Chờ xem bộ phim "đụng chạm" đến cả làng báo!

(Dân trí) - Ngay từ khi chưa bấm máy, bộ phim truyền hình dài 20 tập, Nghề báo đã được "săn sóc đặc biệt" vì hứa hẹn những phản ứng nhiều chiều. Trao đổi với phóng viên, đạo diễn bộ phim Nghề báo - Phi Tiến Sơn cho hay:

- Đây không phải là bộ phim phản ánh toàn bộ hoạt động báo chí mà chỉ đề cập đến những người làm báo chuyên về mảng chính trị-xã hội. Đây là đề tài gần với xã hội và luôn gắn với những vấn đề nhạy cảm, những điểm nóng của xã hội.

 

Tuy nhiên Nghề báo không phải là một tờ báo, nên chúng tôi chỉ đi sâu vào việc miêu tả những con người, từng nhà báo cụ thể. Bộ phim có những tuýp nhà báo khác nhau: họ là Tổng biên tập, là trưởng ban, là nhà báo "gạo cội", là phóng viên mới vào nghề và cả những phóng viên ảnh nữa... Nếu nói đây là một đề tài mới thì không phải vì trước đây đã có nhiều phim đưa hình tượng nhà báo vào phim nhưng nếu sự xuất hiện của họ với tần suất đậm đặc như trong Nghề báo thì thực sự là chưa.

 

Trước nay không ít thì nhiều, hình ảnh những người làm báo đã được đưa lên phim nhưng đa số đều không dính dáng gì đến thực tế. Anh có nghĩ mình đã tự gây áp lực cho mình?

 

Tôi cũng đã có nhiều bạn bè làm báo và nhiều năm qua tôi cũng đã có điều kiện tiếp xúc nhiều với báo chí. Khi đọc kịch bản tôi cũng cố tìm hiểu xem mô tả nhà báo như thế nào cho trung thực mà không nhàm. Bấy lâu nay hình ảnh nhà báo trên phim hay bị phê phán là vì các nhân vật đều không có đất diễn và tình huống cụ thể nên các đạo diễn đôi khi phải gồng lên.

 

Để nhân vật mình trông ra vẻ nhà báo, họ nhét cho họ một chiếc áo ký giả, một cây bút, cho đeo cái máy ảnh lủng lẳng kèm những phát ngôn bạo miệng và cho đó là nhà báo. Còn trong Nghề báo, khán giả sẽ thấy những nhà báo rất con người, họ cũng giống như những người bình thường khác. Chỉ có điểm khác là do đặc điểm công việc của mình, họ phải đối mặt với những vấn đề gai góc trong xã hội nhưng có lẽ cũng chính vì vậy mà họ thông minh hơn, tỉnh táo hơn.

 

Và việc casting diễn viên cũng sẽ khó khăn hơn...

 

Tôi rất thích kịch bản này và đã bắt đầu tuyển diễn viên từ khi mới đọc xong kịch bản. Việc casting cũng rất khó và lâu vì nguyên tắc tuyển diễn viên đầu tiên của tôi là phải có một bề ngoài thông minh, một gương mặt sáng sủa để hợp với công việc này. Đến thời điểm này, về căn bản là diễn viên diễn rất tốt.

 

Làm một bộ phim hứa hẹn sẽ gây phản ứng nhiều chiều trong dư luận, làm nhiều kẻ "sửng cồ" là một trong những mục đích câu khách của bộ phim?

 

Không hề! Chúng tôi không muốn làm một bộ phim ăn khách bằng cách làm cho ai đó "sửng cồ" với mình. Vấn đề cấu trúc, cốt truyện, lời thoại, chi tiết, tính cách nhân vật, diễn xuất của diễn viên mới là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của bộ phim.

 

Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn nói về Nghề báo:

 

"Làm sao để họ xem xong mà không thấy tự ái": "Nghề báo sẽ có những vấn đề nhạy cảm, sẽ có tổng biên tập, trưởng ban, nhà báo gạo cội và những phóng viên trẻ mới vào nghề. Các nhà báo đã quen đi phê phán người khác, bây giờ họ phải quen với việc bị người khác phê bình. Điều tôi muốn nhấn mạnh trong bộ phim này là đôi khi chỉ vì chạy theo tính thời sự, muốn giật gân câu khách mà nhiều nhà báo đã quên mất rằng chỉ một chữ họ viết ra không đúng cũng có thể là máu, là nước mắt và nỗi đau của người khác. Nhưng chuyện viết sai lại không hoàn toàn do phía các nhà báo vì họ còn phải chịu nhiều sức ép khác, có khi chỉ vì chút hiềm tị cá nhân, có khi viết vì ơn huệ với ai đó hoặc chỉ vì viết theo định hướng của cấp trên...

 

Không chỉ đề cập đến những người đã làm báo lâu năm, phim còn khắc hoạ cả một thế hệ phóng viên mới. Họ vào nghê hăng hái, nhiệt tình, người hết mình vì công việc, cứ thấy bất bình là lao vào nhưng cũng có người vô cùng thực dụng. Nghề báo còn có mối quan hệ giữa các phóng viên - trưởng ban, mối quan hệ giữa nhà báo với các tầng lớp xã hội, những mối quan hệ phức tạp mà nếu không tỉnh táo có khi chính họ lại bị sa bẫy....

 

 

Uyên Phương