Vĩnh biệt Nhà thơ Thái Ngọc San

“Có gì tan tác tựa phù vân”...

(Dân trí) - Câu thơ mây trời tan tác của Thái Ngọc San chợt hồi quang trong một chiều Huế trở mưa áp thấp, khi tin anh qua đời bay tới mỗi bạn bè gần xa.

Đã qua rồi một đời ngắn của một con người tốt nhất, dễ thương nhất, quyết liệt nhất và cũng vô hại nhất của Huế tôi. Một thế hệ vàng nhân cách, tài năng của Huế vơi mỏng dần trong mấy năm gần đây. Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ... bây giờ là Thái Ngọc San. Huế từ nay sẽ vắng thêm nhiều khi thiếu bóng anh lêu đêu trên đường Lê Lợi sương mai, dưới đèn khuya Phủ Cam ngỏ về, bên ly rượu bạn bè tứ hải không cạn với sông Hương.

 

Nhớ khoảng 20 năm trước tôi đã giật mình bắt gặp trên báo Văn Nghệ một bài thơ có cái tít không chờ đợi trong một bầu khí văn nghệ êm ả bấy giờ: Hãy đuổi chúng nó ra khỏi Đảng. Việc phải làm ngay sau đó không phải là đọc thơ mà xem tác giả là ai. Thái Ngọc San. Rồi một dạo, cũng trên Văn Nghệ, tôi đọc được một bài thơ của anh mà không hiểu sao nhớ mãi cái tứ: Ba mẹ đặt tên cho con bằng cái chữ đẹp nhất trong kho chữ nghĩa. Mai nào có thể không còn thích nữa con cứ đổi tên chỉ xin con giữ lấy họ... Tiếc là tôi không thuộc chính xác nên không dám trích ra đây. Nhưng chẳng sao với một người như Thái Ngọc San.

 

Năm ngoái uống rượu với nhau, tôi đọc mấy câu thơ của anh và khen hay: Hà Nội của tôi/ Dẫu em đã xa bên kia những bãi bờ sông Hồng/ Những mùa nước vẫn sôi trong tim tôi cuồn cuộn/ Dẫu con rùa vàng không còn dưới đáy hồ Gươm/ Tôi vẫn mơ người Hoàn Kiếm… Anh cười hềnh hệch, sửa sửa gọng kính đồi mồi, rồi đưa tay vuốt khẽ mái tóc hoa râm bềnh bồng, hát mấy câu ruột điệu boléro của một thời vang bóng...

 

Tuổi trẻ của Thái Ngọc San đẹp lắm. Tay xách bom xăng tìm đốt xe lính Mỹ. Tay cầm bút viết những bài thơ dậy lửa đấu tranh chống cường quyền các thứ. Dữ dội mà hồn hậu. Năm 1969 Thái Ngọc San bị bắt trong chiến dịch Phượng Hoàng, bị tống vào quân trường Lam Sơn, Khánh Hòa rồi ném lên chiến trường khốc liệt Đắc Tô, Kon Tum. Một nông dân tên Năm đã lớn tuổi bị bắt lính cùng ý chí đào thoát đã hỏi Thái Ngọc San: “Nếu thoát được chú tính sẽ làm chi?”. Anh nói đùa: “Muốn có một con bò rồi tìm về một vùng quê đi chăn bò!”. Người lính nông dân hào hứng: “Rứa thì chú về quê tui, tui sẽ cho chú hai con bò lận, tui có một đàn gần ba chục con!”.

 

Sau đó, Thái Ngọc San đào thoát thành công, nhưng không biết người bạn già sống chết ra sao giữa rừng bom đạn ngã ba biên giới. Anh ngậm ngùi kết thúc chuyện này: “Đến bây giờ Năm còn nợ mình hai con bò. Còn món nợ mình mắc Năm lớn hơn nhiều, không thể trả được!”.

 

Thời làm tạp chí Sông Hương, Thái Ngọc San tỏ rõ bản lĩnh một thư ký tòa soạn văn nghệ, có khả năng tập hợp được đông đảo cây bút tên tuổi, luôn đẩy tờ báo đến phía cái mới dẫu gặp bao khó khổ. Thời về báo Thanh Niên, với bút danh Ngọc Thảo Nguyên, anh vẫn là cây bút trung thực với mình, với xã hội và quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh.

 

Ngôi nhà nhỏ Thái Ngọc San nằm cuối ngỏ, sát rạt đường tàu lửa. Đêm đêm bao chuyến tàu ngược xuôi váng động giấc ngủ nhà thơ. Bây giờ thì anh đã yên giấc nghìn thu. Sau bão số 8 năm nào Thái Ngọc San viết bài thơ khóc cây ngô đồng công viên Tứ Tượng đổ gãy. Anh lo ngày bầy phượng hoàng trở lại không còn nơi đậu đỗ. Bây giờ nhà thơ thì đi xa mà bầy phượng hoàng thì vẫn chưa thấy bay về...

 

Nhà thơ Thái Ngọc Sơn mất ở Bệnh viện Trung ương Huế vào lúc 0h45 phút, sau gần 20 ngày nằm tại khoa Hồi sức cấp cứu, do tai nạn giao thông. Các bác sĩ, gia đình và bạn bè đã hết lòng cứu chữa, chăm sóc, nhưng vết thương quá nặng, anh đã không qua khỏi!

Thái Ngọc San sinh năm 1957, quê ở An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, sinh ra ở Đồng Hới: “Tôi có tuổi thơ ở đây/ Hai mươi năm còn vang tiếng còi tàu trên bến cảng…/ Ngôi mộ cha tôi còn đâu đây/ Bom đã cày mất dấu… (Đồng Hới của tôi).

Tuổi 20 Thái Ngọc San đã nổi tiếng ở Huế và Sài Gòn với những bài thơ tranh đấu chống Mỹ – ngụy, đòi hòa bình, thống nhất đất nước ở trong nhóm Việt Tổng Hội Sinh viên Huế.

 

 

Vĩnh Quyền