Bởi tại... Con đường em đi

Sau 1 tuần tung ra thị trường, album Con đường em đi (My Way) của ca sĩ, cựu người mẫu Ngô Thanh Vân có thể bị thu hồi vì lý do bìa đĩa!

Không phải do hình ảnh ca sĩ "có vấn đề" (như đã từng xảy ra) mà Con đường em đi đã "phạm" vào một chuyện rất phổ biến trong khu vực sản xuất băng đĩa nhạc hiện nay, và các nhà quản lý văn hoá đang rất đau đầu vì nó: Tiếng Việt hay tiếng nước ngoài?

Tên album (theo giấy xin phép sản xuất và phát hành) là Con đường em đi, nhưng trên toàn bộ bìa đĩa người ta không tìm được cái tên này, mà thay vào đó là My Way. Danh mục bài hát nửa Việt nửa Anh (xem bìa 4 album) mặc dầu trong album gồm 9 bài này chỉ có duy nhất 1 ca khúc nước ngoài (One more try). Trong cuộc họp báo giới thiệu CD vào tuần trước, nhà sản xuất cho hay sở dĩ có chuyện "nửa Tây nửa Ta" như vậy là do những bài hát Việt album có cả lời Việt và lời Anh nhưng theo đề nghị của phía cơ quan quản lí phần lời Anh không được sử dụng. 

Thế nhưng, theo thông tin từ phòng Quản lý nghệ thuật Sở VH-TT TP.HCM, việc sử dụng lời tiếng Anh như lời thứ hai hoặc lời duy nhất đối với các ca khúc Việt Nam vẫn được phép phổ biến bình thường (điển hình là album Hồng Nhung - Bài hát ru cho anh, có 5 ca khúc Việt hát lời Anh). Một số ca khúc trong Con đường em đi rơi vào trường hợp khác: tiếng nước ngoài được sử dụng chen lẫn tiếng Việt trong cùng một câu hát, mà theo lời một cán bộ Phòng Quản lý văn hoá, trong những trường hợp cụ thể này, tiếng Việt không nghèo nàn đến nỗi các tác giả phải dùng tiếng nước ngoài thay thế.

Sở VH-TT TP.HCM và Cục NTBD đều thống nhất đề nghị ca sĩ và nhà sản xuất loại bỏ những phần lời tiếng Anh không cần thiết trong các ca khúc của album, song họ đã "không thể" loại bỏ tình trạng "nửa Tây nửa Ta" trên bìa Album. Nói là "không thể" (chính xác hơn là "chưa thể") do tình trạng nộp lưu chiểu các chương trình ca nhạc đang rất lộn xộn. 

Theo quy định, thời gian nộp lưu chiểu (album hoàn chỉnh) là 7 ngày trước khi chính thức phát hành, tuy nhiên trên thực tế nhiều đơn vị xin phép nộp trước 3 ngày  hoặc vừa nộp vừa phát hành luôn để kịp thời vụ và tránh đĩa lậu. Thông cảm với các nhà sản xuất để du di thời hạn nộp lưu chiểu nhưng cơ quan quản lý đôi khi cũng "chết cháy" vì những sai phạm không kịp điều chỉnh, như trường hợp ca sĩ "hở nội y" hoặc "mỹ nam ngư" trần trùng trục, và mới nhất là Con đường em đi. 

Hiện tại, Cục NTBD và Sở VH-TT TP.HCM vân chưa biết quản lý chuyện này như thế nào cho khả thi. Giải pháp đang áp dụng là phạt và thu hồi sản phẩm vi phạm.

Trở lại chuyện "nửa Tây nửa Ta" đang khá phổ biến trong các album và chương trình nhạc trẻ, có thể thấy sự lạm dụng hơi thái quá tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh) khi đối tượng công chúng đều là người Việt (ngoài một vài album phát hành trên các thị trường nước ngoài, cụ thể như album của nhóm Tam ca Áo trắng hát ca khúc Việt bằng tiếng Nhật, hầu như chưa có album nhạc Việt nào tấn công ra thị trường quốc tế).

Những năm trước, khá "chối tai" phải nghe "Oh baby" trong những ca khúc tiếng Việt, hay khi hát "forget me not" thì ca sĩ lại hát thành "phò, phò...". Tình trạng này nay đã bớt nhưng thời gian gần đây, ở phần giới thiệu ê-kíp thực hiện trong các album, các nghệ sĩ đã thay hoàn toàn "nhà sản xuất" bằng "producer", "nhiếp ảnh" bằng "photographer", "nhà phát hành" là "publisher"...

Ngay cả lời cảm ơn những người đã giúp đỡ thực hiện album, cám ơn người hâm mộ..., ca sĩ cũng "chơi ráo" tiếng Anh, khổ cho những công chúng không học qua lớp "inh lích" nào, đành chịu chết, cũng khổ cho những người vấp tiếng Anh viết lỗi như cắn phải sạn (ngay cả Con đường em đi "nhan nhản" tiếng Anh, vậy mà cũng sai).

Không ai phản đối việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài đặc biệt là ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh trong những trường hợp cần thiết, chưa nói biết sử dụng ngoại ngữ còn là một trong những tiêu chuẩn mới của một thế hệ trẻ văn minh. Có điều việc sử dụng nó lúc nào và ở đâu cũng cần một thứ hơn cả, đó là văn hoá.

 Theo Thể thao - Văn hoá