Chiếc đế giày và đơn xin nhập ngũ viết bằng máu gây xúc động ở triển lãm
(Dân trí) - Rất nhiều hình ảnh, câu chuyện xúc động thời chiến đã được kể lại trong triển lãm "Ký ức và niềm tin".
Đây là một trong những sự kiện do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 tổ chức, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).
Với 3 chủ đề: Sẵn sàng lên đường; Niềm tin chiến thắng và Ngày trở về, Triển lãm Ký ức và niềm tin được thực hiện từ 200 tài liệu, hiện vật quý giá đã được sưu tầm trong gần 20 năm qua.
Đó là kết quả của những chuyến công tác trên khắp vùng miền Tổ quốc để gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện từ các nhân chứng lịch sử, và thân nhân của các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi chiến trường năm xưa.
Ấn tượng nhất có thể kể đến đơn xin nhập ngũ viết bằng máu của bà Lộc Thị Hồng, thôn Vũ Thắng, xã Tân Tri, Bắc Sơn, Lạng Sơn khi bà Hồng mới 17 tuổi.
Trong đơn có đoạn viết: "Trước cảnh đất nước còn bị đau thương tan tác thì tôi, người thanh niên với dòng máu đang trào dâng này không thể ngồi nhìn được, mà tôi muốn góp sức mình vào công cuộc chống Mỹ cứu nước".
Hay câu chuyện về chiếc đế giày của ông Nguyễn Duy Hiền, nguyên chiến sĩ Đại đội 16 Công binh, Trung đoàn 852, Quân đoàn 26, Quân khu 1.
Ông Hiền kể, năm 1985 trong khi làm nhiệm vụ tại vùng biên của tỉnh Cao Bằng, ông vướng phải mìn và bị thương, chân trái dập nát. Ông nằm ở bệnh xá của Trung đoàn chữa trị nhưng vết thương quá nặng nên phải cắt một cẳng chân trái.
"Năm 2014, tôi quay lại thăm chiến trường xưa. Khi tới bệnh xá, nơi chôn cẳng chân của tôi được đánh dấu gần tảng đá lớn, đồng đội đã đào nhưng xương thịt tôi không còn. Tôi rùng mình, như có luồng điện chạy qua người khi nhận ra chiếc đế giày của mình...", ông Hiền cho biết.
Ngoài ra, những hiện vật khác như: Nhật ký của nữ bộ đội Trường Sơn về con đường ra trận và những năm tháng phục vụ trong quân ngũ; thư của người liệt sĩ gửi vợ đong đầy nỗi nhớ và niềm tin… đều gây xúc động với người xem.
Tại tọa đàm Có một thời như thế nằm trong khuôn khổ triển lãm, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Lịch chia sẻ rằng, ông lên đường vào Nam chiến đấu tháng 5/1971, giữ chức Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 530, Trung đoàn 5, Đoàn Dũng sĩ Cát Bi.
Hành trình ấy biết bao gian nan, vất vả, hiểm nguy nhưng không thể làm nao núng tinh thần người lính.
Sau mấy tháng hành quân vượt Trường Sơn, đơn vị của ông tới cao nguyên Bolaven trên đất bạn Lào.
Một hôm, đến đoạn đường độc đạo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, dốc đã trơn trượt thì giao liên thông báo có bom hẹn giờ. Một số đồng chí cảm nhận được sự hủy diệt của nó, hàng quân như chững lại trong giây lát.
"Quả bom như thần chết, sắc lạnh rợn người, thời gian nổ là bao lâu thì không xác định. Tôi hội ý nhanh, chia đơn vị thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp 3 người phải nhanh chóng vượt qua cửa tử.
Trước không khí căng thẳng tới nghẹt thở, tôi rút trong ba lô chiếc kèn Harmonica đã cũ đứng cạnh quả bom thổi bản nhạc bài Vì nhân dân quên mình để tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội. Từng tốp vượt qua nhanh chóng, lúc đó sự sống được tính bằng giây", ông Nguyễn Tiến Lịch nhớ lại.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cho hay, trong suốt 80 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, bằng tài năng, trí tuệ, lòng dũng cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, đã xây đắp nên truyền thống anh hùng, bất khuất, là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết dân tộc.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, những ký ức mang tầm vóc dân tộc được tái hiện qua những hình ảnh, tư liệu trong triển lãm và câu chuyện từ các vị khách mời đặc biệt sẽ là hành trang, bài học quý giá và là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn để chúng ta cùng chung tay xây dựng cuộc sống hạnh phúc, phồn vinh trong thời đại mới...
Triển lãm Ký ức và niềm tin mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 19/12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.