Chơi xế cổ Sài Gòn

Nhiều người Sài Gòn từng đùa rằng: "Nếu ghét đứa nào thì cứ tặng cho nó một cái máy chụp ảnh hoặc một chiếc xe hơi đời cũ, cho nó... phá sản luôn". Là bởi:

Dân chơi xe hơi cũ có thể chia thành 2 loại, một là do nghiện xe cổ, hai là do điều kiện kinh tế nên đành phải mua xe cũ để đi. Thế nên đối với người này xe cổ là cả niềm tự hào nhưng đối với người kia thì nó lại là cơn ác mộng.

 

Thực ra, đối với dân chơi xế (xe) Sài Gòn thì không phải chiếc xe cũ nào cũng trở thành xe cổ. Muốn có một định nghĩa tương đối có lẽ phải mượn lời một chuyên gia về xe cổ và hiện là quản lý cấp cao của Tập đoàn Xe hơi Daimler Chrysler - ông Peter Zell: "Xe cổ là những chiếc xe mà giá trị của nó không hề mất đi theo thời gian. Nó không hề lỗi thời và là niềm đam mê bất tận nên nhiều người muốn có nó bằng bất cứ giá nào".

 

Thực tế, hiện ở TPHCM vẫn còn những chiếc xe hơi vốn đã xuất xưởng từ những năm 30 của thế kỷ trước "hiên ngang" lưu thông trên phố. Tatra T.87 - sản xuất năm 1936 - là một trong những chiếc xe như thế. Theo những người mê xe cổ thì chiếc xe này được nhập cảng vào Việt Nam từ hồi đệ nhị thế chiến. Nó cũng là chiếc xe duy nhất còn lại ở các nước Đông Nam Á. Tatra T.87 trông rất "dữ": Đầu như một phi cơ phản lực, đuôi giống sống lưng cá kình nhô trên mặt nước. Xe có bốn cửa mở về phía sau, mui di động, 2 còi với đầy đủ tiếng "trống, mái". Hai bên hông đoạn gần cuối đuôi xe lại "mọc" ra 2 tai để lấy gió từ ngoài vào (thời đó chưa có máy lạnh trong xe).

 

Anh Chính, chủ nhân hiện nay của Tatra T.87 khi tiếp xúc với chúng tôi tỏ ra hết sức dè dặt bởi một "nỗi niềm riêng". Là một người - như anh thú nhận - "mê đồ cổ từ nhỏ" nên khắp nhà cái gì cũng cổ: xe đạp, xe gắn máy, bánh xe bò... Đối với nhiều người thì lâu nay anh Chính như một kẻ lập dị, lâu lâu lại thấy tha về một thứ cũ nát mà có vứt ra đường cũng chẳng ai thèm nhặt. Chiếc Tatra T.87 được anh Chính "tha" về từ nhiều năm qua, cũng trong tình trạng "nghĩa địa" như vậy với cái giá lúc đó là gần 30 ngàn USD.

 

Anh Chính cho rằng ngoài "yếu tố cổ", nó còn mang nhiều dấu ấn lịch sử vì có từ thời Pháp thuộc và vào thời đó, chỉ những người có địa vị cao trong quân đội mới được đi. Còn ở góc độ khác, điểm đặc biệt của Tatra T.87 là hiện nay vẫn đang còn mang biển kiểm soát của chế độ cũ. Giấy tờ khá đầy đủ nhưng khi anh Chính mang đi đăng ký lại để sử dụng thì cơ quan chức năng từ chối vì không tìm ra hồ sơ gốc trong tàng thư. Vì chưa được cho sử dụng nên anh Chính chỉ còn biết "đợi đến khuya mang ra chạy lòng vòng gần nhà cho đỡ ghiền". Tuy thế anh vẫn hy vọng vài năm nữa, khi nó được "trăm tuổi" thì Nhà nước sẽ công nhận nó là đồ cổ và cho dán tem để sử dụng.

 

Không phải là duy nhất, nhưng ở Việt Nam khó tìm chiếc thứ ba, là xe Mercedes - Benz 190SL. Giới chơi xe cổ xác nhận ở Sài Gòn chỉ còn 2 chiếc mà một là của ông Ưng Thi (thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn, chủ rạp Đại Nam trước đây), còn chiếc kia là của tướng Cao Văn Viên của chế độ cũ. Loại xe thể thao này được nhập vào Việt Nam từ những năm 1958 - 1960 và có vẻ đẹp đặc biệt lôi cuốn. Chính vì vậy mà khi tình cờ được gặp Mercedes - Benz 190SL trong một gara, ông Cao Văn Phú, Việt kiều Pháp, hiện là Giám đốc Công ty Sản xuất lưới Technet, đã không ngần ngại bỏ tiền ra rinh luôn 2 chiếc đem về nhà.

 

Theo ông Phú, loại xe này trên thế giới rất hiếm, giá trị của nó khoảng từ 50 - 100 ngàn USD trong khi ở Việt Nam giá không hơn đống sắt vụn. Không chỉ mình ông Phú thích xe cổ, mà cả vợ, con cũng đam mê, nhưng cuối cùng ông cũng phải tiếc rẻ bán đi một chiếc vì không tìm được thợ để "dọn" lại. "Chơi xe cổ không dễ dàng gì", đó là câu cửa miệng của ông Phú. Từng món đồ nhỏ nhất cũng được ông đặt mua từ chính hãng ở Đức đem về. Mọi thứ trên xe đều "nguyên bản", ngay cả nắp bình xăng cũng có hình ngôi sao bạc 3 cánh. Trong gara với nhiều chiếc xe hiện đại của ông Phú, chiếc Mercedes mui trần trắng muốt nổi bật. "Bây giờ nó “chiến” lắm, tui đi xa hoài mà chưa bao giờ phải nằm đường", ông Phú nói đầy vẻ tự hào.

 

Chuyện kinh doanh xe cổ cũng đã bắt đầu thịnh hành. Giới chơi xe hơi cổ đang kháo nhau việc ca sĩ L. tậu con xe cổ, bỏ ra chút ít thời gian tân trang lại, chạy được vài tháng bán lại cho đoàn làm phim kiếm được không ít tiền. Hay như Việt kiều K. hiện cũng có trong tay 4 con xe cổ, chiếc nào cũng "dọn" lại ngon lành chuẩn bị xuất sang trời Tây với giá cao hơn gấp nhiều lần, trong đó có chiếc đã từng xuất hiện trong phim Người Mỹ trầm lặng.

 

Lý do chơi xe hơi cổ có thể rất khác nhau, chẳng hạn như vì thích có con xe "không đụng hàng", vì chạy theo thời trang, vì chán những chiếc xe đời mới hào nhoáng, vì kinh doanh... Thế nhưng vẫn có một điểm chung, là tất cả "dân chơi" đều coi xe cổ như con cưng của mình.

 

Giới chơi xe hơi cổ Việt Nam lần đầu tiên được chiêm ngưỡng 6 chiếc xe đến từ Bảo tàng Stuttgart-Untereukheim (Đức) - nơi hiện có trên 300 chiếc xe cổ. Việt Nam là một điểm đến trong hành trình triển lãm qua nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan. Mỗi chiếc xe mang một dấu ấn lịch sử riêng trong từng giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp xe hơi. Từ chiếc xe ô tô đầu tiên trên thế giới - Benz Patent Motor Car (năm 1886) ba bánh, chiếc Mercedes 37/70 hp (năm 1907) mà người sở hữu đầu tiên là Hoàng tử Anh Halsfeld, chiếc Mercedes - Benz 320 được mệnh danh là "Người dẫn đường trên xa lộ" (hiện trên thế giới chỉ còn 2 chiếc) đến chiếc Mercedes - Benz 300 mà Thủ tướng Đức Knorad Adenauer rất yêu thích, nên nó được mang tên "Mercedes Adenauer"...

 

Theo Lê Nga

Thanh Niên