1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Xung quanh việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT:

Có hay không sự “kỳ thị” đối với nghệ sĩ tự do?

(Dân trí) - Từ nhiều năm nay, trong dư luận vẫn âm ỉ xung quanh việc "kỳ thị" đối với nghệ sĩ tự do trong khâu phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Vậy có hay không một quan niệm không còn hợp thời này?

Để làm rõ vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NSND Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin, Phó Chủ tịch Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ sĩ năm 2005.

 

Thưa Thứ trưởng, trong danh sách 504 người được xét tặng danh hiệu lần này chỉ có 12 người là nghệ sĩ tự do, riêng lĩnh vực âm nhạc chỉ có duy nhất ca sĩ Thanh Lam, phải chăng có sự "kỳ thị" đối với những nghệ sĩ tự do? (khái niệm tạm thời để chỉ những nghệ sĩ không nằm trong biên chế của các đoàn nghệ thuật do cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý)

 

Trước khi phong danh hiệu NSND, NSƯT đợt 6, chúng tôi có một thông báo rất sớm gửi cho các Sở Văn hoá Thông tin, các UBND để địa phương thông báo cho các nghệ sĩ là những đối tượng được phong danh hiệu mà Chính phủ đã phê duyệt. Sau đấy, UBND các tỉnh thành lập các hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT từ cơ sở để những đơn vị nghệ thuật, những câu lạc bộ hay các hội, những nghệ sĩ tự do (hay gọi là những nghệ sĩ xã hội hoá) có điều kiện làm hồ sơ xét tặng.

 

Trong số những nghệ sĩ tự do có những người làm hồ sơ, có những người không làm mà số người làm hồ sơ theo chúng tôi biết là rất ít. Chính vì vậy, khi đưa lên danh sách của Hội đồng cao hơn thì không có nhiều. Trường hợp như Thanh Lam là do chị đã tự nguyện làm hồ sơ, còn những người khác không đề nghị chứ không phải do Hội đồng gạt đi.

 

Chúng tôi chẳng bao giờ có sự kỳ thị với các nghệ sĩ tự do. Cái danh hiệu ấy là danh hiệu cao quý của Nhà nước, Nhà nước này là của dân vì thế không bao giờ có sự phân biệt đối xử. 

Có hay không sự “kỳ thị” đối với nghệ sĩ tự do? - 1
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ca sĩ Thanh Lam: “Các nghệ sĩ trong biên chế cơ quan nhà nước có nhiều thuận lợi hơn so với những nghệ sĩ tự do nhưng ai cũng phải làm theo các bước quy định thôi. Khi biết mình là ca sĩ tự do duy nhất được xét tặng danh hiệu tôi rất vui. Danh hiệu NSƯT đối với tôi là niềm vinh dự vô cùng lớn, là thành quả đáng quý tôi nhận được sau 15 năm ca hát. Tôi hi vọng những lần xét tặng sau sẽ có thêm nhiều gương mặt nghệ sĩ tự do hơn nữa”.

Có một số nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ tự do tỏ thái độ không đồng tình với quy định yêu cầu họ phải viết đơn xin xét tặng danh hiệu với lý do: những thành tích, cống hiến của nghệ sĩ  thì công chúng và các nhà quản lý đều biết?

 

Chúng tôi thực hiện theo Luật Thi đua Khen thưởng chứ không phải Bộ Văn hoá Thông tin hay là một cơ quan nào thích làm gì thì làm. Khi xét tặng, chúng tôi dựa vào 3 tiêu chí: Một là đạo đức của người nghệ sĩ, hai là tài năng của họ được quần chúng và đồng nghiệp đánh giá cao, ba là các giải thưởng.

 

Có những ca sĩ tự do được một số khán giả yêu thích nhưng về mặt kỹ thuật thanh nhạc lại không cao thì không thể đánh giá đấy là những nghệ sĩ tiêu biểu, nổi tiếng ở bộ môn của họ. Hay những diễn viên hài cũng vậy, có người được khán giả thích nhưng người trong nghề, am hiểu về nghệ thuật lại cho đấy là giá trị nghệ thuật thấp. Thế thì lấy tiêu chí nào để đánh giá chính xác?

 

Việc xét tặng phải qua rất nhiều Hội đồng đánh giá chứ không phải chỉ một Hội đồng. Nếu được danh hiệu NSND, NSƯT thì phải qua 4 Hội đồng mới có thể xác định. Vì thế, các nghệ sĩ không còn cách nào khác là phải làm hồ sơ hoạt động nghệ thuật gửi lên bởi không ai có thể biết hết khả năng, thành tích của họ rõ hơn chính bản thân họ.

 

Nhưng việc kê khai thành tích, giải thưởng đối với nghệ sĩ quả thật nhiều khó khăn nếu họ không nằm trong biên chế của một cơ quan nhà nước?

 

Cái huy chương Vàng, huy chương Bạc chỉ là một trong những cơ sở để đánh giá. Ví dụ: Bà Quách Thị Hồ có huy chương nào? Bà là nghệ sĩ tự do đã lên NSND đấy. Bà Kim Cương, bà Bạch Tuyết, bà Ngọc Giàu sân khấu TPHCM... có thuộc biên chế đâu? Chị Hồng Vân, anh Thành Lộc của đơn vị nghệ thuật công lập và nhiều nghệ sĩ hoạt động ngoài công lập đã được phong tặng qua 5 đợt xét vừa qua. Họ đều là NSND, NSƯT đấy thôi.

 

Nghe nói NSƯT Thành Lộc cũng trượt danh hiệu NSND đợt này?

 

Anh Thành Lộc không được xét tặng danh hiệu NSND vì anh chưa đủ năm.

 

Nhân nói đến số năm cống hiến, nhiều nghệ sĩ cho rằng tiêu chuẩn này rất bất cập vì nghệ sĩ được công nhận thì "thời vàng son" đã hết?

 

Về tiêu chí chung, phải đặt ra như thế nhưng trong quá trình xét tặng, Hội đồng luôn quan tâm tới từng trường hợp cụ thể. Vẫn có những trường hợp đặc cách như chị Thu Hiền (Nhà hát chèo Hà Nội), anh Trung Hiếu (Nhà hát kịch Hà Nội). Tôi nghĩ rằng việc đánh giá  NSND, NSƯT có một cái khung quy định, không có cái khung ấy thì các Hội đồng lấy cơ sở nào để mà xét? Chúng ta ngồi xét mà không dựa vào cơ sở, vào khung quy định sẽ rơi vào cảm tính.

 

Thế còn những trường hợp đưa lên với đầy đủ các tiêu chuẩn, tại sao họ không được xét tặng?

 

Có nhiều trường hợp đưa lên về cơ bản là đầy đủ nhưng không thể cùng một lúc chúng ta có thể dàn hàng ngang được. Vì vậy mới có Hội đồng để cân nhắc, bỏ phiếu để lựa chọn.

 

Hội đồng lựa chọn trên sự so sánh như trong cùng lĩnh vực nghệ thuật, ai có nhiều thành tích hơn, có nhiều cống hiến, được khán giả và đồng nghiệp công nhận, tôn vinh. Mặt khác, còn có sự so sánh với những nghệ sĩ đã được phong các lần trước nữa. Ví dụ bên cạnh NSND đã được xét tặng, đưa một nghệ sĩ tiếp theo lên phải xem họ có xứng đáng hay không? Mọi tiêu chuẩn đầy đủ nhưng để đưa vào tặng danh hiệu ấy thì Hội đồng được quyền chọn.

 

Cũng có ý kiến cho rằng giá trị của những danh hiệu không còn "thật" như trước nữa, và với cái danh sách xét tặng như đợt này thì chúng ta đang "bội thực" danh hiệu?

 

Vì vậy, Hội đồng phải có trách nhiệm đánh giá thế nào để cho nó thật chặt chẽ, chính xác, tránh sự "bội thực" như dư luận đặt ra.

 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

Nguyễn Hằng

(thực hiện)