Con đường trở thành top models

Điều gì đã khiến những cô gái ở đây được gọi là top model và họ có thể yêu cầu 10.000 hoặc là 100.000 USD cho một ngày chụp hình? Đó đã, đang và sẽ không chỉ là câu hỏi của độc giả mà còn của những cô gái ôm mộng trở thành top model vào một ngày đẹp trời.

Một tối ở khu Chelsea (New York), nhà tạo mẫu Karl Lagerfeld sẽ trình làng bộ sưu tập đầu tiên của mình nằm trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang New York. Những vị khách lục tục đi về phía ghế ngồi. Còn trong hậu trường những stylist vẫn tiếp tục công việc của mình để 21 cô gái đang ngồi đây, chỉ trong vài phút nữa, sẽ xuất hiện thật lộng lẫy trước công chúng. Những người mẫu ngồi chờ tới lượt trang điểm, làm tóc... mà tay vẫn hý hoáy bấm điện thoại không ngừng. Có thể họ đang nhắn tin cho "bạn trai" của mình... Nếu thử check lại danh sách "50 người mẫu hàng đầu" trên trang web models.com hay website của những hãng quản lý, giới thiệu người mẫu thì sẽ thấy 21/44 cái tên đó đều đang ngồi san sát ở đây và tanh tách soạn tin nhắn SMS chẳng khác nào những đứa trẻ mới lớn...

Điều dễ nhận thấy nhất ở đây là những khuôn mặt hốc hác khi không son phấn. Top-models có thể đang nằm dài trên băng ghế hay ngủ gà gật trong lúc chờ đợi. Có thể các cô suốt 3 tuần nay đã không về nhà mà di chuyển liên tục từ Paris, London tới New York với 8 tiếng trên sàn diễn mỗi ngày. Ngày mai có thể họ sẽ lại phải có mặt ở Milan và sau đó quay về Paris ngay. Thế nhưng, điều đó chẳng khiến họ phiền lòng, vì có... stress, tức là họ có thu nhập; thấp nhất cũng phải là 1.500 USD cho một buổi diễn. Với những người mẫu hàng top thì con số đó phải nhân lên 10 hoặc 100 lần nữa.

Điều gì đã giúp 21 cô gái kia có mặt ở đây và hưởng những khoản thù lao ngất trời mà không phải ai khác? Tất nhiên, vì họ đẹp. Nhưng nếu chỉ đẹp thì mỗi ngày trên đường phố New York người ta có thể tìm được ít nhất vài người như thế, và những cô đó cũng sẽ lộng lẫy chẳng kém gì dưới bàn tay phù thuỷ của những stylist hàng đầu.

Bí quyết “hóa thiên nga”

"Xuất hiện đúng thời điểm!", Anja Rubik nói. Còn với Raquel Zimmermann thì cho rằng phải "dựa vào bản thân, tránh xa chuyện trai gái và thuốc phiện". Đó quả là những suy nghĩ hợp lý nhưng ... chưa đúng. Vì Carmen Kaas vẫn có thể ký tắt những hợp đồng hàng triệu đôla mà chẳng ngại tới trễ. Hay Naomi Campbell và Kate Moss vẫn trụ được trên sàn diễn cho dù họ chẳng từ bất kỳ scandal nào.

Câu hỏi được chuyển sang cho những chuyên gia trong ngành thời trang. Đâu là những phẩm chất mà một top-model cần có để được bốc ra khỏi một đám đông những-cô-gái-chân-dài? Như Booker, một đại lý tuyển người mẫu nổi tiếng có doanh thu chỉ riêng trong năm 2005 đã là 3,5 triệu euro, mỗi ngày phải gặp mặt hàng chục cô gái ôm mộng trở thành ngôi sao thì họ sẽ căn cứ vào đâu để "chọn mặt gửi vàng"? Làm thế nào để được như Gisele Bündchen hay Julia Stegner với những hợp đồng bạc triệu của Victoria Secret, L'Oreal, YSL?

Một kết quả đáng thất vọng: Ngay cả các chuyên gia, những người có "quyền sinh quyền sát" cũng chẳng thể nói ra được bí mật thành công. Thế nhưng, ngược lại, ai trong số họ cũng dễ dàng tung ra những lời nhận xét có cánh: toả sáng, cá tính, thông minh! Như vậy, phải chăng chìa khoá thành công nằm ở chính những ấn tượng đầu tiên. "Ấn tượng đầu tiên luôn quan trọng bởi đó không phải là... ấn tượng thứ hai".

Quả vậy, phút loé sáng của những người mẫu tiền top chính là những giây đầu tiên của một buổi Go-See (buổi ra mắt người casting). Chris Gay, quản lý của công ty Woman, xây dựng lý thuyết của riêng mình: "Mỗi cô gái phải có sức truyền cảm riêng. Mỗi gương mặt phải kể được một câu chuyện!". Còn có một sự thật khác: chưa hề có bất kỳ người mẫu nào đoạt giải từ các cuộc tuyển người mẫu trên truyền hình có mặt trong top-models! Đó dù sao cũng chỉ là "cần câu cơm" của nhà đài sau khi đã bắt tay với những nhân vật nơi hậu trường ngành thời trang.

Jenny Friedberg là một nhân vật tiếng tăm trong làng thời trang hiện đang làm cho Creative Chaos, một trong những công ty quan trọng nhất chuyên sắp xếp những buổi chụp hình cho các hãng lớn tại New York. Creative Chaos đóng vai trò cầu nối giữa khách hàng, đại lý quản lý người mẫu, thợ ảnh và những người mẫu. Khách hàng của họ: Nike, H&M luôn có những yêu cầu nhất định về người mẫu tuỳ mùa vụ. Và những cuộc thảo luận để tìm ra một gương mặt thích hợp lúc nào cũng như kéo dài vô tận với những lời nhận xét từ phía khách hàng: họ quá/thiếu gợi cảm, quá/chưa đủ nổi loạn...

Với kinh nghiệm rất nhiều năm nằm vùng trong ngành công nghiệp thời trang, bài học của Jenny là: "Những người mẫu cần may mắn và cơ hội. Có những nhân vật quyền lực trong làng. Họ chính là những người sẽ quyết định được một gương mặt sẽ lên Top hay không. Ví dụ như Tổng biên tập tạp chí thời trang Vogue của Italy: Franca Sozzani, hay nhiếp ảnh gia Mario Testino, và nhà tạo mẫu Melanie Ward. Khi những cái tên này tỏ ra ưu ái một ai đó thì tự khắc người mẫu sẽ có được cơ hội từ những người khác". Chính Jenny cũng thú nhận rằng việc cô nhìn thấy một gương mặt mới trên bìa tờ Vogue còn có ý nghĩa hơn gấp nhiều lần những lời giới thiệu truyền miệng.

Cô người mẫu Natalia Vodianova là một ví dụ cho những điều Jenny nói đến ở trên. Năm 17 tuổi cô gái trẻ người Nga này tới Paris bắt đầu nghề người mẫu. Và cuộc đời của cô đã thay đổi chỉ sau một đêm khi gương mặt của cô được xuất hiện trên bìa Vogue ấn bản tại Italy. Lời mời từ những tạp chí danh tiếng nhất và một hợp đồng độc quyền với Calvin Klein dường như là thứ "từ trên trời rơi xuống" cho Natalia. Thu nhập của cô bây giờ đã là 8 triệu đôla một năm! Điều gì khiến cái tên của cô trở thành một thương hiệu có giá như vậy nếu không phải nhờ vào uy tín của những nhân vật quyền lực nhất làng thời trang? Và hầu như tên tuổi sáng giá nào của làng người mẫu cũng đều đi lên như thế, từ một bìa báo, có thể là Vogue (ấn bản Mỹ, Italy, Pháp), Dazed & Confused, Numéro, I-D; và sau đó là hàng chồng hợp đồng quảng cáo.

Người “đọc người mẫu” siêu đẳng

Russel Marsh, một nhân vật kỳ tài khác trong ngành công nghiệp sắc đẹp, có biệt danh là: Mắt thần, bởi khả năng “nhìn không thành có” Công việc chính của Russel là tuyển người mẫu, cộng tác với những tạp chí thời trang hàng đầu và làm nhân viên cho Prada và Miu Miu. 6 năm trước, Russel đã đưa Karen Elson từ không-là-ai-cả trở thành một hiện tượng và từ đó rất nhiều chuyện kỳ thú về Russel đã được “dân gian” đồn đại.

Mỗi ngày làm việc bình thường của Russel bắt đầu bằng việc ngắm nghía khoảng gần trăm gương mặt. Mỗi năm trung bình Russel giới thiệu cho những công ty ở Milan khoảng 3.000 người. Tất nhiên, sự lựa chọn của Russel chưa hứa hẹn được điều gì, nhưng được Russel nhớ đến đã là một cơ hội lớn. Bởi vì trong 18.000 gương mặt được lưu lại trong ngân hàng dữ liệu của mình, Russel có thể nhớ từng dấu ấn riêng và tìm ra được khuôn mặt thích hợp nhất cho mỗi lời yêu cầu chuyên biệt từ các hãng, tạp chí. “Ví dụ bạn cần tìm một gương mặt cho một shoot chụp bộ sưu tập đồ tắm mùa này, bạn chỉ cần gọi cho Russel và “đặt hàng” theo yêu cầu. Anh ấy sẽ tìm ra được những người mẫu y như ý bạn”, Anna-Marie Solowij của tạp chí Vogue, nói.

“Với tôi, tuyển người mẫu chẳng khác gì tuyển diễn viên. Luôn có những đòi hỏi tương ứng với từng tính cách. Chúng ta truyền tải thông điệp bằng hình ảnh chứ không phải bằng lời nói. Vì thế, một cô gái đẹp chưa đủ, mà bề ngoài của cô ấy phải mang một cá tính mạnh mẽ, làm người xem không thể quên”, Russel nói.

Trong khi đó, Scott Lipps, ông chủ của 1-Management, còn đòi hỏi ở những top models nhiều hơn thế. "Một cô gái làm tôi thấy hứng khởi là khi cô ấy tới phòng tôi và nói: Scott, tôi đã là một người mẫu thành công, giờ tôi muốn tiếp tục khẳng định mình. Tôi sẽ đóng phim hoặc trở thành hoạ sĩ! Đó chính là mẫu hình của top models thời đại mới. Có như thế cô ấy mới đủ khả năng thuyết phục tất cả đối tượng khách hàng của mình".


Theo Sinh Viên VN