“Bệnh viện ma”: Trấn Thành "kịch hoá" nhân vật, Hari Won lệch "tông"
(Dân trí) - “Bệnh viện ma”, bộ phim từng bị xem là “nguyên cớ” của chuyện tình cảm đầy ồn ào giữa Trấn Thành và Hari Won đã ra rạp đúng vào tháng 4 sau một lần trễ hẹn. Bộ phim là dự án đầu tay của đạo diễn trẻ Võ Thanh Hòa. Dù mới ra mắt nhưng bộ phim đã để lộ nhiều hạn chế trong cách xây dựng nhân vật và cách sắp đặt tình tiết.
Bộ phim đầu tiên về người bị đa nhân cách
Bộ phim có tiêu đề là “Bệnh viện ma” nhưng lại vẽ nên bức tranh cuộc sống của một người bị đa nhân cách (có nhiều nhân cách cùng tồn tại trong một cá thể hay còn gọi là rối loạn đa nhân cách) qua những lát cắt công việc, tình yêu, cuộc sống…
Nhân vật chính là Thành (Trấn Thành thủ vai), chàng sinh viên y khoa mới ra trường. Cậu đến xin việc tại bệnh viện An Tâm, một bệnh viện không chỉ nổi tiếng về độ vắng vẻ vì những tin đồn ma quỷ mà còn có những con người kỳ quặc. Mặc dù, ngay khi đặt chân đến bệnh viện này cậu đã gặp phải những con người kỳ quặc như: ông bảo vệ Thắng (Chiến Thắng), cô lễ tân Trang (Thu Trang), giám đốc Phúc (Hoàng Phúc), y tá Tân (Tiến Luật), y tá Hằng (Hari Won)… và đã được cảnh báo xa nhưng anh chàng này vẫn quyết tâm đến làm ở đây. Công việc của cậu là trực bệnh nhân cấp cứu ca đêm trên tầng 4.
Tại đây, cậu bắt đầu chứng kiến những câu chuyện “sởn gai ốc” liên quan đến hồn ma của một phụ nữ bị chết oan vẫn thường hiện về để “báo thù” vào lúc 2 giờ sáng. Phát hiện ra những dấu hiệu khả nghi quanh cái chết của người phụ nữ này, Thành cùng Hằng đã âm thầm tìm lại hồ sơ pháp y và những nhân vật có liên quan để điều tra.
Kết quả cuối cùng, Hằng phát hiện Thành chính là con đẻ của người phụ nữ "hồn ma" và việc Thành xin vào bệnh viện làm là để trả thù những người trong bệnh viện này vì cậu nghĩ chính họ đã gây nên cái chết oan uổng cho mẹ mình. Kết phim là cảnh Hằng đến thăm Thành và chết lặng khi chứng kiến cảnh Thành vật vã với những giằng xé nội tâm của một người bị đa nhân cách trong khung sắt nhà giam. Và nguyên nhân khiến Thành bị rối loạn đa nhân cách là vì phải trải qua những chấn động tâm lý quá khủng khiếp trong cuộc đời.
Nhân vật chính nhiều nét giống phim Hàn
Đối với màn ảnh Việt thì đây là bộ phim đầu tiên gắn về người bị đa nhân cách. Tuy nhiên, trên thế giới, nhất là với xứ sở Kim Chi thì những bộ phim như thế này từng là một “trào lưu”. Đã có thời, giới trẻ xứ Hàn từng sốt xình xịch với những anh chàng điển trai trong “Good Doctor”, “It’s Okey, That’s Love”, “Kill Me Heal Me”, “Jekyll & I, do”... Hình ảnh nhân vật Thành trong “Bệnh viện ma” có nhiều nét khá giống với Goo Seo Jin (Hyun Bin) trong “Jekyll & I, do”.
Cả hai anh chàng này đều do những tổn thương thời thơ ấu khiến bản thân phải lâm vào tình trạng rối loạn đa nhân cách. Một mặt, hai anh chàng này đều là chàng trai điển trai, lịch lãm, tốt bụng với tất cả mọi người… nhưng mặt kia lại là con người lạnh lùng, tàn nhẫn… Tuy nhiên, nếu trong “Jekyll & I, do”, sự xuất hiện của HaNa (Han Ji Min) với tình yêu chân thành đã giúp anh Goo Seo Jin trung hoà được hai nửa đối lập trong con người mình và dần trở lại bình thường thì trong “Bệnh viện ma” đạo diễn lại để cho nhân vật “bơi” trong bi kịch của chính mình.
Có thể vì ngay từ đầu đạo diễn Võ Thanh Hòa đã cố gắng tháo gỡ những thắt nút trong phim theo thuyết nhân quả của nhà Phật nên cuối phim buộc lòng phải để cho nhân vật như vậy. Nếu đây đúng là ý đồ của đạo diễn thì rõ ràng cách xử lý hình ảnh và thông điệp “hãy cảm thông với người đa nhân cách, xem họ như người bình thường” đã không ăn nhập gì với nhau.
Điều đáng khen ngợi của “Bệnh viện ma” đó là đạo diễn đã rất khéo léo giấu giếm chủ đề chính của phim thông qua một câu chuyện khá hấp dẫn. Dù bối cảnh câu chuyện khá hẹp, chủ yếu xoay quanh bệnh viện An Tâm nhưng các nhân vật đều có nguyên cớ để xuất hiện một cách hợp lý và có “đất” để diễn. Ngoài ra, đã diễn cũng đã khá khéo léo khi vận dụng nhiều thể loại như: kinh dị, tâm lý, hài hước, hành động võ thuật… để đa dạng hoá màu sắc cho phim nên bộ phim dễ cuốn hút người xem hơn. Âm thanh, ánh sáng và khung hình trong nhiều phân đoạn được đầu tư khá kỹ. Nó mang đến cho người xem cảm giác được trải nghiệm khi xem phim.
Trấn Thành “kịch hoá” nhân vật
Trước hết phải kể đến đó là vì đạo diễn quá tham khi ôm đồm cùng lúc nhiều thể loại trong một bộ phim nên mạch phim nhiều chỗ bị lê thê, tình tiết cũng thừa thãi, thiếu sự chặt chẽ. Chẳng hạn, đoạn Thành đối thoại với lễ tân Trang khi đến nộp hồ sơ; đoạn Trang soi gương trong phòng thay đồ, đoạn Thành gặp lại mẹ trong song sắt… Đoạn Thành gặp lại mẹ trong song sắt lời thoại lại quá thừa thãi. Giá như lúc đó nhân vật chỉ cần gọi đúng một tiếng “mẹ ơi” thật thảm thiết, còn lại thể hiện máy zoom cận cảnh mặt nhân vật để toát lên nỗi khát khao tột độ của một thanh niên bị mất mẹ sẽ khiến cho chi tiết đắt giá hơn nhiều.
Bên cạnh đó, nhiều chi tiết trong phim bị cường điệu hoá quá mức dẫn đến phi lí, thiếu tính logic. Đoạn Thành dẫn Hằng đi ăn ở đầu phim, khi thấy Thành bị dính tương ớt quanh mép liền đưa tay lên lau là hơi phi thực tế. Thứ nhất, họ đều đang là những người trẻ lại sống lâu năm ở thành phố nên không thể có thói quen mất vệ sinh như thế. Thứ hai, chẳng ai lại dùng tay lau tương ớt trong khi hộp giấy lau để ngay bên cạnh. Thứ ba, cả hai đều là dân học ngành Y ra, một ngành mà ai cũng coi trọng vấn đề vệ sinh khi ăn uống thì việc đó cũng khó lòng có thực. Rồi Thành nói sẽ dẫn Hằng đến một nơi chưa bao giờ đến, cứ ngỡ đó sẽ là nơi nào lãng mạn lắm thì hoá ra là trung tâm vui chơi giải trí. Mới quen chưa được hai ngày mà Thành dám nói đó là nơi Hằng chưa bao giờ đến có vẻ như Thành hơi xem thường Hằng.
Tiếp theo là chi tiết ngày khi Thành nghe tiếng động đang đi về phía mình liền lấy một thanh kim loại ra để tự vệ nhưng khi vừa đưa lên để tấn công con ma thì bị vướng vào ổ điện và bị điện giật rất mạnh. Điện giật mạnh là thế nhưng cậu không hề hấn gì và Hằng lúc đó chứng kiến Thành bị điện giật vẫn bình tĩnh đứng quán sát. Điều này rất phi thực tế.
Rồi chi tiết Thành đang làm việc thì thấy hồn ma hiện về, lúc này cậu liền chạy ra nhà kho, được lúc sau thì tỉnh lại. Theo thói quen, nếu tỉnh lại cậu sẽ quay lại phòng làm việc ngay thì cậu lại đi thẳng vào nhà kho. Tại đây, trong tâm trạng đang sợ ma, đáng ra cậu có thể bật đèn lên để bớt sợ thì cậu lại không bật đèn mà lần mò trong đó. Đó là chưa kể đến, trước đó khi nhìn thấy bóng dáng hồn ma lởn vởn trước mặt cậu sợ run bắn mình lên nhưng không hiểu sao chưa kịp để nỗi sợ lắng xuống thì cậu đã có thể ngủ ngay để mơ một giấc mơ khủng khiếp.
Phi lí hơn cả là Thành có gia cảnh rất nghèo, mẹ buôn thúng bán mẹt, ở trong khu nhà ổ chuột… nhưng lúc nào cậu cũng đầu tóc bóng loáng, quần áo “hip hop”, giày hàng hiệu như một công tử nhà giàu. Cả cái hình ảnh Thành kéo vali kéo chia tay người mẹ trong xóm trọ ổ chuột lên thành phố học cũng rất “chối tỉ”. Đây là hình ảnh gây phản cảm và tranh cãi nhiều nhất phim.
Về vai diễn của Trấn Thành, ở 2/3 phần đầu của bộ phim, cậu khiến người xem có cảm giác chưa thật sự nhập vai. Những đoạn này Thành vẫn mang lối diễn hài “lố” của kịch vào phim. Người ta có cảm giác Thành đang gồng để diễn cho tròn vai chứ không phải diễn vì đã cảm hết nhân vật. Ngoài ra, trong suốt phim, miệng Thành lại luôn phát ra những câu nói vô nghĩa: “Bậy, bậy quá nha”. Chỉ đến phần sau, khi Thành giằng xé với những nỗi đau của một người bị rối loạn đa nhân cách thì cậu mới thực sự đưa được nhân vật của mình về gần với khán giả. Ở đoạn này, cậu diễn xuất nội tâm khá tốt.
Hari Won, vai diễn gây nhiều tò mò nhất của phim cuối cùng lại là vai diễn mờ nhạt nhất. Cách đạo diễn để cho Hari Won đóng vai y tá Hằng nhưng lại nói bằng tiếng thật của cô xem ra đã phản tác dụng. Những đoạn hội thoại của Hằng trong phim không những rất khó nghe mà còn khiến cho Hằng bị lệch ra khỏi dàn diễn viên trong phim cũng là những nhân vật trong mắt xích của một câu chuyện. Đó là chưa kể, biểu cảm khuôn mặt của Hằng đôi lúc bị đơ, cách diễn hơi một màu.
Hà Tùng Long