“Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường” và nỗi cô đơn của dân phố thị

(Dân trí) - “Nữ tác giả tiếp tục tìm lối khám phá nỗi cô đơn, cảm giác lẻ loi thậm chí cô độc của những cư dân đô thị trung niên và còn trẻ”, nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan chia sẻ về tập truyện “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường” của tác giả Hòa Bình.

Câu hỏi mà tác giả nhận được nhiều nhất suốt thời gian qua là “Tại sao lại hẹn ở cổng Thiên Đường”? Ngay từ cái bìa sách, hoạ sĩ trẻ Quốc Anh đã bày tỏ sự đồng cảm với tác giả cuốn sách, bằng cách tạo ra một cái bìa hai lớp, ở giữa có khoét một chiếc cổng cách điệu rất … Thiên Đường.

Hoạ sĩ trẻ Quốc Anh đã bày tỏ sự đồng cảm với tác giả cuốn sách, bằng cách tạo ra một cái bìa hai lớp, ở giữa có khoét một chiếc cổng cách điệu rất … Thiên Đường.
Hoạ sĩ trẻ Quốc Anh đã bày tỏ sự đồng cảm với tác giả cuốn sách, bằng cách tạo ra một cái bìa hai lớp, ở giữa có khoét một chiếc cổng cách điệu rất … Thiên Đường.

Tập truyện có nhiều yếu tố sinh tử, nhiều lằn ranh mà mỗi một cuộc đời chúng ta ai cũng có lần đối mặt. Và chắc chắn, có người sẽ bước hẳn qua bên kia cánh cổng, về phía thần tiên. Nhưng cũng không ít người quay trở lại để tiếp tục bước trên những trang sách cuộc đời.

Điều mà mỗi cá thể muốn mang theo trên chuyến hành trình, kể cả qua bên kia cánh cổng hay bước trở lại đời thực, tác giả dám chắc chắn không phải bạc tiền, địa vị hay danh vọng, mà là tình yêu.

Với địa danh - cổng Thiên Đường hoàn toàn có thể có thật, tồn tại ở một nơi nào đó; với bút pháp hiện thực huyền ảo, tác giả mời người đọc bước vào cuộc trải nghiệm thú vị “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường” (Phương Nam Book và NXB Phụ Nữ ấn hành, 2017).

Tập sách có 12 truyện ngắn, được sắp xếp theo mùa, bắt đầu từ mùa xuân với “Bộ mặt bên trong bộ mặt”, “Rơi vào xoáy nước” và “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”, ghi lại dấu ấn đầy lãng mạn, trẻ trung của tuổi thanh xuân với trái tim yêu đương cuồng nhiệt mà chắc chắc ai cũng từng trải qua, từng hồi hộp, từng thăng hoa như thế trên đời.

Mùa hạ nóng bỏng, khắc khoải, đầy hoài nghi, ám ảnh với từng khoảnh khắc sống được lột tả với “Chuyện tình bên bờ vô cực”, “Người đi đâu” và “Đi về phía vô cùng”. Truyện ngắn “Đi về phía vô cùng”, như nhà văn đồng nghiệp Trần Nhã Thụy nhận xét, thì: “Nhân vật hiện lên thật cô đơn, nhưng cũng thật đẹp”, bởi: “Bất hạnh và hạnh phúc đều nằm trong những bước sải chân. Đó là những bước chân Đi về phía vô cùng”.

“Đó là một truyện mà tôi rất thích của Hòa Bình. Tôi thích, không phải vì cũng là đàn ông và chia sẻ “căn bệnh thời đại” này. Tôi thích bởi cách chọn điểm rơi của nhà văn. Và, khi đọc hết tập bản thảo này, tôi thấy đây là tập truyện của những điểm rơi. Những tình tiết, sự kiện, nhân vật… dường như được giản lược đến hết cỡ, chỉ chọn và chờ những điểm rơi để bung ra, thả xuống” - Nhà văn Trần Nhã Thụy viết.

Tác giả Hòa Bình và cuốn sách Cuộc hẹn nơi Thiên Đường.
Tác giả Hòa Bình và cuốn sách "Cuộc hẹn nơi Thiên Đường".

Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan nhận định: “Sự hầu như tê liệt của “tình yêu” (phương diện tinh thần) trong truyện “Đi về phía vô cùng” cũng có hiệu quả đó: nó khiến ta thấy rằng nỗi cô đơn xét cho cùng là một biểu hiện, hay là một kích thước, của thiếu hụt nhân cách”.

Mở rộng cái nhìn tới toàn bộ tập truyện, nhà văn Trần Nhã Thụy cho rằng, tập truyện đã khiến độc giả phiêu linh “Như cách người ta chơi nhảy dù. Như cách mà người ta dự phần vào những trò mạo hiểm.

Do vậy mà khi đọc Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường hay Chuyện tình bên bờ Vô Cực, chúng ta có thể thất vọng bởi không dự vào những éo le thường thấy của những cuộc tình, nhưng chúng ta chúng ta lại có những cảm giác rất phiêu linh, bởi tác giả đã túm được chúng ta rồi ném bay đi cùng nhân vật. Khi rơi, chúng ta sống với những cảm giác thật nhất của mình. Khi rơi, chúng ta biết chọn những mẫu sống đúng nhất với mình. Khi rơi, chúng ta có thể câm lặng hoặc la hét nhưng không phán xét…”

Mùa thu lãng mạn tới mức nghẹt thở hiện lên quyến rũ trong từng khoảnh khắc của “Đứt kết nối”, “Bệnh nhục” và “Bức tử hiện tại”. Khi cô gái trẻ bị ám ảnh bởi những nụ hôn thơm mùi nhựa thông cùng những nốt nhạc chảy ra từ cây vĩ cầm bí ẩn của thượng đế, khi chàng trai thanh xuân không thể chối từ giai điệu của con tim, như những nốt nhạc phải ở trong tổng phổ của một nhạc trưởng tài ba, kể cả khi người nghệ sĩ chơi nó đã đánh sai nhiều nốt, đã đi lạc lối, thậm chí đã vĩnh viễn chết trong những miền ký ức.

Như nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan nhận xét: “Nữ tác giả tiếp tục tìm lối khám phá nỗi cô đơn, cảm giác lẻ loi thậm chí cô độc của những cư dân đô thị trung niên và còn trẻ. Tình trạng bất toàn hay khiếm khuyết nhân cách - thân thể giờ đây có một xuất phát điểm xa hơn về phía bất ổn: hầu như không còn hình bóng cái được gọi là “gia đình hạt nhân” như ở “Gọi con người,” thay vào đó dàn nhân vật mà những câu chuyện kể này xoay quanh đều là những cá nhân đơn độc, hay đúng hơn là những “đơn tử” theo cách gọi của Michel Houellebecq.

Cũng theo nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, những bất toàn, khiếm khuyết về nhân cách - mà hầu như đều biểu hiện qua cảm giác lẻ loi, đơn độc - khiến cho nhiều nhân vật trong những truyện của Hòa Bình đi tìm sự bù đắp từ những “lời Phật dạy”, hay từ việc nghe kinh Phật, và đôi khi viện đến cả “Thiền”.

Bên cạnh đó, một số nhân vật dường như tìm thấy sự bù đắp cùng lúc ở cả Thiền, Phật và âm nhạc - nổi bật như trong truyện “Tuyết Liên Hoa” hay “Bức tử hiện tại”. Với những quang cảnh thuần túy tinh thần và cảm giác đó, các câu chuyện nhuốm màu siêu thực và khiến ta thấy chính cái cuộc sống thường ngày của xã hội đô thị lớn đương đại quả là cũng có tính siêu thực - điều, như đã đề cập ở trên, tạo thành các bè đối vị khá gay gắt với phần bản tính tự nhiên, tính người, ở các nhân vật này.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm