Chán ngán với chiêu trò của truyền hình thực tế

(Dân trí) - Các chương trình khác giám khảo và thí sinh liên tục tố nhau, quảng cáo chèn vô tội vạ, thậm chí phát quảng cáo vượt khung quy định một cách thô bạo, ngày càng chuộng những thí sinh, người chơi có xuất phát điểm nhiều scandal hơn là tài năng…

Ngày 18/3 Bộ Thông tin và Truyền thông có công văn gửi Đài truyền hình Việt Nam (VTV) về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm soát nội dung các chương trình liên kết.
 
Trước thông tin này, rất nhiều khán giả truyền hình, đặc biệt là những khán giả đã yêu thích hai chương trình là “Giọng Hát Việt”, “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” cảm thấy lo lắng không biết liệu chương trình này có thể tiếp tục lên sóng.
 
Qua những gì trong công văn nêu rõ thì trong suốt thời gian vài năm trở lại đây những nhà sản xuất này đã để xảy ra nhiều tình trạng bất cập và thông tin nhiều nội dung chưa ổn, gây phản ứng nhiều trong dư luận. Vậy tìm hiểu hành trình dẫn đến việc chương trình có nguy cơ tạm dừng này là do đâu?
 
Anh Thúy và scandal “đeo mặt nạ” trong chương trình X-Factor
Anh Thúy và scandal “đeo mặt nạ” trong chương trình X-Factor
 
Lũng đoạn giờ vàng với nhiều “chiêu trò” phản cảm
 
Khi thực hiện lộ trình xã hội hóa truyền hình, cho phép đài truyền hình liên kết với đơn vị là các doanh nghiệp, công ty có chức năng sản xuất về truyền hình. Có thể nói các chương trình được phát trên các kênh sóng đa dạng hơn rất nhiều, đặc biệt là sự phát triển về số lượng tăng theo cấp số nhân qua từng năm. Rất nhiều chương trình hấp dẫn và “nóng” trên thế giới đã được du nhập ngay lập tức.
 
Cũng bởi sự phát triển nhanh đến “chóng mặt” đã làm cho cán cân sản xuất các chương trình truyền hình nghiêng hẳn về nhà sản xuất tư nhân, tỉ lệ các chương trình nội-ngoại ngày một chênh lệch. Nhiều chương trình ồ ạt lên sóng nhưng phần lớn các chương trình này lại nằm trong tay một số nhỏ các công ty và nhà sản xuất.
 
Chương trình nhiều, chiếm hết giờ đẹp, lại “ôm” hầu hết các phiên bản hấp dẫn kéo theo lượng khán giả ngày một đông. Cũng từ đó tình trạng bất cập bắt đầu xảy ra nào là scandal, những hình ảnh và phát ngôn phản cảm, thậm chí là lừa khán giả và dàn xếp kết quả … rõ ràng.
 
Còn nhớ scandal về hiện tượng cô ca sĩ chuyên nghiệp giả làm một cô gái bị thương phải đeo mặt nạ đi thi hát ở cuộc thi “Giọng hát Việt”. Sự việc bại lộ, khán giả phẫn nộ còn nhà sản xuất thì dẫu có thanh minh kiểu gì thì không thể tránh khỏi nỗi nghi ngờ và thất vọng của khán giả về sự dàn xếp đó.
 
Hay một nhóm nhạc lấy hẳn chiếc khăn Piêu của người dân tộc, một sản phẩm văn hóa truyền thống để phục trang làm chiếc khố biểu diễn vừa phản cảm vừa coi thường văn hóa truyền thống.
 
Đó chỉ là 2 sự việc chưa phải là tiêu biểu trong chuỗi những phản ứng của báo chí và người hâm mộ. Còn rất nhiều những sự việc như cũng tại Giọng Hát Việt mùa đầu tiên, giám đốc âm nhạc lộ băng ghi âm gây nghi ngờ về dàn xếp kêt quả.
 
Các chương trình khác giám khảo và thí sinh liên tục tố nhau, quảng cáo chèn vô tội vạ, thậm chí phát quảng cáo vượt khung quy định một cách thô bạo, ngày càng chuộng những thí sinh, người chơi có xuất phát điểm nhiều scandal hơn là tài năng…
 

Xuất phát điểm đây là một chương trình lớn và được dàn dựng đầu tư kĩ lưỡng, nhưng trong quá trình diễn ra các phiên bản mỗi năm, ngoài những cái được thì cũng để xảy ra khá nhiều vấn đề gây phản ứng. Sự phản cảm gần đây nhất của nhà sản xuất này là sự cố ở chương trình ăn khách “Cuộc đua kỳ thú”. Tại gameshow này chương trình liên tục phát những đoạn nói chuyện phản cảm của người mẫu Trang Trần dù có tiếng “bip” nhưng vẫn lộ liễu gây nhiều phẫn nộ. Trang phục trong cuộc đua cũng có lúc rất gợi cảm, thí sinh liên tục tố chương trình dàn xếp rồi lừa lọc người chơi…

 
Rất nhiều những phản ứng từ người chơi, khán giả và báo chí… nhưng có vẻ như các nhà sản xuất này coi phản ứng của dư luận là cần câu “view” nên mỗi lúc càng lạm dụng scandal nhiều hơn là thay đổi theo hướng tích cực.
 
Tạm dừng liệu có cải thiện chất lượng chương trình?
 
Công văn nêu đích xác nhà sản xuất và các chương trình tạm dừng cấp phép, đây là động thái cần thiết từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm chấn chỉnh các chương trình đang gây nhiều phản ứng dư luận. Cũng sẽ là khoảng thời gian tốt cho các nhà sản xuất phải có lộ trình quy hoạch tốt các chương trình truyền hình, phù hợp với thuần phong mĩ tục và hơn hết không “chiêu trò” phản cảm, không lừa dối khán giả.
 
Nhưng cũng có nhiều mối lo ngại, khi các đại gia này với kinh nghiệm lọc lõi và nguồn tài chính lớn họ sẽ thừa biết cách lách luật. Có thể chuyển đổi cho một đơn vị thứ 3, đơn vị sân sau của nhà sản xuất nắm giữ bản quyền, đổi tên chương trình, hay thậm chí đổi kênh và đài truyền hình…
 
Điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng việc chính vẫn là chỉnh đốn nội dung các chương trình sản xuất, kiểm soát tốt khâu biên tập, kiểm soát cả những sự cố trước khi cho phát sóng. Với chương trình truyền hình trực tiếp có thể sự cố bất ngờ nhưng nếu được kiểm duyệt, và tìm hiểu chú trọng hơn trong mọi khâu thì sẽ có sự giảm tải.
 
Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn về các show truyền hình thực tế ở Việt Nam bằng cách để lại comment dưới bài viết. Những bình luận hay nhất (tính tới 24h ngày 21/3) sẽ nhận được phần quà là CD mới nhất của các ca sĩ nổi tiếng. Chúng tôi sẽ liên hệ với người trúng giải qua email hoặc số điện thoại. Cảm ơn các bạn!
Comment hay nhất trong ngày thuộc về bạn Trần Cảnh - người có địa chỉ email là:ruanho90@gmail.com chúng tôi sẽ gửi quà sớm cho bạn qua đường bưu điện, trân trọng cảm ơn các bạn.
 

Hữu Đông