Đan Trường và những chuyến lưu diễn "vượt biên"

Đối với những ca sĩ Việt đã chạm ngưỡng "top", con đường duy nhất để tiến lên là vươn ra thế giới hoặc dừng lại ở đỉnh điểm của mình để rồi đi xuống như một tất yếu. Cho nên sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi thời gian gần đây khá nhiều "sao" Việt thi nhau viễn du nước ngoài, khai mở những thị trường mới.

Đúng ra, với những ca sĩ chọn ra nước ngoài để biểu diễn cho đồng bào hải ngoại thì đó chưa hẳn là phát triển nghề nghiệp, cũng chưa hẳn là kinh doanh bởi ai cũng biết rằng số lượng kiều bào không nhiều hơn khán giả trong nước. Một show diễn cho kiều bào có thể có thù lao hàng nghìn USD nhưng đổi lại là thù lao trong nước bị mất. Cũng có thể gọi là "huề", trừ chuyện được du lịch nước ngoài.

Vấn đề ở đây là những ca sĩ ra nước ngoài để chinh phục khán thính giả nước ngoài, liệu họ có thể thành công khi mà trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, khán thính giả nước ngoài nhìn ca sĩ của ta như một cái gì "lạ mắt", "lạ tai" như cách chúng ta từng nhìn một số ca sĩ ngoại đến Việt Nam? Chúng ta sẽ cùng trò chuyện với ca sĩ Đan Trường sau những chuyến lưu diễn Trung Quốc, Đài Loan...

Mời bạn nói một chút về những chuyến lưu diễn của mình.

Năm vừa qua là một năm khá bận rộn của Đan Trường với những tour lưu diễn nước ngoài liên tục. Chẳng hạn như chương trình biểu diễn trước 15 nghìn khán giả tại San José (Hoa Kỳ). Và qua sự tổ chức chu đáo, ấn tượng của các đối tác mà phần quay hình của chương trình ấy đã được cấp phép phát hành tại Việt Nam. 10/12 tới đây bạn sẽ thấy sản phẩm này trên thị trường.

Về chuyến lưu diễn tại Đài Loan thì đó là lời mời của Tổng cục Du lịch Đài Loan tức lời mời ở tầm quốc gia. Đan Trường, với tư cách là người giới thiệu văn hoá du lịch, lẽ ra sẽ chỉ tham gia một số buổi giao lưu. Tuy nhiên khi sang đến nước bạn thì lại được mời biểu diễn thêm một số buổi. Hầu như tất cả những chương trình có sự tham gia của Đan Trường hoặc chỉ riêng Đan Trường tại nước ngoài đều rất thành công. Có thể đó chỉ là may mắn, nhưng Trường lại tin rằng đó là kết quả của một quá trình chuẩn bị chu đáo và một kế hoạch làm việc chuyên nghiệp nhiều hơn.

Hầu hết mọi ca sĩ đều gặp trở ngại về ngôn ngữ, tổ chức biểu diễn, phát hành album..., bạn đã xử lý những trở ngại đó như thế nào?

Mọi ca sĩ đều bắt buộc phải học ngoại ngữ và phải học thật tốt nếu như muốn ra nước ngoài biểu diễn. Nếu không giỏi ngoại ngữ, khán giả nước ngoài sẽ không hiểu bạn hát gì - cũng giống như các ca sĩ bạn đến Việt Nam vậy. Biết rõ điều này, Đan Trường đã phải mời giáo viên ngoại ngữ hướng dẫn riêng cho mình. Học một ngoại ngữ trong thời gian ngắn là điều không đơn giản, nhưng Trường đã cố gắng vượt qua, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô mà tất cả đều ổn. Chẳng hạn như trong chuyến lưu diễn Đài Loan vừa rồi, hầu hết khán giả được phỏng vấn đều cho rằng Trường hát tiếng Hoa rất tốt, thậm chí hát không kém gì người Hoa.

Về tổ chức biểu diễn, HT Production đã phối hợp khá tốt với các đối tác nước bạn và cũng đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía các công ty phát hành băng đĩa nên cũng không gặp nhiều trở ngại.

Có người cho rằng bạn buộc phải ra nước ngoài vì đã chạm đỉnh trong nước và không thể tiến xa hơn, bạn nghĩ sao?

Trường nghĩ rằng người ta... nói đùa vì thực ra những lời mời biểu diễn trong nước vẫn liên tục đến với Trường đến mức không thể đáp ứng được tất cả vì điều kiện sức khoẻ, thời gian... Cho nên nếu nói rằng Trường không còn sức hút ở Việt Nam là không đúng. Trường nhận lời ra nước ngoài biểu diễn là một sự phát triển tất nhiên chứ không phải là trốn chạy hay gì đó như người ta nói đâu. Cũng từng có một số đơn vị nước ngoài đề nghị Trường ở lại để phát triển tiếp, nhưng Trường đã từ chối bởi Trường ý thức rất rõ rằng Việt Nam mới chính là "đất dụng võ" của Đan Trường. Hãy cứ xem như những chuyến lưu diễn của Đan Trường là những cuộc giao lưu văn hoá, đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè.

Khán giả nước ngoài so với khán giả trong nước ra sao, theo đánh giá riêng của bạn?

Khán giả nước ngoài quả thực ... chuyên nghiệp hơn nhiều so với khán giả trong nước. Sự ủng hộ của họ luôn tiếp lửa cho người nghệ sĩ trong suốt chương trình biểu diễn và họ ủng hộ một cách rất tự nhiên, chân thành. Nhiều khán giả của chúng ta không có được sự chuyên nghiệp này. Có những lúc chúng ta cần một không khí trầm lắng thì khán giả lại lao xao ủng hộ và ngược lại khi ta cần sôi động thì lại... lặng im.

Theo bạn, một ca sĩ cần phải có những gì trước khi nghĩ đến chuyện viễn chinh ra các nước?

Nhiều ca sĩ hơi ảo tưởng rằng chỉ cần một vài chuyến ra nước ngoài là đã có thể thay đổi đẳng cấp, vị thế của họ. Nghĩ như thế là sai. Trước khi ra nước ngoài, ca sĩ phải khẳng định được tên tuổi và vị thế của mình trong nước đã. Sau đó sẽ cần phải rèn luyện vốn ngoại ngữ cho vững vàng. Bên cạnh đó cũng phải có những mối quan hệ tốt với các đối tác nước ngoài để dễ dàng làm việc hơn. Nói chung phải có rất nhiều yếu tố, phải thực sự mạnh ở trong nước hãy nghĩe đến chuyện ra nước ngoài chứ đừng mong điều ngược lại là ra nước ngoài để có vị thế trong nước cao hơn.

Trước và sau bạn cũng có nhiều ca sĩ ra nước ngoài biểu diễn nhưng thường không thành công. Theo bạn, nguyên nhân thất bại ở đâu?

Thường thì ca sĩ của chúng ta ra nước ngoài dưới dạng tự phát, nghĩa là thường đi với tư cách cá nhân hoặc theo lời mời của một đơn vị tổ chức biểu diễn nho nhỏ nào đó và luôn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị với nhau. Và khi chúng ta làm việc thiếu chuyên nghiệp như thế, ta không thể nào thành công được.

Xin cảm ơn bạn!

 Theo Giaidieuxanh