Bộ phim "1.735km": "Chết" vì quá tự tin?

Người ta hay nói Chết vì thiếu hiểu biết, nhưng giờ đây giới làm phim VN biết thêm một kiểu chết nữa - Chết vì quá tự tin. Cùng với cái chết về doanh thu của phim, cả một hãng phim mới thành lập cũng có nguy cơ bị xóa sổ. Đấy là cái chết của 1.735km, bộ phim đầu tay của hãng phim Kỳ Đồng Productions.

3 tuần chiếu, doanh thu 300 triệu đồng!

So với lịch đăng ký rạp ban đầu, 1.735km đáng lẽ chỉ lấy được rạp 1 tuần ở TP.HCM (do các rạp đều kín chỗ). Song nó đã được ưu tiên ở mức tối đa: 3 tuần chiếu (bình thường các phim ngoại nhập cũng chỉ được trụ lại 2 tuần là thay phim).

Ít có phim VN nào được ưu tiên ngoài rạp như 1.735km - ngay cụm rạp Galaxy cũng “tình nguyện” biến toàn bộ mặt tiền của mình thành bối cảnh trang trí theo chủ đề của bộ phim. Sự ưu ái này chủ yếu xuất phát từ việc 1.735km là một phim VN ra mắt hiếm hoi vào thời điểm chỉ toàn phim ngoại, lại là sản phẩm đầu tay của một hãng phim mới, với một ê-kíp làm phim trẻ tuổi, phần lớn trở về từ nước ngoài, với nhiều hoài bão cống hiến cho nền điện ảnh VN.

1.735km được quảng bá vừa “mưa dầm” vừa rầm rộ từ khi chưa bấm máy đến lúc ra rạp. Nó cũng là bộ phim VN đầu tiên “chiếm lĩnh” cả một diễn đàn điện ảnh trên mạng (moviesboom.com), nơi tác giả kịch bản bộ phim này là thành viên sáng lập, với nhiều lời bình luận ưu ái, thậm chí quá ưu ái.

Ra mắt phim khá “hoành tráng”, kể cả những buổi chiếu hợp tác với các đoàn trường đại học... Phim có đủ cả giám đốc sản xuất Việt kiều, đạo diễn tốt nghiệp Hollywood, tác giả kịch bản đang theo học tại Mỹ, có “chân dài” Dương Yến Ngọc, có “siêu mẫu” Khánh Trình, có nhà sản xuất âm nhạc đắt giá Đức Trí...

Tóm lại, 1.735km được làm theo đúng “tiêu chuẩn” của một hãng phim tư nhân với mục tiêu hướng tới thị trường.

Thế nhưng, sau 3 tuần chiếu, bộ phim đầu tư 4-5 tỷ đồng này chỉ thu về hơn 300 triệu. Theo nhận xét của một chủ rạp, doanh thu của 1.735km thấp “kỷ lục”, một phim “chết đầu nước” -chiếu là biết “chết” liền, cố cũng không thể cứu vãn.

Cũng chính trang web từng khen ngợi hết lời 1.735km, giờ này không thể đừng nói đến sự thất bại này. Có điều, không ai muốn (hay dám) nói đến một sự thực về cái chết của 1.735km - cái chết của sự quá tự tin của người đi phăng phăng trong khi chưa biết đủ và “túi” vẫn còn quá “rỗng”.

Trẻ con, không phải trẻ

Khởi nguồn từ một motif hay (nhưng khá quen thuộc) - sự thay đổi từ một chuyến đi “định mệnh” của hai hoàn cảnh, hai tính cách khác nhau (bộ phim ăn khách hạng nhất thế giới Titanic chẳng qua cũng là một câu chuyện tương tự), 1.735km có nhiều chi tiết dí dỏm, nhiều mẩu đối thoại thú vị, đời sống, nhiều cảnh quay đẹp, nhiều diễn viên xinh, thời trang, nhiều bài hát bắt tai...

Nhưng chúng kết dính với nhau thì dở tệ, như một ngôi nhà xây không vữa, không nền móng, xô vào bất cứ đâu là có thể... đổ, chúng không đủ để thuyết phục người xem về một “thay đổi cách mạng” trong tính cách hai nhân vật. Như kiểu bày trò của “trẻ con” chứ không phải là “trẻ” như không ít người nhầm tưởng.

“Trẻ con” bất chấp cả thực tế cuộc sống và văn hóa dân tộc, “tiêu biểu” nhất là chuyện để hai nhân vật một nam - một nữ mới quen ở chung phòng ngủ trong một ngôi chùa với rèm lụa và nến thắp lãng mạn như một khách sạn năm sao (phim này được nhà sản xuất cho biết đang và sẽ gửi tham dự LHP quốc tế, phát hành ra thị trường nước ngoài để giới thiệu về văn hóa VN. Nhưng văn hóa VN được giới thiệu kiểu này thì thật là... hết biết).

“Trẻ con” đưa vào phim những cảnh hài “rất Mỹ”, kiểu như bỗng dưng xuất hiện chiếc xe chở fan Lam Trường hay bỗng dưng xuất hiện một anh chàng ngớ ngẩn làm trò cười mà chẳng ai hiểu là gì (về sau được giải thích trên mạng mới hiểu đấy là anh dân tộc mất chó). Có thể liệt kê ra hàng loạt những chuyện không tưởng như vậy trong 1.735km, nhưng chẳng để làm gì...

Không phải cứ đạo diễn Việt kiều, diễn viên xinh đẹp, quay phim tài năng, nhạc sĩ nổi tiếng..., cộng tất cả lại sẽ thành một bộ phim hấp dẫn. Thiếu “một chút” (thật ra là rất lớn) hiểu biết về thực tế thị trường phim VN, thiếu “một chút” (thật ra là lớn nhất) hiểu biết về văn hóa dân tộc, về thị hiếu người xem...

Cũng tương tự 39o yêu “liều mạng” chuyển từ phim truyền hình sang phim nhựa, chung quy cũng là thiếu “một chút” hiểu biết về kỹ thuật và thể loại. Nhưng giờ đây, trên thị trường điện ảnh cạnh tranh khốc liệt này, thiếu hiểu biết, dù chỉ “một chút” mà cứ đi phăng phăng với sự tự tin, thái quá sẽ đồng nghĩa với thất bại.

Sau thất bại 1.735km, Kỳ Đồng Productions có tiếp tục không? Theo nhiều nguồn tin “ngoài luồng”, ê-kíp hãng đang tan đàn sẻ nghé. Nhưng có thể sẽ lại có những cuộc hội tụ mới, hoặc những cuộc làm lại từ đầu. Vì tất cả những người trẻ ấy, có (ít hoặc nhiều) tài thực và đam mê điện ảnh, chắc chắn sẽ không chịu dừng bước.


Theo Thể thao và Văn hóa