Cao Hành Kiện: Văn học là vấn đề cá nhân

Khi nhà văn Pháp gốc Trung Quốc Cao Hành Kiện được nhận giải Nobel Văn chương năm 2000, nhiều nhà văn và độc giả châu Á bỗng nhận ra hình như văn học châu Á đang khởi động lại sau thời gian dài lặng lẽ.

Những thông tin từ hội thảo quốc tế mới nhất về Cao Hành Kiện vừa tổ chức ở Pháp sẽ mang đến cho chúng ta những suy ngẫm về văn học Việt Nam, qua cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu - dịch giả Phạm Xuân Nguyên:

 

Anh vừa dự một hội thảo quốc tế về Cao Hành Kiện tổ chức ở Pháp. Theo anh, điều làm người ta quan tâm nhất trong tác phẩm của nhà văn Nobel này là gì?

 

Hội thảo với tên gọi Tác phẩm tiểu thuyết và sân khấu của Cao Hành Kiện - giải Nobel Văn học 2000 diễn ra trong hai ngày tại Aix-en-Provence, với 17 nhà nghiên cứu đến từ Pháp, Mỹ, Anh, Thụy Điển, Australia, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore. Theo tôi, điều được quan tâm nhất ở sáng tác của Cao Hành Kiện là sự sáng tạo và cách tân của ông, cả về nội dung và nghệ thuật. 

 

So với những nhà văn khác đang viết rất sung sức ở Trung Quốc, Cao Hành Kiện có những ưu thế và những bất lợi nào?

 

Cao Hành Kiện quan niệm văn học là vấn đề cá nhân, là tiếng nói cá nhân, bộc lộ trong diễn từ Nobel với tên gọi Lý do của văn học. Ông cũng từng tuyên bố không theo một hội đoàn nào, cả khi còn ở Trung Quốc lẫn khi đã ở Pháp. Trong cuộc trò chuyện riêng, Cao Hành Kiện cho biết ông hầu như không đọc văn học Trung Quốc trong nước, cả văn học Trung Quốc hải ngoại. Tôi cảm thấy ông muốn vượt lên trên biên giới quốc gia.

 

Những thành viên hội thảo là người châu Á hoặc gốc Á có những ý kiến nào đáng kể nhất?

 

Phần lớn thành viên dự hội thảo là người gốc Hoa. Bà Mabel Lee, dạy ở Đại học Sydney đã theo dõi, nghiên cứu sáng tác của Cao Hành Kiện từ đầu và góp phần giới thiệu Cao với giải Nobel. Tham luận của bà rất hay, chỉ ra một đặc điểm cốt yếu trong sáng tác của Cao Hành Kiện: "Nhà văn thường xuyên được trình bày như một cá thể mong manh, một kẻ quan sát dửng dưng mà những sự viết lách của anh ta không thể và cũng không tìm cách khích động những sự thay đổi trong xã hội và trong chính trị". Nhà nghiên cứu Yutori Iizuka (Đại học Chuo - Tokyo) cho biết ngay từ những năm 1980 ở Nhật đã có những bài viết về sáng tác của Cao Hành Kiện, hai vở kịch của Cao đã được dựng. Ta thì lại hoàn toàn không biết gì về ông trước đó.

 

Trong tiếp xúc cá nhân, Cao Hành Kiện có bộc lộ như một tác giả có tầm ảnh hưởng quan trọng lên hoạt động văn hóa thế giới?

 

Sau hội thảo, tôi được Cao Hành Kiện tiếp tại nhà riêng. Căn hộ của ông ở một phố sang trọng giữa thủ đô Paris. Tường nhà treo nhiều tranh của ông. Ngoài truyện, Cao còn viết kịch, và kịch của ông có nhiều cách tân, gây xung đột thẩm mỹ cho người xem. 

 

Sau Cao Hành Kiện, anh nghĩ có tác giả Trung Hoa nào sẽ là ứng viên sáng giá của những giải Nobel tới?

 

Trong thời gian ở Paris, tôi có tiếp xúc với nhà văn Trung Quốc Han Shaogong, sinh năm 1953 ở Hồ Nam, hiện sống ở đảo Hải Nam. Tác phẩm Từ điển Maqiao của ông được tờ Tuần san châu Á xếp vào số 100 tiểu thuyết Trung Quốc thế kỷ XX. Tập truyện Tiếng động trong núi được xếp vào 10 cuốn sách nước ngoài hay nhất nước Pháp năm 2000. Ông viết bình dị, kể những chuyện hằng ngày nhưng rất đậm chất nhân bản và gây ám ảnh về số phận con người. Han Shaogong cùng những nhà văn Trung Quốc khác cho phép nghĩ là Trung Quốc có nhiều tiềm năng cho một giải Nobel  nữa.

 

Và những nhà văn châu Á khác?

 

Nhật Bản có Haruki Murakami, sinh năm 1949 đang viết rất sung sức. Sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và bán rất chạy, có nơi như ở Nga, chỉ đứng sau Harry Potter. Nếu giải Nobel Văn học lại về Nhật Bản thì chắc sẽ rơi vào Haruki Murakami. Đọc ông là đọc nước Nhật hiện tại, khác với Yasunari Kawabata và Kenzaburo Ôe là nước Nhật truyền thống và đổ vỡ, đứt đoạn.

 

Anh rút ra được điều gì đáng chia sẻ nhất với độc giả Việt Nam?

 

Tôi đọc tham luận Cao Hành Kiện ở Việt Nam, khi thảo luận, khá nhiều ý kiến hỏi tôi về tình hình xuất bản - sáng tác ở Việt Nam, đến mức ông chủ tọa phải yêu cầu mọi người hỏi về nội dung chính. Đấy là điều tôi muốn chia sẻ nhất với các nhà văn và bạn đọc nước ta.

 

Theo Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Thanh Niên