Chút băn khoăn khi xem “Thời xa vắng” và “Mùa len trâu”
Những lời khen về kỹ thuật hay nghệ thuật dàn dựng hình ảnh của đạo diễn Hồ Quang Minh và Nguyễn Võ Nghiêm Minh ở hai bộ phim này, thiên hạ đã khen quá nhiều, chúng tôi cũng đồng tình với 51% số lời khen, nên không có ý bàn thêm. Chỉ xin nói chút ít cảm tưởng về nội dung.
Lý do làm nên sự nổi tiếng cách đây 15 năm của tiểu thuyết Thời xa vắng là tác giả mạnh dạn nói về một thời “xa vắng” mà sự ấu trĩ, lạc hậu và không tưởng, đã nhào nặn ra sản phẩm mang tên Giang Minh Sài, một mẫu người chân thành đến mê muội...
Phim của đạo diễn Hồ Quang Minh đã thoát ra khỏi tư tưởng này: Giang Minh Sài trong phim cũng chân thành, mê muội nhưng lại là kẻ ngu ngơ “bẩm sinh”, và điều đó khiến anh là nạn nhân của chính mình nhiều hơn của xã hội. Với một người tâm tính như Sài trong phim, ở xã hội nào, ở ta hay ở Tây, và ngay cả thời nay, cũng đều có số phận bi hài như Sài trong Thời xa vắng.
Chưa biết chừng tư tưởng này của đạo diễn Hồ Quang Minh trong phim lại tích cực hơn tư tưởng của nhà văn Lê Lựu trong tiểu thuyết. Chúng tôi đánh giá phim hay hơn tiểu thuyết ở chỗ này.
Phim cho rằng, thời nào, mỗi cá nhân cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình trước khi trút tội lên hoàn cảnh, mặc dù hoàn cảnh không “vô tội”, đã khiến tinh thần luật pháp và văn minh trong trách nhiệm công dân của nhân vật cao hơn và ít tính cơ hội hơn bản gốc.
|
Phim Mùa len trâu thực chất là chuyện dân giang hồ làm nghề chăn trâu mỗi khi mùa nước lên (len trâu) thời xa xưa, pha lẫn chất xã hội đen của thời hiện đại. Xem xong phim, chúng tôi cứ băn khoăn: chất dữ dội của những người len trâu Nam bộ thời xa xưa ấy, có đúng chỉ ở sự tàn bạo, thảo khấu, hoang dâm? Truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam có bao nhiêu phần trăm trong phim?
Mỗi năm, vùng An Giang là nơi có mùa nước nổi kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11, nhưng mùa len trâu (lùa trâu lên vùng đất cao chạy nước và kiếm đồng cỏ) chỉ bắt đầu giữa tháng 7; như vậy, thời gian cho những người len trâu hành nghề chỉ chừng 3, 4 tháng trong năm; 8, 9 tháng còn lại, họ vẫn là người nông dân nghèo trên đồng ruộng của mình hoặc của người khác (người giàu và dân giang hồ thứ thật không đi len trâu, vì nghề này rất cực).
Đến mùa len trâu, sự tụ tập những người chăn dắt trâu di thực, có người cầm đầu (tằn khạo), có thể tạo nên ở họ cá tính anh chị, giang hồ nhưng họ không phải dân giang hồ, với những hành xử “chuyên nghiệp” như trong phim.
Phẩm chất thứ nhất có thể khiến người len trâu có cá tính dữ dội, quyết liệt, nhưng phẩm chất thứ hai ở họ, đồng thời là tình yêu, sự gắn bó với thiên nhiên, con người, thú vật, sự yên bình, hòa thuận cũng mãnh liệt không kém. Mục tiêu cao nhất và sống còn của những người len trâu trong mỗi mùa là an toàn và nuôi béo đàn trâu cho đến hết mùa nước nổi, để đưa đủ trâu về cho chủ, lấy công làm lời.
Vì thế, chính họ phải giữ để những chuyện đâm chém đổ máu, mất trâu do tranh giành đồng cỏ, xích mích đời sống… không xảy ra, nếu có xảy ra là bất đắc dĩ ; còn đâm chém để khẳng định quyền lực, quyền lợi, chỗ đứng của cá nhân và băng nhóm, như kiểu xã hội đen hiện đại và phim cao bồi Mỹ, là không có ở người len trâu thời ấy, vì mỗi nhóm trong họ chỉ mấy người, hết mùa, trả trâu xong cho chủ, ai lại về nhà nấy, sang năm không thuận, chưa chắc đã gặp lại.
Những năm 30, 40 thế kỷ trước, tính cách giang hồ còn thể hiện phẩm chất ngang tàng phóng túng của người nông dân giàu lòng tự trọng, khát vọng tự do, và luật giang hồ thời đó, nghĩa khí, đạo lý làm người vẫn rất được đề cao. Đã đành, với đời sống khắc nghiệt, phóng túng, tạm bợ, chuyện tha hóa, ăn cướp, hiếp dâm… đều có thể xảy ra, nhưng hoang dâm như ở Mùa len trâu: cha nuôi hiếp em gái của con nuôi; đứa con ra đời từ vụ hiếp dâm đó lớn lên, hiếp vợ bạn… nhằm nâng cao phần dữ dội, hoang dại, ngay cả phim cao bồi Mỹ cởi mở là thế, người ta cũng tránh đưa vào đời sống những người chăn bò.
Gạt những điều vừa nói trên qua một bên, phải thừa nhận Mùa len trâu là bộ phim đậm chất văn học và nghệ thuật điện ảnh so với mặt bằng phim Việt Nam hiện nay. Những điều nói trên, có thể do tác giả có ý muốn làm cho gương mặt điện ảnh Việt Nam đa dạng, gần gũi với thị hiếu nước ngoài, và cũng có thể là cách nhìn mùa len trâu theo trí tưởng tượng và quan điểm riêng của tác giả vốn ở xa Tổ quốc. Mọi sự có thể vẫn nên được tôn trọng trong điều kiện giá trị văn hóa của tác phẩm được đánh giá đúng.
Theo Linh Thi
Sài Gòn Giải Phóng