1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Vở kịch "Tiếng chuông chùa":

Bề bộn như đời sống

Đèn từ từ tắt. Tiếng chuông chùa buồn bã đều đều ngân vang… Một kết thúc buồn bã như chính âm thanh vang vọng đánh động vào tâm tư mỗi con người.

Vợ một ông Giám đốc Công an lại khoác áo nâu sòng để vào chùa sám hối cho những việc chồng mình đã làm mà theo bà đó là "lỗi lầm" - bắt giam hai cha con ân nhân đã từng cứu mạng bà, vì những việc làm trái luật pháp của họ... Một kết cục bất ngờ bởi lâu nay cái thiện luôn thắng cái ác, sau khi bọn tội phạm tra tay vào còng là hàng loạt tiếng thở phào nhẹ nhõm. Công lý đã được thực thi. Nhưng trong Tiếng chuông chùa (kịch bản: Nhà văn Hữu Ước; đạo diễn - Nguyễn Thu Phương; Đoàn kịch Trường Sân khấu Điện ảnh TPHCM biểu diễn), sau tiếng thở phào ấy còn chất chứa biết bao tâm tư, trăn trở của cuộc sống hôm nay.

 

Thế mạnh kịch thời sự, bám sát hơi thở cuộc sống, cập nhật diễn biến, hiện tượng xã hội dư luận đang quan tâm của tác giả Những khoảnh khắc mong manh, Vòng đời, Vòng xoáy… lần này lại được tiếp tục thể hiện trong Tiếng chuông chùa. Một vụ án không chỉ nhập nhằng, khuất tất về kinh tế, lạm dụng chức quyền, vun vén cá nhân mà còn luẩn quẩn, nan giải bởi nhiều thứ tình trong ấy. Tình giao kết nhiều năm, ơn nghĩa giữa hai gia đình, một là gia đình của Giám đốc Công an thành phố Vũ Đức với gia đình Giám đốc Sở Thương mại Trần Cảnh. Chính ơn nghĩa thâm sâu này mà bà Tâm (vợ ông Vũ Đức) đã đồng ý gả con gái Lệ Hằng cho Trần Hoạt (con trai Trần Cảnh) bất chấp sự phản đối của chồng.

 

Người ta không nên dựa vào quyền lực tiền bạc và mối quan hệ quen biết với những người có thế lực để trốn tránh pháp luật. Sống trong một xã hội đang vươn tới sự hoàn thiện với một nền dân chủ, công bằng và văn minh, con người muốn tồn tại được thì phải có cái tâm trong sáng… (lời tựa của tác giả nhà văn Hữu Ước).

Cũng từ ơn nghĩa này mà cha con Trần Cảnh, Trần Hoạt đã lạm dụng nó để mưu cầu tư lợi. Trần Hoạt đã dựa hơi cha lập nhiều đường dây chạy quota cho các công ty, doanh nghiệp để ăn “hoa hồng”, lợi dụng tình cảm của Lệ Hằng làm bức bình phong cho những vụ làm ăn phi pháp, mối quan hệ tình ái với nàng hoa hậu Quỳnh Nga. Và thêm một lần nữa, ơn nghĩa đã khiến Giám đốc Công an  thành phố Vũ Đức phải có sự chọn lựa giữa tình và luật pháp khi chồng đơn tố cáo những người rất thân thiết với gia đình mình ngày càng dày lên....

 

Chất đời của Tiếng chuông chùa chính là ở đây. Mỗi nhân vật trong kịch bản (và cả trong đời thật) đều có tốt, có xấu, có đúng, có sai. Chính Vũ Đức, khi quyết định phá vụ án này đã trải lòng mình trước Ban chuyên án: "Tôi không dám nhận mình trong sáng như gương bởi vì tôi cũng chỉ là một con người bình thường với những điều tốt xấu, đúng sai, hay dở…". Như Trần Cảnh bằng tình bạn đã sẵn sàng lo toàn bộ chi phí đưa bà Tâm sang Singapore chữa bệnh nan y; Trần Hoạt chạy vạy cho Lệ Hằng đi du học ở Australia, lo việc làm với mức lương cao.

 

Một hoa hậu ý thức và biết tận dụng sắc đẹp của mình để có tất cả những gì mình cần cũng có lúc thẽ thọt rằng "Dù là một hoa hậu thì em cũng chỉ như bao nhiêu cô gái khác mà thôi. Em luôn ao ước sẽ có được một mái ấm êm đềm, hạnh phúc cho mình với một người chồng hết lòng yêu thương em…".

 

Và ngay như Vũ Đức - hình tượng một người chiến sĩ Công an được tôn vinh, đã nói với con gái mình: "Ba không thể làm khác bởi vì đó là bổn phận của người cầm cân nảy mực. Đã làm việc đời thì phải công bằng, quang minh, chánh trực. Ăn lương của dân phải biết lắng nghe lời dân nói, hành động cho hợp lòng dân". Song, hình ảnh ấy vẫn không thể hoàn hảo được, bởi rõ ràng Vũ Đức chưa tìm được giải pháp vẹn toàn, đã thấu lý nhưng chưa đạt tình, để cuối cùng vợ phản kháng bằng cách bỏ gia đình đi tu…

 

Không bôi đen, không thần thánh một nhân vật nào, cũng không có đúng sai, không ủng hộ hay phê phán mà chỉ đơn giản để khán giả xem và tự nhận biết - đó là ngụ ý của tác giả gửi gắm trong Tiếng chuông chùa.

 

Theo Hạnh Chi

Công An Nhân Dân