“Biệt động Sài Gòn”: Hợp đồng liên quan đến giường ngủ...
Biệt động Sài Gòn là một bộ phim lớn, thời gian quay kéo dài hơn 3 năm, nên khi ký hợp đồng với các diễn viên, đặc biệt là các diễn viên chính, đạo diễn và đoàn làm phim phải có những hợp đồng ràng buộc khá kỳ lạ.
Ông “trùm tình báo Tư Chung”: Cát sê cao nhất
Có lẽ, trong những điều khoản hợp đồng với các diễn viên, khoản về cát sê là thoáng nhất. Thoáng ở đây có nghĩa là hai bên rất dễ dàng đi đến thoả thuận, không có kỳ kèo thêm bớt gì, vì cát sê không thể quá cao so với các quy định của Nhà nước, mặt khác việc được đóng phim đã là một niềm hạnh phúc lớn của các diễn viên rồi.
Thời đó chưa có video, chưa có nhiều các loại hình văn hoá giải trí khác, nên điện ảnh đứng đầu các môn nghệ thuật. Rất nhiều diễn viên được đổi đời vì điện ảnh.
Không kể diễn viên thì trong đoàn làm phim, cát sê của đạo diễn Long Vân và biên kịch bao giờ cũng cao nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Long Vân cũng không nhớ mình đã được bao nhiêu tiền, chỉ biết tàm tạm đủ tiêu trong cuộc sống hàng ngày. “Thỉnh thoảng từ trường quay (Sài Gòn) về Hà Nội, tôi cũng chỉ mua được cho con vài thứ đồ chơi nhỏ từ tiền cát sê. Thậm chí sau khi làm phim, tôi còn nợ Nhà nước một khoản ứng trước để chi tiêu, mãi sau mới trả hết” - Đạo diễn Long Vân nhớ lại.
Bù lại, kinh phí làm phim lo đủ ăn uống cho tất cả diễn viên trong suốt hơn 3 năm ròng. Mỗi bữa, một diễn viên được 5.000đ (tương đương 15.000đ bây giờ) tiền ăn. Vì thế cũng có người tự tổ chức nấu ăn chứ không ăn ở ngoài, để tiết kiệm thêm chút đỉnh, nhằm khi rảnh thì nam có tiền uống tách cà phê, nữ có tiền mua son phấn loại rẻ.
Trong số diễn viên, cát sê của nghệ sĩ Quang Thái cao nhất, vì khi đó ông đang là diễn viên có tiếng trên sân khấu kịch. Sau 23 năm đóng phim, bây giờ Quang Thái cũng không nhớ nổi là mình được bao nhiêu tiền. “Không đáng kể đâu nên chẳng ai để ý làm gì” - ông nói.
Thương Tín - Tiêu xài gấp trăm lần cát sê
Với tất cả những nghệ sĩ ở miền Bắc vào TPHCM đóng phim, thì dẫu sao, mức cát sê ấy cũng tiềm tiệm, đảm bảo ổn định cuộc sống và bữa ăn có miếng thịt, miếng đậu. Nhưng đối với anh chàng lãng tử hào hoa như Thương Tín (vai Sáu Tâm) thì mức cát xê ấy chỉ như “muỗi đốt gỗ lim”.
Thương Tín không quan tâm một chút nào đến cái khoản tiêu vặt nhỏ nhoi đó. “Thương Tín ấy à? một ngày cậu ấy tiêu gấp trăm lần tiền cát xê được trả. Thỉnh thoảng lại thấy có ô tô đến đón cậu ấy đi ăn, chơi. Nhiều lúc cậu ấy tự mượn ô tô lái đến chỗ làm phim rủ mọi người đi ăn nhậu tơi bời khói lửa” - đạo diễn Long Vân cho biết.
Sau này, nhắc lại việc tiêu xài của mình thời kỳ đó,Thương Tín kể: “Thời đó nghề tôi đam mê không nuôi nổi tôi. Thường đóng một bộ phim, tôi nhận 1 chỉ vàng nhưng lại tiêu hết 2-3 cây vàng. Một người bạn quá cố của tôi nói: “Người ta đóng phim mới có tiền, đằng này mình có tiền mới đóng phim được”. Sở dĩ tôi đóng được nhiều phim mà vẫn tiêu xài như thế được vì sau khi ly dị xong đã có một phụ nữ rất giàu yêu tôi. Mỗi lần trong ví tôi hết tiền, cô ấy lại bỏ vào. Có lần cô ấy hỏi tôi thích gì, tôi nói chẳng thích gì cả. Nhưng chiếc xe hơi chạy qua, tôi nhìn theo. Hai hôm sau đã thấy chiếc xe đó nằm trong nhà mình.
Nghệ sĩ sống cực khổ, còn tôi thì tiêu tiền như nước. Không bao giờ tôi bước vào quán mà thiếu tiền. Nghệ sĩ miền Bắc vào Nam đóng phim, thấy tôi đi xe hơi đắt tiền, họ nhìn như vật thể lạ vậy”.
Điều khoản hợp đồng liên quan đến... giường ngủ diễn viên
Một điều khoản được coi là xuất hiện trong tất cả các hợp đồng với diễn viên trong tất cả các bộ phim, là diễn viên phải nghiên cứu kỹ kịch bản và tuân thủ chính xác giờ giấc đoàn làm phim đặt ra. “Hồi đó bệnh ngôi sao chưa phổ biến như bây giờ. Diễn viên ngày ấy được làm phim là quý lắm, thấy thiêng liêng lắm, nên ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng đề phòng là chuyện không bao giờ thừa. Tuy nhiên, điều phải đề phòng cẩn thận nhất lại là chuyện khác, chuyện đó liên quan đến... giường ngủ của diễn viên. Điều khoản này cảnh cáo các ông chồng diễn viên không được... làm ẩu và các diễn viên nữ không được... dễ dãi” - đạo diễn Long Vân hóm hỉnh.
Thì ra, tất cả các nữ diễn viên đều phải cam kết trong hợp đồng là không được... có bầu trong thời gian quay phim. Đối với các phim khác, do thời gian làm phim ngắn, nên vấn đề này gần như ít được đặt ra, nhưng một bộ phim tiền tỉ, thời gian thực hiện kéo dài suốt hơn 3 năm, thì điều cam kết này cực kỳ quan trọng. Chỉ cần một nữ diễn viên chính có bầu thì nguy cơ phải thay diễn viên hoặc phải sửa kịch bản là điều dễ xảy ra. Và như vậy công sức của cả đoàn làm phim bao nhiêu người, có thể bị dừng lại bất cứ lúc nào.
Diễn viên Thanh Loan trong vai Ni cô Huyền Trang và diễn viên Thuý An trong vai người yêu Sáu Tâm - hai nhân vật chính - càng là những người phải tuyệt đối tuân thủ cam kết này. Lúc đó, Thanh Loan đã có 2 con và chồng thì đi nghiên cứu sinh ở Đức, nhưng “biết đâu đấy, nếu anh chồng về thăm đột ngột sau nhiều ngày xa cách, nhớ nhung... thì ai biết chuyện gì xảy ra? Chúng tôi là cứ phải ràng buộc chắc như đinh đóng cột!” - Đạo điễn Long Vân cười nói.
Còn với diễn viên Thuý An, khi đó mới cưới đạo diễn Hồng Sến (đạo diễn phim Cánh đồng hoang nổi tiếng), thì “nguy cơ bầu bí” là rất lớn. “Mà hồi đó phương tiện tránh thai đơn sơ lắm, đâu như bây giờ” - đạo diễn Long Vân hóm hỉnh kể tiếp - “Ấy thế mà lo lắng đó lại thành hiện thực mới chết chứ! Tôi chơi với anh Hồng Sến nên khi mời Thuý An vào vai, tôi phải bảo hai vợ chồng ký vào đơn là không được có con trong thời gian quay phim.
Ấy thế mà quay được nửa phim thì đùng một cái, Thúy An có bầu. Dĩ nhiên kịch bản phải sửa lại. Tôi tức quá mắng cho cô ấy một trận nên thân và đành phải khắc phục bằng cách chỉ quay từ ngực Thuý An lên. Trong kịch bản trước đây có cảnh cô ấy đi đi lại lại trước khách sạn Caraven để đánh lừa lính ngụy, nhưng vì cái bụng lùm lùm nên cảnh này phải bỏ, thay bằng cảnh ngồi nói chuyện. Thế thì mới giấu được cái “tác phẩm nồng nhiệt” của hai vợ chồng cô ấy.
Theo Gia Đình & Xã Hội