Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn HN:

"Chuyện của thiên tài" và "Điệu valse giã từ" đạt giải

Tác giả của hai tiểu thuyết đó là của cây bút mới ngoài 20 tuổi Nguyễn Thế Hoàng Linh và dịch giả trẻ Cao Việt Dũng, sinh năm 1980.

Ngày 28/9/2005, cuộc họp xét tặng giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội đã được tiến hành tại trụ sở Hội. Ban Chung khảo do nhà văn Hồ Anh Thái  - Tổng thư ký Hội đứng đầu đã làm các công việc cuối cùng để xác định các tác phẩm đoạt giải.

 

Nhà văn Hồ Anh Thái cho biết: Việc xét giải thưởng đã được khởi động qua nhiều cuộc họp của Ban Chấp hành và các Hội đồng chuyên ngành của Hội. Ban Chung khảo đã tham khảo ý kiến thành viên các Hội đồng và ý kiến của nhiều hội viên, đã sàng lọc trong số những tác phẩm có chất lượng, có dư luận, xuất bản từ 1/7/2004 đến 30/6/2005.

 

Theo kết quả bỏ phiếu, có 3 tiểu thuyết và 2 tập thơ đoạt giải.

 

Chuyện của thiên tài, tiểu thuyết của cây bút mới ngoài 20 tuổi Nguyễn Thế Hoàng Linh, nhận được số phiếu bầu tuyệt đối (9/9 phiếu) sau nhiều ý kiến tranh luận.

 

Theo nhận định cuối cùng của Ban chung khảo, cuốn tiểu thuyết mở ra trong một cấu trúc chưa chặt chẽ của nhật ký, lại mang màu sắc lạnh và chủ quan của chủ nghĩa cá nhân. Nhưng Chuyện của thiên tài là tiểu thuyết triết luận của một tác giả thực sự trẻ, nhiều trang viết đi từ hồn nhiên đến chiều sâu triết luận, từ không tưởng đến hiện thực nghiệt ngã.

 

Cuốn sách từ khi ra mắt độc giả đã nhận được nhiều hiệu ứng xã hội, nhất là trong giới người đọc cùng thế hệ 8X và các bậc phụ huynh. Dù tán đồng hay không, độc giả trẻ cũng đã dùng cuốn sách như một lý do để mở ra những cuộc tranh luận. Bậc phụ huynh thì có thêm một dịp để hiểu tính độc lập, tính tự quyết của con em, cũng như tư tưởng tình cảm của một thế hệ có rất nhiều khác biệt.

 

Cũng nhận được số phiếu bầu tuyệt đối còn có hai cuốn sách khác: tiểu thuyết Gia đình bé mọn của Dạ Ngân và bản dịch Điệu valse giã từ của Cao Việt Dũng (Tác giả Milan Kudera, nhà văn Pháp, gốc Séc).

 

Tập thơ Phồn thi của Phạm Công Trứ được trao giải bởi tính kiên định của nhà thơ trên con đường đã chọn, kể từ 2 tập Lời thề cỏ mayCỏ may thi tập. Cảm hứng “thương nhớ đồng quê” với những thành công trong thể loại lục bát, ở Phồn thi còn là màu sắc phồn thực huê tình, đã khiến cho thơ của Phạm Công Trứ được dễ dàng đón nhận. Yếu tố cổ truyền được sử dụng có mức độ, tạo được sự hài hòa với hồn thơ hiện đại.

 

Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX là hợp tuyển những bài thơ hay do nhà thơ Bằng Việt dịch. Nhiều bài thơ đã trở nên quen thuộc với các thế hệ người yêu thơ trong suốt bốn thập kỷ qua, được chép vào sổ tay, được chuyền nhau đọc.

 

Một thành viên của Ban chung khảo tiết lộ rằng nhà thơ Bằng Việt đã xin rút hợp tuyển dịch của mình ra khỏi danh sách các tác phẩm xét giải vì anh là ủy viên BCH Hội Nhà văn Hà Nội và là thành viên Ban chung khảo. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ, Ban chung khảo vẫn quyết định trao giải cho nhà thơ Bằng Việt để ghi nhận thành tựu trọn đời của một dịch giả tài hoa có nhiều đóng góp trong lao động giới thiệu văn chương nước ngoài.  

 

Theo nhà văn Hồ Anh Thái, lễ trao giải sẽ được tổ chức vào giữa tháng 10/2005. 

 

Theo Tiền Phong