BTV Hoài Anh: Cô gái Nam Bộ “quen mặt” nhất trên VTV
Chưa có thống kê chính thức nhưng tần suất xuất hiện của BTV Hoài Anh trong chương trình Thời sự 19h của Đài THVN có lẽ nhiều nhất.
Năm 2008, cô chỉ đứng sau số phiếu của BTV Quang Minh trong cuộc bầu chọn Người dẫn chương trình được yêu thích nhất do Tạp chí Truyền hình tổ chức.
Hoài Anh không chỉ chiếm được cảm tình của khán giả bởi ngoại hình ưa nhìn và giọng Nam Bộ dễ thương, cô còn gây ấn tượng bởi lối dẫn mềm mại, tình cảm khiến bản tin thời sự gần gũi và dễ tiếp nhận hơn. Thế nhưng, dạo này, BTV Hoài Anh vắng bóng trên chương trình Thời sự 19h. Gọi điện để hẹn gặp thì cô lại bận cả ngày lẫn... đêm. Phải tranh thủ giữa giờ nghỉ trưa, chúng tôi mới gặp được “cô gái Nam Bộ” này ở ngay cổng “nhà đài”.
Công việc của người làm thời sự, nhìn ngoài thì cứ đều đặn lên hình. Vậy năm vừa rồi với Hoài Anh khác gì các năm trước?
Với những người làm thời sự thì mỗi ngày, mỗi giờ đã có nhiều cái khác. Tin tức, sự kiện luôn diễn ra, luôn thay đổi đòi hỏi luôn phải cập nhật. Với tôi, một năm là quá dài, sự khác biệt và mới mẻ đến với tôi trong từng bản tin mỗi ngày.
Xuất hiện thường xuyên ở chương trình “đinh” của “nhà đài” là một trong lý do khiến những BTV của Ban Thời sự được khán giả quen tên, biết mặt. Hoài Anh có nghĩ rằng nếu không lên hình cũng đồng nghĩa với việc tên tuổi không còn “hot” và dễ bị quên lãng?
Tôi nghĩ, có nhiều cách để người làm truyền hình ghi dấu ấn với khán giả chứ không chỉ lên hình. Dấu ấn của người phóng viên, biên tập viên để lại qua những phóng sự, chuyên mục, ký sự, phim tài liệu... Vì vậy, có nhiều cái tên được khán giả nhắc nhớ, qua những phóng sự nói hộ lòng dân về những bức xúc, trăn trở trong cuộc sống hay phát hiện được những nhân vật ấn tượng... dù khán giả không biết mặt những người thực hiện. Với người dẫn chương trình, tôi nghĩ điều quan trọng là để lại ấn tượng gì ở mỗi lần lên hình. Nếu không, người dẫn có thể “bị quên lãng” ngay cả khi lên hình nhiều nhất...
Dẫn chương trình đang được coi là nghề hái ra tiền. Ở một khía cạnh khác, có thể coi những người dẫn chương trình đang gặp thời. Chị nghĩ gì về những ý kiến này?
Lợi thế của chị là giọng Nam Bộ thì hẳn rồi, còn bất lợi?
Tất nhiên như bất cứ chất giọng nào, khi đến một địa phương khác sẽ có thể khiến người dân địa phương nghe không quen và dẫn đến hiểu lầm, tôi cũng đã gặp phải một số tình huống hiểu lầm thú vị khi đi mua hàng hoặc gọi đồ ăn chẳng hạn, do cách dùng từ khác nhau giữa miền Nam và miền Bắc. Mà thực ra, nói tôi là người Nam Bộ cũng không hẳn đúng, vì ông bà, cha mẹ tôi đều ở Hà Nội trong thời gian dài, từ khi ông bà tôi còn rất trẻ, sinh ra mẹ tôi ở đây, rồi mẹ tôi sinh ra tôi cũng tại nơi này. Thời gian sống ở Hà Nội tính ra là nhiều hơn ở Sài Gòn. Và tôi nghĩ rằng, dù là người Nam, người Bắc, hay bất cứ đâu trên khắp các vùng miền đất nước, thì cũng không khác nhau ở sự cầu tiến và nỗ lực vì công việc, vì sự phát triển chung của xã hội.
Gia đình chia sẻ với chị ra sao khi chị sống xa nhà?
Gia đình luôn ủng hộ, động viên và góp ý cho tôi. Mẹ tôi theo sát từng bước, lo lắng vì tôi ở xa, và yên tâm sau mỗi ngày gặp con trên TV vì biết con vẫn khỏe.
Cảm ơn và chúc chị luôn được yêu mến.
Theo TTVH