“Có tuổi đôi mươi thành sóng nước...” (*)

(Dân trí) - Đạo diễn- NSƯT Hữu Mười chia sẻ với <i>Dân trí</i> những cảm xúc thiêng liêng, những kỷ niệm không quên khi bắt tay vào làm phim <i>Mùi cỏ cháy</i>. Bộ phim là câu chuyện bi hùng về trận chiến 81 ngày đêm huyền thoại ở thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Bộ phim Mùi cỏ cháy của đạo diễn Hữu Mười (kịch bản Hoàng Nhuận Cầm) đã đoạt giải Cánh Diều Vàng tại lễ trao giải của Hội Điện ảnh tháng 3/2012. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về 4 chàng sinh viên khoa Văn (ĐH Tổng hợp) lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường Quảng Trị năm 1972.

Hoàng - Thành - Thăng - Long, bốn chàng trai trẻ vẫn còn ham chơi dế, chơi ve, vẫn bị mẹ đánh đòn mỗi khi trốn học, bỗng một buổi sớm mai được gọi lên đường nhập ngũ. Gác lại đèn sách, chia tay giảng đường, 4 sinh viên trẻ lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Trên ba-lô hành trang, họ mang theo tuổi trẻ, mang theo những ước nguyện trẻ con còn dở dang, nhưng trên hết, họ mang theo tình yêu với Tổ quốc. Chính tình yêu ấy đã thúc giục những người lính trẻ lao lên phía trước, đạp bằng mọi gian nan, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng ngã xuống để giữ lấy từng tấc đất mẹ bằng xương máu của mình.
 
“Có tuổi đôi mươi thành sóng nước...” (*) - 1
Đạo diễn Hữu Mười (bìa trái) đón nhận sự chúc mừng của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái (bìa phải) tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng tháng 3/2012 (Ảnh: H.H)

Xếp lại những câu chuyện bên lề về kinh phí, về sự vất vả khó khăn đặc thù của phim chiến tranh, đạo diễn- NSƯT Hữu Mười đã chia sẻ với phóng viên Dân trí những cảm xúc của anh khi bắt tay vào kịch bản phim Mùi cỏ cháy.

“Hãy biết ơn những anh hùng đã ngã xuống để cho chúng ta có ngày hôm nay”
 
“Nếu tôi nói với bạn, hãy biết ơn những anh hùng đã ngã xuống để chúng ta có ngày hôm nay- nghe sẽ thật sáo rỗng. Ai cũng có thể nói ra những câu cửa miệng như thế. Ai cũng có thể hô hào những câu kiểu như thế. Chúng ta đã nghe quá nhiều. Nhưng, nếu bạn đã từng đứng trước thành cổ Quảng Trị và nghe kể chuyện về 81 ngày đêm lịch sử, nếu bạn đã từng ngồi lặng trước những trang hồi ký, nhật ký của những chiến sỹ đã ngã xuống thành cổ… Bạn sẽ có cảm xúc như tôi. Có một sức mạnh vô hình nào đó thôi thúc trong ta, buộc ta phải làm một điều gì đó để kể lại cho muôn đời sau về những ngày tháng khốc liệt, bi hùng ấy.
Quả thực, phải đối diện với chiến tranh, phải hiểu nỗi đau của chiến tranh mới thấm thía được câu nói, “Hãy biết ơn những anh hùng đã ngã xuống để cho chúng ta có ngày hôm nay”, câu nói ấy đã được đúc kết bằng máu”, đạo diễn, NSƯT Hữu Mười đã bắt đầu như thế khi kể lại quãng thời gian anh chuẩn bị bấm máy Mùi cỏ cháy.
 
“Có tuổi đôi mươi thành sóng nước...” (*) - 2
Một cảnh trong phim Mùi cỏ cháy

Để xây dựng kịch bản chi tiết cho bộ phim của mình, đạo diễn Hữu Mười đã đến thăm thành cổ Quảng Trị, nghe và đọc về cuộc chiến 81 ngày đêm lịch sử. Hữu Mười cũng tìm đọc những cuốn hồi ký, nhật ký của các liệt sỹ, của những cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc chiến. Biên kịch Hoàng Nhuận Cầm giới thiệu Hữu Mười với hội cựu chiến binh 6/9- những người lính đã lấy ngày giã từ giảng đường (ngày 6/9) để lưu nhớ kỷ niệm. Họ là chứng nhân của những tháng năm lịch sử, khi chiến trường cạn kiệt quân binh, những sinh viên trẻ măng đã xếp lại bút nghiên, lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Để đến hôm nay, khi đã bước ra khỏi cuộc chiến, rất đông trong số họ vẫn ám ảnh, vẫn nhức nhối với ký ức khốc liệt của thời chiến. Họ như vẫn chưa thể bước ra, chưa thể xếp lại đau thương, chưa thể nguôi quên mất mát, để hòa nhập với cuộc sống đời thường.

Chính những cựu chiến binh, chính những câu chuyện của họ, những câu chuyện về sự hy sinh mất mất, những trận đánh huyền thoại 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị đã thôi thúc Hữu Mười có được bộ phim Mùi cỏ cháy.
 
“Có tuổi đôi mươi thành sóng nước...” (*) - 3
Đạo diễn Hữu Mười (bìa phải) tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng (Ảnh: H.H)

“Tôi đọc trong tư liệu kể lại rằng, mỗi đêm có khoảng hơn 100 chiến sỹ vượt sông Thạch Hãn sang thành cổ Quảng Trị chiến đấu và có nhiều đêm, chẳng còn ai sang được đến thành cổ, tất cả họ đều đã nằm lại dưới lòng sông bởi bom đạn quân thù. Tôi đã đưa vào phim những chi tiết như, có những người lính chưa biết bơi, có những người lính còn đang học bạn cách bắn súng, cách ném lựu đạn… Họ còn quá trẻ, họ được chi viện gấp rút cho chiến trường. Ở bên kia bờ sông là chiến trường, bên này sông các chiến sỹ vẫn đang học bắn súng, học bơi… Sông Thạch Hãn là một nghĩa trang lớn. Một nghĩa trang dưới lòng sông. Ở đó, không biết bao nhiêu người lính trẻ đã nằm lại. Có những người hy sinh vì bom đạn. Có những người hy sinh vì đạn bắn vào ni-lon phao… Đọc tư liệu, đọc lịch sử, để thấy cuộc chiến đẫm máu như thế nào, để thấy cái giá của chiến tranh đắt đến mức nào”, đạo diễn Hữu Mười tâm sự.

Đạo diễn Hữu Mười kể, anh đã từng rơi nước mắt khi ngồi trước tư liệu, ngồi trước những trang hồi ký viết về 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đây là một trong những trận chiến ác liệt bậc nhất trong chiến dịch Xuân Hè 1972, một phần của Chiến tranh Việt Nam. Không biết bao nhiêu chiến sỹ đã ngã xuống. Đến bây giờ, mỗi khi ai đến thăm thành cổ, người ta vẫn nói với nhau rằng, “Hãy đi nhẹ chân thôi, kẻo làm đau các liệt sỹ”.
 
“Có tuổi đôi mươi thành sóng nước...” (*) - 4
Một cảnh trong phim
 
 
“Từ thành cổ Quảng Trị đến đại thắng mùa xuân năm 1975”

Trong phim Mùi cỏ cháy, đạo diễn Hữu Mười lấy lại một chi tiết từ nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc để xây dựng thành tình tiết nhân vật Thăng làm thơ tặng bạn gái và hẹn sẽ gặp nhau vào tháng 4/1975.

“Trong một bức thư liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc gửi bạn gái là Như Anh đã viết, “Hẹn đến ngày 30/4/1975 sẽ trả lời cho bạn câu hỏi, hạnh phúc là gì?”. Câu này anh Thạc viết 2 lần. Và không ai giải thích được, tại sao anh lại biết được ngày 30/4/1975 là ngày toàn thắng? Trong phim, tôi có ý xây dựng nhân vật Thăng mang hình ảnh anh Thạc. Tôi xây dựng Thăng là một chàng trai trẻ, bình thường, yêu thơ ca. Không phải là người có khả năng dự đoán tương lai. Tôi cũng bỏ ngày 30 đi, chỉ dám để tháng 4/1975 là ngày hẹn gặp. Anh Thạc đã tiên liệu quá chính xác, nếu đưa vào phim, đôi khi thành khiên cưỡng. Nhưng điều đó thật kỳ diệu, không ai giải thích được”, đạo diễn Hữu Mười chia sẻ.
 
“Có tuổi đôi mươi thành sóng nước...” (*) - 5
Nhân vật Thăng hẹn bạn gái sẽ gặp nhau tháng 4/1975, đây là chi tiết
lấy từ nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc.
 
 
Bước qua cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị, chỉ duy nhất nhân vật Hoàng còn sống. Bộ phim Mùi cỏ cháy kết thúc trong hình ảnh cả nước đón mừng mùa xuân đại thắng (30/4/1975). Trước dinh Độc lập, Hoàng gặp lại thủ trưởng cũ của mình. Hai người lính, một già, một trẻ đã ôm nhau khóc rưng rức. Họ khóc giữa không khí hân hoan, tưng bừng của cả dân tộc. Bởi hơn ai hết, họ đã đi qua cái giá của chiến tranh, họ hiểu được cái giá ấy đắt đến mức nào.

***

Khi Mùi cỏ cháy hoàn tất, đạo diễn Hữu Mười đã mời những khán giả đầu tiên đến xem phim, đó là hội cựu chiến binh 6/9. Những người lính đã từng tạm biệt giảng đường vào Quảng Trị chiến đấu ấy đã ngồi lặng suốt gần 2 tiếng đồng hồ dõi theo nội dung phim. Kết thúc, họ chỉ ngồi lặng đi và… khóc.
 
“Có tuổi đôi mươi thành sóng nước...” (*) - 6
"Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước. Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm..."
 
 
Cuộc chiến đã lùi xa nhưng nỗi đau khốc liệt mà nó để lại vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai trong ký ức dân tộc. “Nếu không quá khứ ấy, hiện tại sẽ thật vô nghĩa. Bởi vậy, tôi đã làm bộ phim này như một sự tri ân với lịch sử, với cha ông - những người đã ngã xuống cho chúng ta có ngày hôm nay. Lời nói này không sáo rỗng chút nào. Không thể sáo rỗng, khi chúng ta thấu hiểu, khi chúng ta trân trọng…”, đạo diễn Hữu Mười tâm sự.
 
Lịch sử đã được viết bằng máu. Và chúng ta không có quyền quên máu. 
 
 
(*) Trích thơ của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương.
 
Hiền Hương thực hiện