“Câu chuyện của dòng sông” và tiếng nói cộng đồng

(Dân trí) - Những nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên - không chuyên, bạn trẻ yêu nhiếp ảnh, sinh viên, học sinh đã cùng nhau để sáng tác gần 100 tác phẩm nghệ thuật trên nền chất liệu là con sông Hương.

Ngày 21/12, tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (26 Lê Lợi, TP Huế) đã diễn ra buổi triển lãm gần 100 tác phẩm nhiếp ảnh, video của dự án nghệ thuật cộng đồng “Câu chuyện của dòng sông” do họa sĩ Phan Lê Chung, trưởng nhóm tác giả thực hiện. Đây cũng là buổi tổng kết thành quả 5 tháng thực hiện dự án nghệ thuật này.

Không còn là con sông thơ mộng của thi ca, sông Hương ngày nay đang phải đối mặt với thực tại ô nhiễm môi trường mà bất kì con sông nào chảy qua các thành phố lớn cũng gặp phải. Xuất phát từ hướng đi này, Họa sĩ Phan Lê Chung - Giảng viên Khoa hội họa, trường ĐH Nghệ thuật Huế (ĐH Huế) đã bắt tay vào thực hiện dự án nghệ thuật cộng đồng “Câu chuyện của dòng sông”.

Là một dự án nghệ thuật cộng đồng nên đòi hỏi sự tham gia của nhiều nhóm dân cư sinh sống xung quanh dòng sông Hương. Ngoài những nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, nhóm tác giả còn có sự góp mặt của 4 chàng trai nhóm nhiếp ảnh nghệ sĩ trẻ tự do, 5 nữ sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Khoa Kinh tế (ĐH Phú Xuân Huế) và 20 em nhỏ trường tiểu học Vân Quật Đông, huyện Hương Trà.

“Câu chuyện của dòng sông” và tiếng nói cộng đồng  - 1

Người xem trước những tác phẩm nhiếp ảnh trong “Câu chuyện của dòng sông”

Hiểm họa ô nhiễm môi trường đang đe dọa sông Hương hơn bao giờ hết. Với cách nhìn khác nhau của nhiều nhóm cộng đồng tham gia dự án, những hiểm họa đó nổi bật dưới góc ảnh nghệ thuật. Đó là: sự cạn kiệt tài nguyên nguồn nước ở thượng nguồn, những đoạn sông bị sạt lở do nạn khai thác cát sạn bừa bãi hay vấn nạn rác thải trôi sông được thể hiện đầy tính nhân văn qua câu chuyện mưu sinh của anh Hương - Người lái đò có nữa cuộc đời gắn bó với dòng sông quê mẹ.

Theo Họa sĩ Phan Lê Chung, dự án đã thành công khi kết nối được các nhóm cộng đồng người dân khác nhau, thông qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật để tạo nên sự chuyển biến trong ý thức của họ.

Cố vấn chương trình - Ts. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng ĐH Nghệ thuật Huế cho biết, thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh người dân sẽ ghi lại cách nhìn nhận của mình về sông Hương. Họ sẽ cảm nhận được những nét đẹp của dòng sông, từ đó suy nghĩ của họ sẽ thay đổi. Các bức ảnh triển lãm sẽ tác động mạnh vào thị giác của công chúng, khiến người xem ý thức giữ gìn vẻ đẹp quê hương mình.

“Câu chuyện của dòng sông” và tiếng nói cộng đồng  - 2

Đã bao đời người dân Huế gắn bó với dòng sông
“Câu chuyện của dòng sông” và tiếng nói cộng đồng  - 3

Một em bé cư dân vạn đò trên sông Hương
“Câu chuyện của dòng sông” và tiếng nói cộng đồng  - 4

Những khu nhà mới mọc lên đang làm mất đi giá trị của phố cổ Bao Vinh - đô thị cổ được xem là đẹp nhất Huế bên dòng sông Hương

 
“Câu chuyện của dòng sông” và tiếng nói cộng đồng  - 5

Những hiểm họa đang “rình rập” con sông thơ mộng khi xà lan khai thác cát ồ ạt trên sông Hương (ảnh chụp từ video)
“Câu chuyện của dòng sông” và tiếng nói cộng đồng  - 6
...đến thượng nguồn sông đang cạn kiệt nước
“Câu chuyện của dòng sông” và tiếng nói cộng đồng  - 7
Bên cạnh đó, những hình ảnh đẹp như các học sinh tiểu học trường Vân Quật Đông đang dọn rác bờ sông Hương để trả lại vẻ đẹp cho con sông thơ mộng cố đô Huế

Trọng Việt - Đại Dương