1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Chi Bảo khóc!

Đàn ông khóc là điều hiếm thấy trong cuộc sống. Vậy mà Chi Bảo đã phải rơi nước mắt không chỉ một lần trong bộ phim "Đẻ mướn". Bạn bè thân quen cho rằng nước mắt người đàn ông này không hẳn chỉ dành cho nhân vật, mà anh còn khóc cho cả bản thân mình

Anh là một người đàn ông đẹp trai, thành đạt, làm trưởng đại diện cho một công ty thương mại nước ngoài. Vợ anh cũng là một người đàn bà đẹp, giám đốc một công ty may thời trang. Cuộc sống như thế tưởng đã hoàn hảo, nào ngờ, sau 5 năm gối chăn, họ bị rơi vào danh sách những cặp vợ chồng hiếm muộn. Để tránh cho chồng tội bất hiếu vì không có con nối dõi, người vợ đã “thuê” cho chồng một cô gái đẻ mướn. Đứa con được sinh ra đúng như kế hoạch, thế nhưng, đó lại là sự mở đầu cho một bi kịch mới.

Đọc xong kịch bản Đẻ mướn, Chi Bảo tròn mắt như có ý hỏi tác giả kiêm đạo diễn Lê Bảo Trung: “Anh viết về Bảo đó à?”. Đạo diễn Lê Bảo Trung cười, xởi lởi: “Thì anh “đo ni đóng giày” vai này cho chú mày. Lấy tên chú (Phạm Gia Chi Bảo) đặt cho nhân vật (Phạm Gia Bảo). Tuy chú không bị hiếm muộn nhưng nỗi đau đời mà chú đã và đang trải qua cũng nặng nề có khác gì nhân vật?!”.

Trên trường quay, Lê Bảo Trung và Chi Bảo ở hai vị trí khác nhau, người đạo diễn, kẻ diễn viên nhưng cùng trang lứa nên họ là bạn bè. Đạo diễn Lê Bảo Trung biết Chi Bảo từ khi anh đi làm phó cho phim Những đứa con thành phố, Bến sông trăng, Lục Vân Tiên... chứng kiến cảnh Chi Bảo hóa thân vào các nhân vật: Hoàng Đức Nguyên, bác sĩ Thẩm, Lục Vân Tiên... Thời gian ngót nghét cũng trên 10 năm, đủ để anh nhắm mắt hình dung một nhân vật Phạm Gia Bảo điển trai, cốt cách lịch lãm, nói năng điềm đạm, rõ ra là một doanh nhân thành đạt. Nhưng “tâm lý ngược” là mục tiêu mà Lê Bảo Trung muốn cho các nhân vật chính trong phim của mình đạt đến nên doanh nhân Phạm Gia Bảo không phải vậy! Diễn viên Chi Bảo tâm sự

“Tâm lý các nhân vật đều đa chiều. Phạm Gia Bảo của tôi phải sống hai cuộc đời: một cuộc đời thực và một nữa là cuộc đời ước mơ qua những giấc chiêm bao. Tôi đã phải trải qua những trường đoạn rất khó khăn, phải vượt qua lối diễn quen thuộc của chính mình, thể hiện cái thiện, cái ác nằm trong một con người. Khó nhất là đóng những cảnh “nóng” (mà tôi chắc là phim VN chưa bao giờ có) với hai nữ diễn viên xinh đẹp Hà Kiều Anh và Kim Thư. Sinh hoạt trong phòng ngủ mà không gợi dục, lại thể hiện được tính nhân văn là điều mà tôi rất hài lòng khi lần đầu tiên diễn cảnh này trong phim”.

15 trước, từ quê Bà Rịa, cậu học sinh cấp 3 Phạm Gia Chi Bảo lên Sài Gòn thi vào khoa Điện tử Đại học Bách khoa với khát vọng trở thành một kỹ sư, mong tìm một cuộc sống tương lai ổn định. Thế nhưng, số phận như đã vạch trước cho anh con đường khác. Nơi anh đến dạy kèm nằm gần cụm rạp chiếu bóng Tân Sơn Nhất, nơi hằng tuần diễn ra các lớp học điện ảnh.

Thoạt đầu, anh ghi danh học lớp lý luận phê bình. Học viên lớp này nghỉ dần hết, anh bèn chuyển sang lớp diễn xuất và sau hai năm, cùng các bạn, anh tham gia thi tuyển diễn viên triển vọng điện ảnh tại khu du lịch Văn Thánh. Tuy không đoạt giải song Chi Bảo “ngộ” ra rằng, có lẽ cái “tạng” của mình phù hợp với nghề diễn xuất hơn.

Trước đây, anh không hiểu sao những ngày đi học mình hay buồn nhiều thứ, buồn triền miên, như bị cái gì đó ám ảnh. Khi bước vào nghề diễn, những ám ảnh ấy như được giãi bày, lòng anh cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái. Được đóng nhiều vai như được sống thử nhiều cuộc đời, mọi cái trong anh đều trở nên như mới lạ, thú vị. Sự đam mê vì vậy mà cứ ngày càng dày lên, lôi anh đi quên cả ngày tháng.

Thế nhưng, anh nói - sau chừng 5 năm, khi đã trở thành người của công chúng, khi mọi thứ đã trở nên bình thường, cảm giác bất ổn trong ánh hào quang chợt ập đến. Người nghệ sĩ cảm thấy hụt hẫng sau khi rời sàn quay vì không biết sẽ làm gì vào ngay sáng ngày mai. Và thế là, Chi Bảo nhớ lại cái nghề đã được học chính quy mà có lúc mình ruồng bỏ. Anh mở một shop trên mạng để buôn bán, quảng cáo về các dự án thương mại điện tử. Công việc tiến triển, anh mở thêm hai cửa tiệm siêu thị ảo nữa, chuyên bán những vật dụng dành cho đàn ông.

Nếu như nỗi đau của nhân vật Phạm Gia Bảo trong phim Đẻ mướn là không thể có con với người vợ mà mình hết mực yêu thương thì nỗi đau của diễn viên Phạm Gia Chi Bảo lại là tự cảm thấy “bất lực” trong việc đem lại cho người phụ nữ mình yêu sự hạnh phúc bình an. Anh không hề muốn kể nhưng ở đoàn làm phim Những đứa con thành phố ai cũng chứng kiến môt “tai nạn” anh phải gánh chịu từ người vợ trước mà làm ảnh hưởng đến cả kế hoạch của đoàn phim. Ấy là khi cô vợ trẻ vì quá yêu mà nhất mực bắt anh phải bỏ ngang sự nghiệp diễn viên. Cô đã bất ngờ xuất hiện giữa lúc anh đang quay tại một thành phố biển mà vì không kiềm chế được cơn giận, cô đã nhảy bổ vào cào rách mặt anh, khiến những cảnh quay có anh đều phải dời lại gần cả tháng sau.

Anh không giận mà chỉ thấy buồn, biết mình yêu và được yêu mà bất lực, không thể đem lại hạnh phúc cho người phụ nữ. Chia tay cuộc hôn nhân đầu tiên đã diễn ra khá nặng nề cho cả anh lẫn người vợ anh từng yêu.

Giờ đây, Chi Bảo đã có một gia đình mới. Anh hy vọng cậu con trai đầu lòng 3 tuổi Phạm Gia Cát là chiếc cầu nối để người phụ nữ thứ hai của mình được an tâm hơn. Anh nói mình luôn cố gắng làm người đàn ông bình thường trong mắt vợ con nhưng dẫu sao cũng không tránh khỏi cái không bình thường một khi đã là người của công chúng. Hạnh phúc được đến đâu còn tùy thuộc vào sự “đến đâu” trong sự hiểu biết của người vợ. Bởi hằng ngày, cuộc sống có biết bao điều biến đổi cần đến sự cộng hưởng của cả hai người.

Mỗi sự việc xảy ra sẽ là một khám phá giữa người này và người kia. Anh không bao giờ đặt ra tiêu chuẩn cho người phụ nữ mà anh yêu vì anh biết, ai đến với anh rồi cũng phải chịu hy sinh cái riêng mà ít người phụ nữ nào chấp nhận được.

Nếu như trong sự nghiệp, anh nỗ lực hết mình, ít nhiều gì rồi cũng thành công nhưng ở gia đình, hạnh phúc lại không thể chỉ mình anh mà thành. Anh luôn tự nhủ hãy làm cho nỗi buồn của người thân ít đi và niềm vui lớn lên. Ít nhất thì gia đình nghệ sĩ cũng được sự bình an của hạnh phúc như các gia đình bình thường khác.

 Theo Người Lao Động