1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Cẩm Vân: Tiếng hát vượt thời gian

Chị đã luôn nỗ lực hết sức để giữ lại sự nồng nàn trong từng câu hát và sống hết mình với nghề. Cẩm Vân đã cố gắng giữ cho mình một chỗ đứng trang trọng trong sự tin yêu của khán giả.

Gần 30 năm trước, khi nghe Cẩm Vân hát, một giảng viên thanh nhạc lắc đầu: "Giọng ca này mà thi vào trường thì tôi cho rớt ngay". Âm vực hẹp, nói khàn, hát khàn và chỉ hát bằng chất giọng thiên phú, không được đào tạo qua thanh nhạc chính quy, nhưng bằng nỗ lực tự thân, Cẩm Vân giờ đứng vào top ca sĩ hàng đầu, được nhiều khán giả mến mộ. Chị là một trong những tên tuổi được chọn vào danh sách bầu chọn "Gương mặt trẻ thành phố" nhân kỷ niệm 30 năm ngày miền Nam giải phóng.  

Cả nhà không ai theo nghề hát xướng, nhưng năm lên sáu tuổi, cô bé Cẩm Vân tình cờ một lần được hát trên tivi. Kỷ niệm tươi đẹp ấy đã dệt ước mơ lớn lên làm ca sĩ của Vân. Cơ may đầu tiên cho Vân khi được đại diện tổ dân phố tham dự cuộc thi văn nghệ toàn phường và đoạt giải nhất. Giải nhất phường được cử lên thi ở quận. Đoạt giải nhất quận được đưa đi thi cấp thành, rồi đoạt luôn giải nhất toàn thành. Năm ấy, Cẩm Vân 16 tuổi, giải nhất đơn ca TP HCM được Công ty Du lịch "rước" về, làm bạn đồng nghiệp với những ca sĩ kỳ cựu mà theo lời Cẩm Vân thú nhận: "Mới nghe tên thôi đã thấy sợ" như Hồng Vân, Lan Ngọc...

Những ngày đầu, buổi tập dượt nào Cẩm Vân cũng bị các đàn chị la rầy: "Con nhỏ này hát tiếng Việt mà phát âm cứng như... Tây". Nhưng rồi, khi nhóm ca khúc chính trị Rạng Đông được thành lập để đại diện TP HCM sang biểu diễn tại CHDC Đức, bên những giọng ca trẻ đang rực sáng hồi ấy như Sĩ Thanh, Hồng Danh... mọi người đã nhớ tới Cẩm Vân. Sau chuyến đi thành công với nhóm Rạng Đông, Cẩm Vân nằm trong số sáu cô gái được chọn để thành lập nhóm nữ 30/4, sang biểu diễn tại Bulgaria. Sáu cô gái VN xinh đẹp, trẻ trung, tha thướt trong những bộ áo dài trắng, vừa đàn, vừa hát đã tạo được sự mến mộ cho bạn bè thế giới tại liên hoan và làm "dậy sóng" sàn diễn Nhà Văn hóa Thanh niên suốt cả tháng trời sau đó.

Nhưng Cẩm Vân chỉ thực sự làm cuộc bứt phá khi thể hiện tuyệt vời ca khúc Bài ca không quên của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông năm 1981. "Có một bài ca không bao giờ quên...", bằng một chất giọng trầm ấm, bằng trái tim nhạy cảm, cẩn trọng trong từng lời, từng âm sắc, chị đã gửi hồn mình vào bài ca như thể không phải đang hát mà là đang sống. Ngay sau đó, Bài ca không quên trở thành một tài sản riêng của giọng hát Cẩm Vân, trở thành một "hình mẫu" cho biết bao người muốn chọn ca khúc này thi thố trong các cuộc thi hát.

Sự thành công với Bài ca không quên là cột mốc mở ra cho tiếng hát Cẩm Vân một phong cách riêng, "chuyên trị" những ca khúc mang nhiều kịch tính như: Triệu đóa hoa hồng, Số phận, Khi yêu ai nỡ hững hờ (nhạc Nga), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Đêm thành phố đầy sao (Trần Long Ẩn), Rừng chiều (Vũ Thanh) và đặc biệt là những ca khúc của Phạm Minh Tuấn: Đất nước, Mùa xuân, Sao biển, Khát vọng, Tình yêu và nỗi nhớ, Tình khúc thiên thu, Rừng gọi, Lối nhỏ vào đời...

Ngoài việc định hình cho mình một loại ca khúc riêng, ngự trị ở đỉnh cao trên sân khấu ca nhạc TP HCM suốt hai thập niên 80 và 90 vừa qua, Cẩm Vân còn gần như "độc quyền" về kiểu tóc đi liền với chiếc áo dài truyền thống. Mái tóc ngắn ôm lấy khuôn mặt thanh tú, đã trở thành tên gọi "kiểu tóc Cẩm Vân" ở các tiệm làm tóc vào những năm của thập kỷ 90. Chỉ mới đây, khi đã là mẹ của hai cô con gái, không còn tự tin vào vòng eo của mình nữa, chị mới đổi khác chút ít kiểu tóc và tạm rời xa chiếc áo dài quen thuộc. 

Đám cưới của ca sĩ Cẩm Vân và tay trống tài hoa Khắc Triệu năm 1991 là đám cưới thu hút sự chú ý của công chúng. Cô dâu được rước trên một chiếc xe Mercedes kiểu xưa, mui trần, được kết hoa. Bạn bè đều biết, họ phải trải qua bao khó khăn mới đến được với nhau. Trước đó, cả hai đều đã có ý trung nhân. Cẩm Vân đã chuẩn bị cho mình một cuộc sống dài lâu với một người tình sâu nặng, và Khắc Triệu khi đó cũng đã có bạn gái.

Nhưng rồi, duyên số đã gỡ bỏ dần những vướng mắc để họ nhận ra sự cần thiết phải có nhau trong đời. Cho dù lúc ấy cả hai vẫn còn nghèo, đêm đêm sau giờ diễn, hai người hai chiếc xe đạp, Cẩm Vân tẩy trang, cột tóc để không ai nhận ra; còn Khắc Triệu, một tay cầm ghi đông, tay kia cầm cặp dùi trống, đưa nhau về.

Đời sống chồng vợ là một sự nỗ lực triền miên để hoàn thiện dần trong mắt nhau. Cẩm Vân đã tìm thấy ở "tay trống tóc tai bù xù" ngày xưa tính cách rất đàn ông và một trái tim yêu nồng cháy. Ngày chị sinh con gái đầu lòng, Khắc Triệu đã "bê" con vừa khóc vừa trình diện trước bàn thờ ông bà cha mẹ. Chính những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy đã như chất keo kết dính cuộc đời của hai kẻ có tính chất gần như trái ngược nhau: một bên trữ tình lãng mạn và một bên là chất rock mạnh mẽ, sôi động.

Thời bao cấp, đi hát không tiền, đến vùng sâu vùng xa, Cẩm Vân vẫn say sưa miễn là có người nghe. Áo dài chị mặc đi hát, mấy mươi năm vẫn do một người thợ trong xóm may. Đồ vật chị dùng "cũ xì" vẫn chưa muốn bỏ và trong tình yêu, từ ngày lấy chồng "trong mắt nhau cũng không có ai khác". Ba mươi năm miệt mài với niềm đam mê ca hát, chị là một trong số rất ít những ca sĩ kỳ cựu vẫn còn đứng chân được trên sân khấu ca nhạc trước công chúng trẻ ngày nay.

Theo Nhật Lam
Người Lao Động