1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Chuyện chưa kể trong phim Linh hồn Việt cộng

(Dân trí) - Gần 40 năm sống trong ám ảnh tội lỗi, người lính Mỹ đã tìm đến gia đình chiến sĩ quân giải phóng VN năm xưa để tạ tội và đi tìm hài cốt của anh... Chuyện tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết đó lại chính là câu chuyện có thật trong cuộc đời này.

Trong trận chiến giáp la cà, một lính Mỹ đã bắn chết một chiến sĩ quân giải phóng khi anh cầm lê xông lên đối mặt với gã.

Sau khi chôn cất người chiến sĩ anh hùng ấy, gã lính Mỹ đã đem kỉ vật gồm một bức ảnh, một chiếc ba lô, hai cuốn sổ, ba giấy khen và một số đồ dùng cá nhân về nước Mỹ thờ cúng dù điều ấy không có trong phong tục của người Mỹ. 39 năm sống trong nỗi ám ảnh, người lính Mỹ đã quay lại Việt Nam, tìm về gia đình chiến sĩ giải phóng quân để xin tạ tội đồng thời xin được đi tìm hài cốt người mà chính tay anh ta bắn chết và chôn cất.

Câu chuyện tưởng chỉ có trong tiểu thuyết lại là chuyện có thật 100% trong bộ phim tài liệu Linh hồn Việt cộng. Bộ phim được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng tối ngày 23/7/2008 và lập tức đã làm xúc động hàng triệu trái tim khán giả. Ngay sau đó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Minh Chuyên, tác giả kịch bản và đồng thời là đạo diễn của bộ phim tài liệu trên.

"Con mẹ là một chiến binh quả cảm"

Được mệnh danh là nhà văn của thời hậu chiến, anh luôn tìm được những nguyên mẫu nhân vật, những số phận rất đặc biệt, điển hình như thương binh Trần Quyết Định trong Thủ tục để làm người còn sống, thương binh Nguyễn Đình Thúc trong Người lang thang không cô đơn... Và lần này là liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Đó là sự tìm tòi của anh hay sự xếp đặt của định mệnh?

Tôi không biết đó có phải định mệnh không nhưng mọi việc đến với tôi thật bất ngờ. Cả sự việc này cũng vậy. Dạo đó, tôi về Thái Bình để làm bộ phim Trong mắt người thương binh, gặp 2 người Mỹ ở chung khách sạn. Khi chúng tôi chuẩn bị đi làm thì nhận được điện thoại một người xưng tên là Hoàng Ngọc Cát. Anh Cát nói người ở xã Thái Giang (Thái Thụy, Thái Bình) là em trai Liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Hiện có 2 người Mỹ muốn xin cho bạn họ là cựu binh Homer Steedy, người đã bắn chết anh Đảm cách đây 39 năm được sang tạ tội với gia đình. Một tiếng sau, chúng tôi về đến nơi nên rất may là đã tận mắt chứng kiến cuộc gặp mặt đầy khó khăn này. 

Nhưng trước đó, được biết là ông Wayne Kallin (nhà văn đã từng tham chiến ở miền Nam Việt Nam và là một người bạn thân thiết của nhiều nhà văn Việt Nam) đã từng đến gặp gia đình và trao lại kỉ vật? 

Tôi về đó được biết cách đây mấy năm, ông Wayne Kallin đã đến tìm hiểu nên biết cả nỗi oan khuất mà anh Đảm và gia đình phải chịu mấy chục năm qua. Ông đã viết thư về Mỹ kể cho Homer nghe chuyện này. Vì vậy, Homer càng quyết tâm sang Việt Nam vừa để tạ lỗi, vừa để minh oan cho anh Đảm.

Nỗi oan khuất gì vậy thưa ông?

Chuyện là sau khi anh Đảm hi sinh mà không để lại bất cứ kỉ vật gì nên gia đình đi xem bói. Ông thày bói ở làng Đành phán rằng anh Đảm chưa chết mà hiện ở bên Mỹ, được người ta tôn thờ lắm. Sau này, về Việt Nam cũng rất vinh quang. Thế là từ thông tin này, mỗi người hiểu một phách. Có người còn xì xèo hay là anh Đảm đầu hàng, phản bội rồi di tản sang Mỹ. Dân làng cứ bán tín, bán nghi nhưng mẹ anh thì không bao giờ tin con mình hành động hèn nhát. Nghe xong câu chuyện, Homer càng quyết tâm sang Việt Nam để tạ tội đồng thời minh oan cho anh Đảm. Homer muốn nói với mẹ anh Đảm rằng con mẹ là một chiến sĩ quả cảm, một người anh hùng.

Nỗi day dứt của người mẹ Mỹ

Homer có còn nhớ gì về cái chết của Liệt sĩ Đảm và hành động của anh ta khi nổ súng bắn anh Đảm không?

Có, Homer nhớ rất rõ. Đó là buổi trưa ngày 18/3/1969, đại đội anh ta đang chốt giữ tại cứ điểm 20 trên đồi 467 (huyện A Yun Pa, Gia Lai). Đang đi phát khẩu phần ăn cho mọi người, anh ta bất ngờ gặp một người lính Việt cộng xuất hiện ngay tại khúc cua trên con đường mòn, lưỡi lê sáng quắc trên nòng súng hướng về phía trước. Khi gặp nhau, anh Đảm chĩa súng vào Homer. Homer kêu: Chiêu hồi, chiêu hồi. Nhưng anh vẫn lao lên, Homer nổ súng trước khi mũi lê chạm vào người. Sau này, Homer đã rất ân hận. Anh ta nói nếu như không quá hoảng sợ, thì sẽ chỉ bắn bị thương. Sau khi cùng đồng đội chôn cất liệt sĩ Đảm, Homer đã gửi toàn bộ kỉ vật về cho mẹ nhờ cất giữ.

Khi nhận kỉ vật của anh Đảm, nghe nói bà mẹ Homer đã rất hoảng sợ? 

Homer có kể lại rằng khi đó, mẹ anh ta đã rất hoảng sợ khi biết con trai mình đã giết người. Bà khóc và nói với chồng: Ở Việt Nam, bà mẹ của người lính này hẳn đau khổ lắm vì phải mất con. Người con của bà lại do chính người con của chúng mình giết hại. Ông ơi, ông và tôi, một trong hai người nếu còn khỏe sẽ cùng Homer sang Việt Nam để trả lại di vật của người con này. Nhưng tiếc thay, cả hai người đã không kịp làm điều đó.

Niềm bao dung của người đã khuất

Ông có biết vì sao phải gần 40 năm sau, Homer mới sang Việt Nam để làm việc này? 

Chắc có nhiều nguyên nhân như quan hệ giữa hai chính phủ, sự mặc cảm về tội ác... nhưng có một nguyên nhân khá quan trọng là Homer nghèo, rất nghèo. Năm 1970 hết quân dịch, anh ta rời chiến trường Việt Nam với quân hàm thiếu tá để làm một người nông dân của tiểu bang Carolina. Gần 40 năm qua, ông ta sống trong sự trầm mặc với quá khứ. Mặc cảm về tội ác và lòng thù hận khiến Homer lâm vào bệnh trầm cảm.

Dù có vị tha đến mấy thì cũng khó có thể kìm được cảm xúc khi đối mặt với chính người đã giết người thân của mình. Và phải chăng vì thế, trong bộ phim của ông người ta thấy cả tiếng la hét, căm giận?

Đúng là như vậy. Tôi cũng được biết, để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt này, gia đình đã nhờ nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng hỏi ý kiến của liệt sĩ Đảm. Qua Bích Hằng, anh Đảm nhắn rằng Homer là kẻ thù của anh, đã bắn chết anh, nhưng Homer đã vượt nửa vòng trái đất sang đây tạ tội thì đại xá cho ông ấy, không ai được làm gì ông ấy.

Khi Homer thắp hương tạ tội với anh Đảm, tất cả chúng tôi đã khóc. Người em gái của liệt sĩ Đàm thì không ghìm nổi. Chị quá uất ức nên tiếng khóc không chỉ ai oán mà còn tràn đầy sự uất hận, đòi trả máu. Khi Homer  run run bưng mâm ngũ quả, hình như đó là lúc anh ta đang hồi tưởng lại buổi trưa ngày 18/3/1969. Sau này, khi cùng đi tìm kiếm hài cốt, Homer có nói với tôi khi đó, anh cầu khấn để anh Đảm đưa đường, chỉ lối cho đoàn.

Phải chăng vì thế mà cuộc tìm kiếm diễn ra khá suôn sẻ?

Tôi không biết nguyên nhân vì đâu. Ngày 24/5/2008, đoàn làm phim chúng tôi và Homer, W. Kallin, Doug, Bin cùng 4 người của gia đình lên đường tìm kiếm. Kết hợp giữa sự chỉ dẫn khá chi tiết qua điện thoại của nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng (gia đình liên hệ từ trước) và trí nhớ rất tốt của Homer nên việc tìm kiếm khá thuận lợi. Homer đã chỉ cụ thể nơi mình đóng quân, nơi xảy ra cuộc chạm trán bi thương và cả nơi yên nghỉ của anh Đảm. Tuy nói là thuận lợi nhưng chúng tôi cũng phải mất 5 ngày ròng rã, vượt qua hàng trăm km đường rừng.

Chuyện chưa kể trong phim Linh hồn Việt cộng - 1

Khâm liệm hài cốt liệt sĩ Đảm

 

Bi kịch chiến tranh và nhân nghĩa ở đời

Khi báo cáo về Đài Truyền hình Việt Nam, các ông nói đã hỏng toàn bộ thiết bị?

Khi tìm thấy hài cốt anh Đảm, Homer hết sức xúc động. Đó là hình ảnh bi thương nhất mà trong đời mình, tôi từng gặp. Hình ảnh kẻ giết người nâng nui từng đốt xương người bị giết cho vào áo quan. Và anh ta khóc, những giọt nước mắt thành thật của một người ngoài 60 tuổi giữa núi rừng bi thảm đến não nề.

Còn chuyện hỏng thiết bị...?

Khi đưa thi hài anh Đảm vào áo quan xong, Homer muốn đưa lên đỉnh đồi, nơi anh bị bắn chết để tế vong hồn. Thế là chẳng hiểu sao, trời đang quang mây tạnh bỗng chốc sấm sét và giông gió nổi lên, ngay lập tức quật vỡ chiếc máy quay trị giá bạc tỉ. Rồi cả 6 chiếc máy ảnh chúng tôi mang theo đều hỏng, không sử dụng được. Chúng tôi điện cho Bích Hằng thì được trả lời vong hồn anh Đảm không đồng ý. Thực tình, tôi chẳng biết tại sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến như vậy. 

Là nhà văn, nhà báo thế hệ chống Mỹ nhưng các tác phẩm của ông không biểu hiện sự căm thù mà thậm chí đầy thông cảm với các chiến binh Mỹ. Vì sao vậy?

Tôi không chỉ là nhà văn, nhà báo thế hệ chống Mỹ mà còn là một chiến sĩ ôm súng chiến đấu ngoài mặt trận, từng bị thương vì bom đạn Mỹ (Minh Chuyên là thương binh chống Mỹ). Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. Khi cùng với Homer và những người bạn cựu binh của ông ta đi tìm hài cốt liệt sĩ Đảm, tôi có nói với họ rằng cách đây 40 năm, tôi cũng chiến đấu ở chiến trường này và nếu khi đó gặp họ, tôi sẽ nổ súng mà không hề run tay. Còn giờ đây, tôi lại cùng họ đi làm một việc nghĩa. Đó là bi kịch của chiến tranh nhưng cũng là nhân nghĩa ở cõi đời này.

Xin cám ơn ông!

Bùi Hoàng Tám