như một tưởng niệm, vòng hoa viếng linh hồn những người đã khuất.

 

Tôi cũng không ngờ bộ phim gây xúc động cho người xem, “lấy” nước mắt của rất nhiều khán giả. Khi bộ phim đem chiếu tại Nhật, xem xong có một anh ngồi khóc ghê lắm. Hay khi chiếu tại Hà Nội, không chỉ khán giả trong nước mà khán giả nước ngoài đã bật khóc, có cô người Âu khóc tức tưởi. Một “tay người Mỹ” sau khi xem xong bộ phim đã khóc và nói: ‘Tôi phải đưa Em bé Hà Nội đi khắp nước Mỹ’…”.

 

Kể về duyên gặp gỡ với “chất liệu” em bé Hà Nội, giờ đã là NSND Lan Hương, ông cho biết: “Một lần đến nhà anh Thư, bên Hãng phim tài liệu thì thấy em bé độ 3 - 4 tuổi đang lết trên sân gạch, tôi mới bế lên, nựng nựng và bảo con bé có đôi mắt huyền. Đôi mắt nó đẹp quá! Bẵng đi một thời gian gần chục năm…

 

Khi làm phim Em bé Hà Nội, tôi tìm người đóng nhân vật em bé Hà Nội mãi không được. Tôi tìm đến mức, đứng giữa chợ hoa Tết Hà Nội chỗ Hàng Mã, đến các trường học, các câu lạc bộ, thậm chí đi theo các em bé mà mình thấy có lẽ hợp. Mình lẽo đẽo, tìm đến tận nhà, tận trường đễn nỗi có người nhà còn tưởng mình là người xấu. Tìm mãi vẫn chưa ra nhân vật phù hợp nhất…

 

Trong một đêm, tôi lại nằm mơ thấy con bé 3 - 4 tuổi với đôi mắt huyền, lết lết trên đất năm xưa tại nhà anh bạn. Tôi cũng cảm thấy rất lạ, con bé 6 - 7 năm không gặp, không nhớ đến nó, giờ lại xuất hiện trong giấc mơ của mình. Tôi nhẩm tính tuổi con bé và thấy nó trùng với cái tuổi của nhân vật em bé Hà Nội. Ngay sáng hôm sau, tôi hỏi anh Thư - bác của Lan Hương địa chỉ và tìm đến nhà con bé ngay.

 

Đạo diễn Hải Ninh nhớ “Em bé Hà Nội” - 1
Đạo diễn Hải Ninh

 

Lan Hương sống cùng bố mẹ trong ngôi nhà cấp bốn, be bé ở Kim Liên, thấy tôi xộc vào nhà, con bé đang bế em một mình sợ, cứ lùi lùi vào nhà. Tôi phải nói ngay mình là bạn của bác nó, thân thiện với nó. Lúc đó, tôi biết ngay con bé là nhân vật mình cần tìm.

 

Tôi đến nói chuyện với bố mẹ nó, nhưng ban đầu mẹ của Lan Hương không đồng ý vì không muốn con gái theo nghề diễn viên. Bố mẹ Lan Hương phản ứng gay gắt đến nỗi cắt phéng… hai bím tóc lúc lắc của Lan Hương mà tôi rất thích.

 

Mất hai bím tóc, tóc Lan Hương ngắn, không còn cái vẻ lí lắc nhưng tôi vẫn không nguôi mong cô bé sẽ vào vai em bé Hà Nội của mình. Về sau thuyết phục mãi, cũng may là Lan Hương rất thích đóng phim nên mẹ Lan Hương mới đồng ý. Và Lan Hương đã vào vai xuất sắc đến nỗi tôi không mong gì hơn nữa”.

 

Đạo diễn Hải Ninh cũng kể vui rằng, sau khi bộ phim hoàn thành, trình chiếu, được khán giả yêu mến và để lại nhiều ấn tượng, đoạt nhiều giải thưởng… mỗi lần gặp lại, mẹ Lan Hương vẫn áy náy: “Tôi có lỗi với bác Hải Ninh quá khi lúc đầu không chịu cho Lan Hương đi đóng phim”.

 

Em bé Hà Nội đã từng đoạt giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam lần III  năm 1975, giải đặc biệt của BGK LHP Quốc tế Moscow 1975, giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại LHPQT Xyry.

 

Cho đến giờ, Em bé Hà Nội vẫn sống trong lòng khán giả. Đặc biệt hơn, bộ phim chính là bước khởi đầu tốt đẹp của nữ nghệ sĩ Lan Hương. Đối với đạo diễn Hải Ninh, đó là niềm hạnh phúc lớn lao.

 

Được biết, Em bé Hà Nội cũng là một trong 4 phim truyện nhựa (cùng với Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Người chiến sĩ trẻ, Mối tình đầu) mới đây đem lại cho người đạo diễn lão làng này Giải thưởng Hồ Chí Minh. Con trai ông, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng “ẵm” Giải thưởng Nhà nước.

 

Thu Nguyên