1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Phim “Nghề báo”:

Bóng tối của quyền lực là sự cám dỗ!

(Dân trí) - “Hình ảnh những phóng viên, nhà báo chưa bao giờ được thể hiện một cách sinh động, đa chiều, góc cạnh và đầy đủ như trong phim Nghề báo”, đạo diễn Phi Tiến Sơn tiết lộ.

Câu chuyện phim chỉ diễn ra trong vòng một tháng, tại một toà soạn báo lớn ở TPHCM, chủ yếu tập trung xung quanh ban Chính trị- Xã hội của tờ báo này. Phóng viên Thuý Bình (Hồng Ánh đóng) đang theo đuổi một vụ tham nhũng phức tạp. Dưới sự tác động của nhiều yếu tố, do đồng nghiệp báo khác “giăng bẫy”, do áp lực công việc từ cấp trên, do cảm nhận chủ quan… Thuý Bình và một số phóng viên đã viết một loạt bài điều tra phanh phui vụ tham nhũng ở một Tổng công ty nọ.

 

Ông Giám đốc công ty phá sản, ra toà và ngồi tù. Con trai Giám đốc sa chân vào con đường nghiện ngập, trác táng. Cô con gái Giám đốc bán thân kiếm tiền trong những khu nhà chứa… Gia cảnh tan nát, công ty lụi bại. Đúng lúc ấy, Thuý Bình và nhóm phóng viên mới nhận ra toàn bộ loạt bài điều tra của họ đã viết sai sự thật! Họ đã bị “giăng bẫy”.

 

Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết: “Đã có nhiều phim làm về nhà báo, nhưng hình như chưa có phim nào khiến các nhà báo “tâm phục khẩu phục”. Nhưng, có một may mắn cho tôi là kịch bản phim Nghề báo là một kịch bản tốt. Phim không có nhân vật một chiều (tốt hẳn hay xấu hẳn). Tác giả kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn là một người rất giỏi trong việc khai thác những vấn đề nóng của xã hội. Và vợ anh cũng là một nhà báo kỳ cựu của Sài Gòn. Tôi đã cố gắng để Nghề báo chân thực và sinh động nhất, điều đó thể hiện qua từng chi tiết nhỏ trong bối cảnh. Phim truyền hình nhưng được chuẩn bị về bối cảnh như phim nhựa!”.

 

Bóng tối của quyền lực là sự cám dỗ!  - 1

                        Cảnh trong phim "Nghề báo".

 

Bối cảnh làm sang trọng "Nghề báo"

 

Đạo diễn Phi Tiến Sơn kể, ban đầu đoàn làm phim dự định mượn một toà soạn nào đó làm bối cảnh cho toà soạn trong phim. Nhưng, đi đến đâu cũng thấy các toà soạn không đủ độ… sang trọng! Đạo diễn quyết định thuê hẳn một toà nhà to đẹp để làm bối cảnh toà soạn. Trang thiết bị hiện đại, thang máy bóng loáng, ông Tổng biên tập ngồi hẳn trong một căn phòng rộng hơn 70 mét vuông. Các phóng viên thì được trang bị đầy đủ những phương tiện tác nghiệp tối tân nhất. Đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định: “Không có một toà soạn nào ở Việt Nam sang trọng và hiện đại như trong phim Nghề báo”.

 

Những cảnh “ăn tiền”, nhận hối lộ trong phim cũng rất… sang. “Nhìn cảnh một ông Tổng biên tập nhận phong bì, trông… hèn lắm!”, đạo diễn bày tỏ. Giá một bài báo “viết để ăn tiền” trong phim được đổi bằng cả một mảnh đất đẹp giữa Sài Gòn tráng lệ. Nhà báo Quang Sinh (Hoàng Phúc đóng) trong phim được mệnh danh là “vua không ngai”có tiền mua cả nhà hàng khách sạn. Đoàn làm phim “chịu chơi” thuê  một trong  những nhà hàng khách sạn lớn nhất Sài Gòn làm bối cảnh. Nghe nói, giá thuê lên tới hơn 3 triệu/1 ngày, chủ nhiệm phim cũng… “đứt ruột” giục đạo diễn quay mấy cảnh nhà hàng khách sạn của nhà báo Quang Sinh nhanh nhanh kẻo cạn túi.

 

Nhưng, điều quan trọng không chỉ nằm ở sự sang trọng, mà phải tái hiện được không khí làm việc của một toà soạn báo.

 

Bóng tối của quyền lực là sự cám dỗ!  - 2

Tòa soạn trong "Nghề báo" là tòa soạn hiện đại nhất hiện nay ở VN.

 

Diễn viên phải… đẹp!

 

Xưa nay, cứ vào vai phóng viên là diễn viên mặc áo ký giả, cổ đeo lủng lẳng máy ảnh, nhưng đi lại nói cười vẫn như… diễn viên. Phim Nghề báo, ngay từ khi chọn diễn viên đã rất cẩn thận. Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết: “Trong phim Nghề báo không có diễn viên xấu, nghĩa là không có phóng viên xấu, kể cả những nhân vật kém nghiệp vụ, ăn hối lộ cũng rất đẹp. Đội hình các nhà báo chỉ toàn “đẹp trai và xinh gái”... Nhưng, tôi muốn, khán giả cảm nhận được rằng: đây là tầng lớp trí thức, ngay khi xem những thước phim đầu tiên”.

 

Các diễn viên trong phim Nghề báo được chăm chút “từng ly từng tý” về mặt diễn xuất. Từ phong thái tác nghiệp như thế nào, ngôn từ sử dụng ra làm sao, đi đứng như thế nào… Tất cả các diễn viên buộc phải học thuộc và hiểu thoại. Bởi vậy thời gian quay phim kéo dài suốt từ tháng 9/2005 đến tháng 1/2006 mới đóng máy.

 

Phim Nghề báo nhấn mạnh tính điển hình trong mỗi chi tiết, mỗi nhân vật. Áp lực công việc thì khủng khiếp. Hình ảnh những phóng viên giỏi sẽ khiến khán giả khâm phục bởi tài trí và lòng dũng cảm. Sự xả thân của các phóng viên sẽ khiến khán giả nghẹt thở, lo lắng. Nhưng sự sa đoạ, vụ lợi của họ cũng sẽ như những “ông trùm” thực sự. Sự giàu có của một số phóng viên, nhà báo ngang ngửa với… PMU18!

 

Phim Nghề báo dài 20 tập (mỗi tập 45 phút) sẽ được lên sóng truyền hình HTV9 vào khung “giờ vàng” 18h ngày 12/6 tới.

 

Hiền Hương