Có ai từng “Khóc giữa Sài Gòn”?
(Dân trí) - Với lời khuyến cáo “Không đọc sách khi cô đơn, buồn chán” và “Hãy đọc cuốn sách này khi bạn đủ trưởng thành” cùng giới hạn lứa tuổi “16+”, “Khóc giữa Sài Gòn” khiến nhiều người tò mò về nội dung cuốn sách.
“Đây không phải là một chiêu trò để làm hoang mang độc giả, đó là lời khuyến cáo thực sự . “Khóc giữa Sài Gòn” có nhiều vấn đề gai góc của xã hội. Bản thân tôi, khi viết nó cũng trong những ngày tâm trạng vô cùng hoang mang, chỉ hi vọng chút hoang mang đó không làm ảnh hưởng độc giả của tôi”, Nguyễn Ngọc Thạch tâm sự.
Tiểu thuyết mới của tác giả Nguyễn Ngọc Thạch vẽ nên bức tranh xám lạnh về mảnh đất Sài Gòn, đầy chân thực và ám ảnh.
Trong lời tâm sự ngay trang đầu tiên của sách, Nguyễn Ngọc Thạch đã viết, “Có những đêm người ta đầy hoang dại bên nhau, ngẩng mặt nhìn ra thấy lấp lánh ánh đèn không bao giờ tắt.” Và trải dọc hơn 300 trang sách, những mảng sáng tối của Sài Gòn dần hiện lên.
Điểm mạnh của Thạch vẫn được giữ nguyên từ “Chênh vênh hai lăm”, đó là những chi tiết rất đỗi đời thường được đưa vào trang sách một cách sống động. Sài Gòn vẫn khói bụi, kẹt xe, vẫn có những quán café đa phong cách, có bánh mì lề đường mười ngàn một ổ, có những ngọn đèn xanh đỏ không bao giờ lụi tàn. Đọc sách của Thạch, ai cũng nhận ra những điều thân quen, gần gũi, vì đó là nơi người ta ngày ngày chen chân sống, ngày ngày giành nhau từng chút không khí để thở.
Từ bối cảnh quen thuộc đó, các nhân vật được lồng ghép vào nhau để tạo nên câu chuyện với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen. Mỗi nhân vật trong “Khóc giữa Sài Gòn” lại có riêng cho mình một câu chuyện.
Đó là Phan, chàng trai trở về từ phương xa với tham vọng đạt được các vị trí cao trong xã hội. Đó là Mễ, người đàn bà nghiên cứu tâm lý người ta để rồi giật mình hoảng sợ chính những thứ mình tìm ra được. Đó là Tú, gã tác giả nhìn đời bằng con mắt dửng dưng, chán nản nhưng thực tế, lạnh lùng. Là Ân, cô gái cô đơn đến nghẹt thở giữa chốn đông người, phải bám víu vào thế giới ảo. Là Thụy, chàng trai tỉnh lẻ cứ mãi chơi vơi giữa hai bờ giới tính. Và đó là Nam, vẫn còn mãi lạc trong miền đau xa xăm nào.
Sáu con người đó được Sài Gòn đan xích vào nhau như một vòng khép kín. Họ gặp nhau, mang lại niềm vui, nụ cười và cả chia ly, để lại cho nhau nỗi đau cùng nước mắt. Nhân vật của Thạch không có người tốt, kẻ xấu. Họ chỉ đơn giản đóng trọn vai diễn làm con người trong xã hội, tùy theo hoàn cảnh sẽ có cách xử trí cho phù hợp. Vì vậy, Thạch cũng không phán xét nhân vật của mình là đúng hay sai, phần việc đó, mỗi người đọc sẽ tự cảm nhận sau khi trải nghiệm qua nỗi đau của nhân vật.
Đến trang sách cuối cùng, mỗi nhân vật lại có con đường đi của riêng mình, nhưng họ vẫn tin rằng sẽ có một ngày gặp lại nhau giữa đất Sài Gòn, có khi chỉ đơn giản là được ôm lấy nhau và khóc giữa Sài Gòn.
Phương Nhung