Bùi Công Duy: “Chăm học trò như chăm…con mọn”
(Dân trí) - Trở về từ cuộc thi quốc tế Đông Nam Á Concerto lần 4 tổ chức tại Indonesia, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy - con rể nhạc sĩ Phú Quang hào hứng chia sẻ về thành tích của học trò, về niềm say mê với vai trò giảng dạy của mình tại Việt Nam.
Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy và học trò Trịnh Đan Nhi tại Indonesia
Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy chia sẻ, đây là kết quả sau khoảng 2 năm học tập và tập luyện rất kiên trì của các em. Trước khi lên đường, các em phải học một khối lượng bài lớn và khó. Không chỉ thế, các em còn phải có sức khỏe, có bản lĩnh sân khấu và quyết tâm, đầu tư nhiều sức lực.
“Đối với Linh Uyên, cuộc thi tại Thái Lan mang tính chất cọ sát với thí sinh nhiều nước, củng cố kiến thức, tạo đà để sau này em tham gia cuộc thi mang tầm vóc lớn hơn. Còn với Đan Nhi, có thể nói cuộc thi tại Indonesia là cuộc thi đầu tiên trong cuộc đời để khám phá bản thân, xem bản lĩnh và bước tiến của em tới đâu”, Bùi Công Duy bộc bạch.
Đồng thời tài năng violon hàng đầu Việt Nam này cũng cho rằng, hai giải nhì chỉ là bước cọ sát ban đầu. “Việt Nam đang trong quá trình tiến ra thế giới, những cuộc thi như thế này cũng chỉ mang tính chất khu vực thôi. Muốn thi quốc tế, mình phải thi ở phường, ở xã trước đã”, Bùi Công Duy thổ lộ.
“Tôi thấy say mê với vai trò giảng dạy”, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy thổ lộ (Ảnh: Nguyễn Á)
Tâm sự về công việc giảng dạy, Bùi Công Duy cho biết 9 học trò được anh kèm cặp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phần lớn là các em tuổi còn nhỏ nên cách giảng dạy cần linh hoạt và mềm dẻo.
“Nếu như việc đào tạo ở nước ngoài, các thầy luôn giữ nguyên tắc khắt khe thì ở Việt Nam việc ươm mầm cho trẻ phải mềm dẻo, linh hoạt. Các em còn bị sức ép về học văn hóa ở các trường nên thời gian dành cho đàn không nhiều như ở nước ngoài, tôi đành phải tìm ra cách học phù hợp với các em thay vì dồn ép. Quan trọng là kết quả!”
Bùi Công Duy nói, những ngày đầu về nước anh chưa thích nghi lắm với môi trường giảng dạy nhưng sau này mọi thứ cũng quen dần. Ngay như việc đưa các em đi thi, anh đâu chỉ lo lắng về chuyên môn mà còn phải sát sao giờ ăn giờ ngủ, chăm sóc các em, động viên tinh thần kịp thời, vạch chiến thuật và ổn định tâm lý vì các em còn quá nhỏ. “Nhiều lúc tôi thấy mình giống như chăm con mọn”, con rể nhạc sĩ Phú Quang tếu táo.
Theo anh, việc đào tạo trẻ em ở bộ môn violon cũng khác người lớn. “Người lớn đánh hỏng là khó sửa vì tay cứng. Trẻ nhỏ thì vừa dạy vừa dỗ. Có em bộc lộ tài năng sớm nhưng có em phải mất một thời gian dài mới bộc lộ năng khiếu vậy nên điều quan trọng trong tư cách của người thầy là phải kiên trì và truyền nghề bằng một cái tâm trong sáng”, anh nói.
Anh cũng không giấu giếm chuyện thời gian đầu về nước mình không thể nghĩ sẽ gắn bó với vai trò một thầy giáo thế nhưng nghiệp sư phạm đã đến…như một cái duyên. Anh nói, việc đào tạo trẻ em cần một con mắt khác, những kỹ năng khác và cách hành xử rất khác với việc làm một nghệ sĩ chỉ cần chuyên tâm tập luyện và càng gắn bó, càng thấy mình có thêm nhiệt tâm.
Bùi Công Duy: "Giá trị thật không nằm ở danh hiệu"
Nhắc tới chuyện “trượt” danh hiệu NSƯT dù được “đặc cách” khuyến khích làm hồ sơ xét tặng danh hiệu này, Bùi Công Duy không lấy làm buồn: “Tôi rất bình thản, không sao cả”. Sau những trải nghiệm, cống hiến và biểu diễn, anh luôn tâm niệm nghệ thuật và giá trị con người không bị quyết định bởi những giải thưởng hay danh hiệu. Giá trị thật không nằm ở giải thưởng!
Bùi Công Duy, sinh năm 1981, từng 3 lần đoạt giải nhất quốc tế lớn như giải nhất cuộc thi “Âm nhạc quốc tế Demidov”, giải nhất cuộc thi “Âm nhạc quốc tế Z.Bron”, giải nhất cuộc thi “Âm nhạc quốc tế dành cho lứa tuổi thiếu niên Tchaikovsky”. Một giải nhất trong nước là Concours mùa thu tại Hà Nội. Và hai lần anh được nhận bằng khen của Thủ tướng… |
Nguyễn Hằng