Chuyện đời, chuyện nghề của “Má Bảy”

(Dân trí) - “Má Bảy ra đi là nỗi hụt hẫng, mất mát lớn đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương. Má mất đi, bầu trời nghệ thuật cải lương như bị thủng đi một tầng ozone…”, đó là nỗi niềm của Đạo diễn NSND Huỳnh Nga về NSND Phùng Há.

Dù biết rằng ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” sự chia ly là lẽ thường tình, không là điều bất ngờ nhưng với Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há, được mọi người gọi với cái tên thân thương - Má Bảy, một nghệ sĩ lớn, một trái tim nhân hậu. Má Bảy sống cả cuộc đời chỉ để cho và cho…

 

Đám tang Má không người thân ruột thịt,  không nước mắt bi ai nhưng có lẽ nỗi đau của những người con, người cháu không máu mủ ruột rà, những lớp lớp học trò sẽ mãi không thể nào vơi. Những vành khăn trắng được họ quấn lên đầu để tri ân một người thầy, một người mẹ…


Chuyện đời, chuyện nghề của “Má Bảy”  - 1

NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911 tại làng Điều Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). (Ảnh: NSND Phùng Há khi còn trẻ)



 

Chuyện nghề

 

Bà đến với bộ môn nghệ thuật cải lương và dành trọn tâm huyết cho nghề. Những vở diễn đầu tiên mang tên tuổi bà đến với công chúng đó là vở “Giọt máu chung tình”, “Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà”. Còn những vai diễn để đời của bà mà cho đến nay không một ai có thể thay thế đó là vai Mạnh Lệ Quân (vừa duyên dáng vừa sang trọng) và Lữ Bố (nét oai phong pha chút dịu dàng). Riêng với vai Lữ Bố, suốt nhiều năm trời bà được mời  đi diễn khắp trong lẫn ngoài nước. 

 

Thật ra nói về sắc thì có rất nhiều người đẹp hơn bà như cô Năm Phỉ chẳng hạn. Nhưng trời phú cho bà cái duyên sân khấu đặc sắc và sự lanh lợi. Khi bà xuất hiện, dù hóa thân vào nhân vật nào, cũng đều thu hút khán giả. Theo lời nghệ sĩ Kim Cương thì “Khi bước lên sân khấu, thường nghệ sĩ xuất hiện rồi hát nhưng Má Bảy thì ngược lại. Trước khi xuất hiện, má ca mấy câu để gây sự chú ý, tò mò cho người nghe rồi mới bước ra, chọn  góc nhìn nào đẹp nhất hướng về khán giả”. 

 

Ngoài ra, bà luôn biết cách biến những khiếm khuyết về hình thể thành những ưu điểm. Chẳng hạn, bà có tật đi chân thấp chân cao, nhưng khi bước lên sân khấu thì trở nên duyên sáng, sang trọng lạ thường. Đó là do bà biết cách di chuyển nhún nhảy dịu dàng, đây cũng là sự thông minh của người nghệ sĩ. Bà nổi tiếng trong những vai giả trai với phong thái vừa oai phong, lẫm liệt vừa pha lẫn chút dịu dàng, đáng yêu.

 

Cuộc đời nghệ  thuật của bà, có thể nói đã vươn đến đỉnh cao chót vót của ngọn núi, được ví như ngôi sao Bắc đẩu của nghệ thuật cải lương. Bằng tất cả tấm lòng yêu nghề, bà luôn nghĩ đến lớp nghệ sĩ kế thừa. Lớp lớp nghệ sĩ cải lương tài năng như: Thanh Nga, Thành Được, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Thanh Hoa, Phượng Liên, Nam Hùng, Thanh Tòng, Lệ Thủy, Minh Vương, Tấn Tài, Minh Cảnh, Ngọc Hương, Phượng Mai, Đỗ Quyên, Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Linh Tâm, Cẩm Thu, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Tô Châu, Chí Linh, Vân Hà... trưởng thành nhờ tay bà dìu dắt, uốn nắn.

 

Đến tuổi về chiều, dù không có người thân ruột thịt bên cạnh nhưng bà vẫn vui với niềm vui của lớp lớp học trò nghệ sĩ mà bà đã dày công vun đắp. Bà luôn truyền cho họ niềm say nghề mãnh liệt, cho dù lúc đó bà đang nằm trên giường bệnh. Với bà, được truyền nghề cho các bạn trẻ là niềm vui, còn với họ, sự hiện diện của bà đã là một vốn quý.
 
Chuyện đời, chuyện nghề của “Má Bảy”  - 2

NSND Phùng Há trong vai diễn An Lộc Sơn

 

Chuyện  đời

 

Nhà báo, nhà viết kịch, nguyên trưởng ban thường trực tạp chí Sân khấu tại TPHCM, Bùi Quý Linh tự hào ghi lại những dòng chữ trân quý về bà: “Người nghệ sĩ lớn, một trái tim nhân hậu, bà cùng vui buồn với biết bao lớp nghệ sĩ, bao cuộc đời bất hạnh. Bà là người sáng lập rất nhiều công trình phúc lợi như Hội ái hữu, nhà an dưỡng, chùa, nghĩa trang. Bà sẽ sống mãi với nhân dân, với nghệ sĩ”.

 

Chuyện nghề của bà đã dài, chuyện đời của bà còn dài hơn gấp bội. Nói như nghệ sĩ Kim Cương thì “có lẽ vì là nghệ sĩ nên ai cũng mang trong mình một trái tim đa cảm”, vâng, có lẽ thế. Riêng bà thì đặc biệt hơn vì bà không có người thân (bà hiện còn hai cháu ngoại ở nước ngoài nhưng hầu như mất liên lạc) nên trái tim bà dành hết cho mọi người, cho nghệ sĩ, cho dân nghèo.

 

Lúc còn khỏe mạnh, bà đã vận động anh em nghệ sĩ cùng chính quyền địa phương xây dựng những công trình phúc lợi cho anh em, những nghệ sĩ neo đơn khó khăn. Rồi không quản ngại đường xa mưa gió, xuống tận những vùng quê hẻo lánh tận tay phát quà cho người nghèo… 

 

Dù tuổi đã rất cao nhưng bà vẫn thường xuyên tham gia những chuyến tình nguyện cùng các anh em nghệ sĩ. Với bà, được gặp và trao tận tay những món quà cho người nghèo đó là niềm vui, niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, mọi người vẫn không khỏi lo lắng cho sức khỏe của bà, thường giấu bà những chuyến đi xa. Nhưng cũng không thể nào can ngăn được vì bà từng nói với nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga rằng “Nếu được chết trên xe cứu tế thì đó là niềm vinh hạnh của Má”.

 

Tuổi già sức yếu không còn được đứng trên sân khấu rực rỡ đèn hoa, bà chọn cho mình một sân khấu khác âm thầm nhưng đầy nghĩa tình - đi làm từ thiện. 

 

Quách Diễm