1. Dòng sự kiện:
  2. "Viết tiếp câu chuyện hòa bình"
  3. Phim "Địa đạo"
  4. Bê bối của diễn viên Kim Soo Hyun

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn hóa Hữu Ngọc - người sống ở 2 thế kỷ

Hương Hồ

(Dân trí) - Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc - người được ví như "cây cầu văn hóa Đông - Tây" qua đời hôm 2/5, để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng văn hóa Việt Nam.

Hành trình cống hiến không mệt mỏi

Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc, quê gốc Thuận Thành, Bắc Ninh, sinh ngày 22/12/1918 tại phố Hàng Gai, Hà Nội, là một trí thức lớn, người dành trọn đời mình cho việc nghiên cứu, gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam.

Lễ viếng nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc được tổ chức vào lúc 13h ngày 5/5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 198 (Cầu Giấy, Hà Nội). Lễ an táng sẽ diễn ra tại Nghĩa trang Đồng Gốc (Long Biên, Hà Nội).

Ngay từ khi còn trẻ, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã tham gia dịch nhiều tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng sang tiếng Việt, trong đó có Truyện cổ Grimm, đồng thời viết các tác phẩm giới thiệu văn hóa nước ngoài cho độc giả Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn hóa Hữu Ngọc - người sống ở 2 thế kỷ - 1

Nhà văn hóa Hữu Ngọc (Ảnh: Facebook nhà báo Nguyễn Như Mai).

Trong suốt hơn 70 năm cống hiến cho nền văn hóa dân tộc, ông không chỉ đóng góp vào việc phát triển và bảo tồn văn hóa Việt Nam mà còn kết nối văn hóa Việt Nam với thế giới. Những công trình của ông sẽ tiếp tục sống mãi như một di sản vô giá đối với các thế hệ sau.

Một trong những đóng góp nổi bật, công trình tiêu biểu của Hữu Ngọc là cuốn Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội.

Suốt nhiều năm, ông đã miệt mài khảo cứu, ghi chép và giới thiệu những nét đặc trưng, giá trị truyền thống cũng như sự chuyển mình của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử.

Tác phẩm Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội của ông không chỉ là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, mà còn là một bức tranh sinh động, giàu cảm xúc về cuộc sống, con người, lịch sử và chiều sâu văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Với những cống hiến đặc biệt ấy, năm 2017, ông được trao Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2017, một giải thưởng danh giá nhằm tôn vinh những cá nhân có đóng góp suốt đời cho Hà Nội bằng tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng tình yêu và sự gắn bó máu thịt với Thủ đô.

Đây không chỉ là sự ghi nhận về học thuật, mà còn là lời tri ân đối với một trái tim nồng nàn tình yêu Hà Nội, một trí thức lớn sống trọn vẹn với thành phố mà ông xem là "tổ ấm văn hóa" của đời mình.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn hóa Hữu Ngọc - người sống ở 2 thế kỷ - 2

Nhà văn hóa Hữu Ngọc nhận Giải thưởng Lớn tại lễ trao giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" năm 2017 (Ảnh: Hà Thu).

Một năm sau, vào năm 2018, ông tiếp tục được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú - danh hiệu cao quý do thành phố Hà Nội trao tặng - nhằm ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông cho sự phát triển văn hóa và xã hội của Thủ đô.

Danh hiệu này không chỉ là sự ghi nhận về mặt danh nghĩa, mà còn là minh chứng cho sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc của cộng đồng đối với những nỗ lực không ngơi nghỉ của ông trong hành trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Hà Nội.

Bên cạnh Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội, ông còn là tác giả của nhiều công trình nổi bật khác như: Lãng du trong văn hóa Việt Nam, Vietnam: Tradition and Change, Cảo thơm lần giở

Lãng du trong văn hóa Việt Nam là một tập tản văn sâu sắc, giàu chất triết lý, giới thiệu những giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Đây là cuốn sách viết bằng tiếng Anh đầu tiên được trao Giải Vàng Sách Việt năm 2006. Tác phẩm gồm 375 bài viết ngắn, mang phong cách tản văn kết hợp nghiên cứu, được xem như một "bách khoa toàn thư" thu nhỏ về văn hóa và con người Việt Nam.

Cuốn sách đã chinh phục không chỉ độc giả trong nước mà cả bạn đọc quốc tế, bởi chiều sâu học thuật cùng lối viết giản dị, gần gũi mà tinh tế.

Nhà văn Mỹ Lady Borton từng nhận xét về tác phẩm này đầy xúc động: "Dù trình độ học vấn của ta ra sao, sách vẫn mang lại nhiều hiểu biết và hứng thú. Trong thời buổi đầy biến động, khi cuộc sống ngoại lai tuôn tràn vào, ta may mắn được ông đem đến cho một viên ngọc quý mài sáng loáng về văn hóa truyền thống Việt Nam, đáng để ta nâng niu mãi mãi".

Đó là sự công nhận chân thành và sâu sắc đối với một học giả đã dành trọn đời để "mài sáng" những giá trị văn hóa Việt, bằng trí tuệ, trái tim và ngòi bút không biết mỏi.

Vietnam: Tradition and Change là tác phẩm viết bằng tiếng Anh, phản ánh quá trình biến đổi và phát triển của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập.

Đặc biệt, năm 2020, ở tuổi ngoài 100, ông vẫn miệt mài làm việc và cho ra mắt bộ sách đồ sộ Cảo thơm lần giở gồm hai cuốn, dày gần 1.000 trang.

Đây không chỉ là một công trình đồ sộ về mặt học thuật, mà còn là kết tinh của cả một đời lao động chữ nghĩa và "xuất - nhập khẩu" văn hóa giữa Việt Nam và thế giới.

Cảo thơm lần giở giới thiệu cuộc đời và tư tưởng của 180 danh nhân thế giới, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: Tôn giáo, triết học, văn hóa, khoa học, văn học - nghệ thuật, xã hội học, lịch sử, chính trị học…

Với tầm nhìn rộng mở và lối viết gần gũi, tác phẩm đã góp phần đưa những tinh hoa nhân loại đến gần hơn với bạn đọc Việt Nam.

Nhưng sâu xa hơn, đây còn là một cuộc hành hương tâm tưởng của chính tác giả - một trí thức Việt Nam trọn đời gắn bó với văn hóa - luôn trăn trở đi tìm lời đáp cho những câu hỏi căn cốt nhất về đời sống, con người và giá trị nhân sinh.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn hóa Hữu Ngọc - người sống ở 2 thế kỷ - 3

Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc (trái) và nhà báo Nguyễn Như Mai (Ảnh: Nhà báo Nguyễn Như Mai).

Di sản để lại cho muôn đời sau

Không chỉ là một nhà nghiên cứu văn hóa, Hữu Ngọc còn là một người truyền cảm hứng lớn cho các thế hệ sau.

Những tác phẩm của ông đã giúp hàng triệu người Việt Nam hiểu và yêu quý văn hóa dân tộc, đồng thời mở rộng tầm nhìn về thế giới.

Ông không chỉ là người thầy, người hướng dẫn mà còn là một người bạn, người đồng hành trong hành trình tìm hiểu và phát triển văn hóa.

Tại buổi lễ gắn Huân chương Bắc Đẩu cho ông, diễn ra tại Đại sứ quán Thụy Điển vào tháng 6/1997, Đại sứ Thụy Điển Borje Lunggren từng phát biểu: "Từ trước đến nay, tôi chưa từng gặp người bắc cầu giữa các nền văn hóa như ông Hữu Ngọc - cắm rễ sâu vào văn hóa Việt Nam, một con người quốc gia chân chính, rất tế nhị khi tiếp nhận những nền văn hóa khác".

Cũng trong năm 1997, tại lễ ra mắt cuốn Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội do chính quyền Quebec (Canada) tài trợ, ông Hữu Ngọc đã nhận được sự trân trọng đặc biệt từ bạn bè quốc tế.

Ông Sylvain - Bộ trưởng Bộ Quan hệ quốc tế về khối Pháp ngữ của Quebec - phát biểu: "Ông Hữu Ngọc là một trong những học giả xuất sắc của Việt Nam. Ở ông, tôi xin chào không những một ký ức không bao giờ cạn, mà cả một con người có vốn văn hóa tế nhị, hình ảnh của Việt Nam".

Lời nhận định ấy không chỉ thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho học giả Hữu Ngọc, mà còn là minh chứng cho vai trò cầu nối văn hóa sâu sắc của ông trong mắt bạn bè thế giới.

Mười năm sau, khi ông ra mắt cuốn Wandering through Vietnamese Culture (Lãng du trong văn hóa Việt Nam), nhà báo Thái Lan Don Pathan tiếp tục ghi nhận: "Mặc dù Việt Nam bị đảo lộn trong mấy thập kỷ qua bởi những người khách nước ngoài, Hữu Ngọc đã thuyết phục độc giả là ở đất nước này có một nền văn hóa độc đáo không bao giờ mất".

Còn nhà sử học Phan Huy Lê cũng từng nhận định rằng, ông Hữu Ngọc là "một nhà văn, một nhà báo nổi tiếng về những tác phẩm giới thiệu văn hóa nước ngoài vào Việt Nam và văn hóa trong nước ra quốc tế".

Nhà báo Nguyễn Như Mai, một người bạn thân thiết của nhà văn hóa Hữu Ngọc, xúc động chia sẻ: "Cụ Hữu Ngọc sinh năm 1918, trước cha tôi một năm. Cụ là một chứng nhân xuyên suốt một thế kỷ đầy biến động của đất nước, là nhà nghiên cứu uyên bác với khối lượng tác phẩm khổng lồ bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh.

Cụ là cây đại thụ trong văn hóa, khó ai sánh kịp, nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn với nhiều học giả thế giới. Các chính khách, thậm chí cả vua, hoàng hậu nước ngoài, khi đến Việt Nam, đều muốn được nghe cụ giới thiệu về văn hóa Việt".

Với nhà báo Nguyễn Như Mai, mối quan hệ với nhà văn hóa Hữu Ngọc không chỉ đơn thuần là sự kính trọng, mà còn là tình bạn thân thiết.

Nhờ có chữ "duyên" - như cách nhà văn hóa lỗi lạc hay nói - nhà báo Nguyễn Như Mai được tiếp xúc với ông Ngọc, được viết về ông, và đặc biệt, được ông coi là bạn, dù cách biệt về tuổi tác.

"Mỗi lần cụ cho ra mắt một tác phẩm mới, cụ đều tặng tôi những ấn phẩm quý với lời đề tặng thân tình, như một người bạn lâu năm. Tuy nhiên, càng về sau, sức khỏe cụ Hữu Ngọc yếu dần, mắt mờ, tai kém, và cụ chỉ ở nhà. Dù vậy, cụ vẫn tiếp tục viết, vẫn giữ cho mình một ngọn lửa trí tuệ bền bỉ.

Số tiền tích góp từ nhiều năm lao động trí óc, cụ dùng để xây dựng Quỹ Văn hóa mang tên mình. Quỹ này đã hỗ trợ không ít hoạt động văn hóa - giáo dục, tặng sách cho các câu lạc bộ và học sinh các trường học hiếu học", nhà báo Nguyễn Như Mai chia sẻ.

Nhà báo Nguyễn Như Mai bày tỏ rằng, được từng làm bạn với nhà văn hóa Hữu Ngọc là niềm vinh dự của ông. 

"Hữu tâm, hữu ngọc tất hữu danh. Không vì danh, nhưng ông là kẻ sĩ có danh, danh lớn lắm và đó là danh thơm vậy!", nhà báo Nguyễn Như Mai nhận xét.