Nghệ An:
Cần phục dựng ngôi chùa gắn với tuổi thơ Bác Hồ
(Dân trí) - “Ngọc Đình dấu tích còn lưu mãi Bảo Quang linh ứng chốn thiền môn”. Đó là câu đối ghi trước chùa Bảo Quang (chùa Đạt) được các vị cao niên Xã Kim Liên thường nhắc.
Chùa Đạt xưa ở làng Ngọc Đình, xã Chung Cự nay thuộc làng Ngọc Đình, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Vào các dịp xuân - thu hàng năm, người dân, phật tử cầu gì được nấy nên nhân dân trong vùng quen gọi là Chùa Đạt. Điều đặc biệt hơn nữa là ngôi chùa này có lịch sử gắn với tuổi thơ với Hồ chủ tịch nên việc phục dựng lại rất cần thiết.
Chùa Đạt được xây dựng vào cuối đời Trần (tức khoảng thời vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400), có kiến trúc khá lớn, xung quanh cây cối rậm rạp trải qua nhiều năm dấu tích chùa cũng đã bắt đầu phai nhạt. Chùa Đạt được xây dựng cùng thời với Đền Thánh Cả theo kiểu “Tiền Đình hậu Phật”.
Đền Thánh cả thờ tướng Nguyễn Đắc Đài đánh giặc Bồn Man ở Chiêm Thành cuối đời Trần bị thương chạy về vị trí đền này thì cả người lẫn ngựa chết ở đó, dân lập đền thờ, gọi là đền thờ nhân thần. Sau khi lập đền thờ Thánh Cả dân cũng lập ngay chùa Đạt.
Chùa được xây dựng trên một khuôn viên rộng chừng 0,63ha gồm một bái đường nối với tăng đường, có hai nhà hành lang theo kiểu kiến trúc chữ quốc gần đỉnh đồi, thoai thoải theo địa hình, thấp thoáng sau những cây thông cao tạo nên một cảnh quan mang vẻ tôn nghiêm u tịch. Mặt trước quay về hướng Đông Nam đón gió nồm nam mát rượi. Xuôi theo sườn đồi nhìn xuống khu đất phẳng là đền thờ Thánh Cả.
Chùa Đạt nằm trên đỉnh thứ tư của Núi Chung, vùng duyên hải miền Trung (Việt Nam), và cách TP Vinh khoảng 15km theo tỉnh lộ 46. Theo các vị cao niên làng Kim Liên kể rằng: Chùa Đạt ngày xưa khá uy nghi lộng lẫy. Mở đầu hệ thống các công trình kiến trúc là gác chuông hai tầng lợp ngói mũi. Mỗi gác chuông ngăn cách nhau bằng lớp gỗ tạo ra những không gian riêng, tám lá mái tỏa xung quanh và vươn ra như hoa tan vào mây trời. Sau gác chuông là sân rộng khoảng 40m, trước sân là tam quan.
Nói đến chùa Đạt nhân dân vùng Chung Cự xưa không ai quên được tiếng chuông thánh thót bốn mùa của nó, tiếng chuông đưa lại không khí sinh hoạt êm đềm, ấm cúng cho nhân dân vùng này.
Tài liệu lưu trữ ở Khu Di tích Kim Liên ghi rằng, tương truyền: Hồi đó họ Hoàng Nghĩa ở Hưng Nguyên có nhiều người làm quan to, là nhờ ngôi mộ Tổ. Một thầy địa lý người Trung Hoa thấy đất ở làng Ngọc Đình phát đạt bèn cử ông Hoàng Nghĩa Phúc cùng một số bà con đến mở ruộng chùa, xây thêm nhà tiền, nhà hậu, tạc thêm tượng, trồng thêm 180 gốc cây quanh chùa, dựng bia kỷ niệm, đúc một chuông to.
Cuối Triều Lê, đầu Triều Nguyễn, chuông bị sử dụng vào việc đúc súng đạn. Đầu Triều Tự Đức, trong làng Ngọc Đình có bà Trần Thị Loan cùng với người nhà xuất tiền sửa sang chùa Đạt lại một lần nữa, đúc quả chuông nặng 180kg, cao 100cm, đường kính rộng 60cm, phía trên chuông có lưỡng long chầu nguyệt cao 20cm có đề chữ: “Báo quang tự chung” (chuông chùa Báo Quang).
Đặc biệt, chuông chùa là hợp kim quý, tiếng chuông vang xa, khi đánh cả huyện Nam Đàn và một phần huyện Hưng nguyên đều nghe thấy. Điều quý là bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông tiếng chuông ngân khác nhau. Năm 1963 gác chuông bị đổ, dân đem gửi chuông vào chùa Đạt.
Tiếc rằng khoảng cuối năm 1988 quả chuông bị bán đi không thu hồi được!. Bái đường: Gồm ba gian, hai chái, mái hồi văn, phía trước có ba cửa thượng song hạ bản, phía sau có hai cửa đi vào tăng đường. Cách khoảng sân sau nhỏ nằm song song với bái đường là tòa Tăng đường gồm một gian hai dĩ, có mái hồi văn, tam cấp ba bậc, bệ thờ xây bằng gạch đá ong, thờ các bụt bằng đá, gỗ. Nhà hành lang hai bên nối bái đường với tăng đường.
Chùa Đạt nằm trong quy hoạch bảo tồn tôn tạo khu di tích Kim Liên là nơi thầy đồ Trần Thân mượn để dạy học và Nguyễn Sinh Cung đã có những ngày tháng ngồi học ở đây những năm tuổi thơ 1901 đến 1906. Văn hóa Phật giáo và văn hoá truyền thống dân tộc cũng đã thấm vào tâm hồn Người trong những buổi thăm vãn cảnh chùa. Ngày trước từ Chùa Đạt tiếp đến chợ Cầu và Đền Thánh Cả tạo thành một quần thể ba địa danh mà người dân Kim Liên còn nhớ: “Nhất vui là cái chợ Cầu; Trong chùa, ngoài chợ, giữa lầu gác chuông”.
Những năm 1946, 1947, 1948 chùa Đạt được nhân dân quanh vùng về đây thắp hương, lễ hội rất sầm uất. Tham gia lễ hội chùa đông nhất khoảng hơn 300 người. Hội chùa vào rằm tháng 7, rằm tháng 3 và dịp thanh minh. Lễ vật có xôi trắng, oản, cháo. Vào thời đánh Mỹ những năm 1970 - 1980 xã Kim Liên lấy chùa Đạt làm trường học cơ sở cấp II. Di tích chùa Đạt chỉ còn dấu vết cũ là Tượng tam đế (trong đó hai tượng đã bị cụt đầu). Bia đá và vài dấu tích khác, nhân dân vẫn đến quét dọn, thắp hương ngày mùng 1 và ngày rằm.
Chùa Đạt, rú Chung, Đền Thánh Cả gắn liền với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chi Minh. Năm 1990, nhân dân xã Kim Liên có nguyện vọng phục dựng lại chùa Đạt và đền Thánh Cả, Sở Văn hóa và cán bộ Ủy Ban Tỉnh Nghệ An đã về khảo sát nhưng không thành. Năm 2008, tỉnh Nghệ An lại cho khảo sát lần nữa nhưng vẫn không thấy tiến hành. Việc xây dựng và phục dựng, tôn tạo di tích Chùa Đạt là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết. Là việc làm thiết thực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn hóa.
Đáp ứng nguyện vong của nhân dân, nhằm khôi phục và phát huy giá trị của di tích. Phục dựng di tích về văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm này và mai sau, đồng thời là nơi tổ chức khai thác tiềm năng văn hóa du lịch, dịch vụ bổ sung cho nội dung tham quan của Khu di tích kim liên hiện tại.
Để việc tôn tạo di tích chùa Đạt sớm được phục dựng, cần lắm tấm lòng của các nhà hảo tâm xứ Nghệ và đồng bào thập phương để Chùa Đạt có thể trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, có khả năng thu hút đông đảo quần chúng nhân dân nhằm phục hồi không gian văn hóa lịch sử, làm sống lại các hoạt động văn hóa phi vật thể và tổ chức thêm các hoạt động văn hóa du lịch trên quê hương Bác.
Hồ Sĩ Tá - Nguyễn Duy