1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Cần có sự thống nhất về trang phục và sắc phục trong nghi lễ thờ Mẫu

Nhật Phương

(Dân trí) - Cần sớm có sự thống nhất về trang phục, sắc phục trong nghi lễ hầu thánh, để cả người trong giới và ngoài đạo đều hiểu được, không bị rơi vào "ma trận" như hiện nay.

Mới đây, tại đền Phủ Bóng (hay còn gọi là Nguyệt Du Cung) xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã diễn ra Hội thảo khoa học: "Phủ Bóng (Nguyệt Du Cung) trong quần thể di tích Phủ Dầy" do Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học - Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức.

Cần có sự thống nhất về trang phục và sắc phục trong nghi lễ thờ Mẫu - 1

Thầy đồng Trần Văn Hải cho biết, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vì nó có sức sống lâu bền, được nhân dân gìn giữ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Nam Định.

Đền Phủ Bóng còn có tên gọi là Nguyệt Du Cung tọa lạc tại Trung tâm Quần thể di tích văn hóa Phủ Dầy (xã Kinh Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Một trong bốn vị thánh bất tử của dân tộc) .

Hiện nay nơi đây còn lưu giữ được không ít các di sản văn hóa có giá trị lịch sử niên đại từ thời Lê, Nguyễn. Đặc biệt, tại đền còn lưu giữ hai tấm bia đá xanh ngọc bích tựa đề "Nguyệt Du cung bi ký" đều khắc vào năm Bảo Đại thứ 4 (1929).

Thông qua các tham luận, hội thảo đã đóng góp xây dựng nhiều chính sách quản lý các hoạt động tín ngưỡng dân gian trong xã hội và các giải pháp làm lan tỏa giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu trong cộng đồng, để khẳng định giá trị của văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.

Cần có sự thống nhất về trang phục và sắc phục trong nghi lễ thờ Mẫu - 2

Đền Phủ Bóng (hay còn gọi là Nguyệt Du Cung) (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thầy đồng Trần Văn Hải (thủ nhang Đền Ba Giáp - ngôi đền cổ tại xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, thờ Trạch Hải Đại Vương, Đức Thánh Trần và Vân Hương Thánh Mẫu Nam Định) tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã có 26 năm theo và cống hiến cho tín ngưỡng.

Tham dự hội thảo, thầy đồng Trần Văn Hải cho biết, sở dĩ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vì nó có sức sống lâu bền, được nhân dân gìn giữ, tôn sùng. Các nhân vật được tôn vinh trong nghi lễ cũng rất gần gũi, gắn bó với đời sống con người chứ không phải là nhân vật siêu thực, xa lạ với đời sống.

Một hiện thân của Thánh Mẫu tối cao là Liễu Hạnh Thánh Mẫu (Thiên Tiên Thánh Mẫu). Hay trong hàng ngũ vị Quan lớn, theo quan niệm dân gian, nhiều vị Thánh đã từng là những nhân vật lịch. Quan Tam Phủ gốc là vị tướng thời Hùng Vương, Quan lớn Tuần Tranh là Cao Lỗ, một danh tướng thời An Dương Vương... Trần Hưng Đạo và các bộ tướng của ông như Phạm Ngũ Lão, Trần Quang Khải cũng được tích hợp vào điện thần Tứ Phủ.

Việc nhân hóa, lịch sử hóa các thần linh, gắn các thần linh Tứ Phủ với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc thể hiện được lòng yêu nước, tinh thần dân tộc...

Nhưng kể từ khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh, bên cạnh việc phát triển và lan tỏa giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng này thì theo thầy đồng Trần Văn Hải, hiện có một thực tế là nhiều người ra hầu thánh khá tùy tiện, dễ dãi. Chỉ cần đi xem bói, "thầy" bảo ra hầu là nghe theo.

"Hầu thánh tuy là tín ngưỡng dân gian nhưng vẫn cần soi xét bằng khoa học, phải có cơ duyên rất lớn với đạo mới nên theo. Nếu không, người có "căn duyên" sẽ không xác định được chánh tín, dễ sa vào con đường mê tín, u mê.

Ngoài ra, bước chân vào đạo là phải cống hiến chứ không phải nghĩ là mình sẽ thu được gì thì, rất dễ khiến hoạt động tín ngưỡng bị biến tướng sang màu sắc thương mại", thầy đồng Hải nói.

Cần có sự thống nhất về trang phục và sắc phục trong nghi lễ thờ Mẫu - 3

"Việc phát huy, bảo tồn cần phải tiến tới thanh lọc, soi chiếu tín ngưỡng linh thiêng này bằng lăng kính quy chuẩn của khoa học", thầy đồng Trần Văn Hải bày tỏ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thầy đồng Trần Văn Hải cũng trăn trở, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh nhưng nếu không có các hoạt động thiết thực để bảo vệ, bảo tồn gắn với phát huy giá trị trong cộng đồng thì sau 5 năm, UNESCO sẽ khảo sát, đánh giá lại để có tiếp tục công nhận hay không.

Việc phát huy, bảo tồn không chỉ là phát triển về số lượng mà cần phải tiến tới thanh lọc, soi chiếu tín ngưỡng linh thiêng này bằng lăng kính quy chuẩn của khoa học.

Cần sớm có sự thống nhất về trang phục, sắc phục trong nghi lễ hầu thánh, để cả người trong giới và ngoài đạo đều hiểu được, không bị rơi vào "ma trận" như hiện nay.

Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch Chi hội Di sản văn hóa huyện Giao Thủy, Nam Định - trực thuộc Trung ương Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Bảo vệ phát huy "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của Người Việt" huyện Giao Thủy, thầy đồng Trần Văn Hải cho rằng, đã bước chân vào đạo là phải cống hiến, làm cho tín ngưỡng này trở nên tốt đẹp, nhân văn hơn.