“Bẽ bàng” vì đòi tiền tác quyền các bầu show
(Dân trí) - “Buồn tủi và bẽ bàng” là những từ nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc miêu tả về vấn đề thu tiền bản quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam. Theo ông, hầu hết các bầu show dùng chiêu “lách luật, lươn lẹo và…dìm giá!”.
Chiều ngày 15/11, phía Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC ) công bố trước báo giới liveshow Chế Linh ngày 12/11 vừa rồi còn nợ 90 triệu đồng tiền bản quyền tác giả.
Theo thống kê sơ bộ của VCPMC, trong số khoảng 400 buổi biểu diễn đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VH,TT&DL Hà Nội cấp phép trong 11 tháng qua, chỉ có 42 đơn vị tổ chức biểu diễn hoàn thành nghĩa vụ tác quyền, chiếm tỉ lệ 10%. Đa số các bầu show đều dùng chiêu “lách luật, lươn lẹo và… dìm giá!”.
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, ngoài con số ít ỏi các chương trình chịu nộp tiền tác quyền, còn lại hầu hết các bầu show sử dụng 3 hình thức sau để đối phó. Thứ nhất là phớt lờ hoàn toàn, không đến VCPMC và coi như việc nộp tiền không phải nghĩa vụ của mình. Thứ hai là đến VCPMC nhưng đưa ra một mức giá thấp không chấp nhận được. Thứ ba là, có đến trả tiền tác quyền nhưng trả 3 bài thì hát 10 bài; xin trả tiền tác quyền 3 buổi biểu diễn thì trên thực tế biểu diễn… 30 buổi khắp Hà Nội.
Cũng theo vị nhạc sĩ đứng đầu VCPMC này, một số bầu show còn “quái chiêu” hơn khi đến Trung tâm nhưng cố tình đưa ra mức giá bèo bọt rồi “lặn một hơi” không quay trở lại. Số khác lại đến VCPMC giờ tan sở, khoảng 6- 7 giờ tối rồi sau này bị nhắc nhở lại “giở bài” “chúng tôi đã đến Trung tâm thực hiện vấn đề bản quyền tác giả nhưng chưa thống nhất được”. “Nhiều người trong số họ đến Trung tâm chỉ để lấy danh nghĩa chống chế là đã đến và chưa thống nhất mức giá”, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết.
Bên cạnh việc phải “nhẫn nhục” trước bầu show, đối phó với sự chây ì, lươn lẹo của họ; thì phía VCPMC cũng “đau đầu” trước sự cà nể, không nhất quán của một số tác giả âm nhạc. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói, dù đã ủy quyền cho Trung tâm nhưng khi có bầu show “xin” có tác giả vẫn gật đầu dẫn đến làm khó cho Trung tâm trong cách xử lý. Đơn cử trường hợp của ca sĩ Chế Linh, thông qua con trai ông đã ủy thác tác quyền cho VCPMC; tuy nhiên với hai đêm biểu diễn tại Hà Nội ông lại làm việc trực tiếp vấn đề tác quyền với đơn vị tổ chức.
Nhưng theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, điều đáng nói nhất lại thuộc về trách nhiệm của các cơ quan cấp phép. Cách làm việc chồng chéo, làm mất mặt nhau của các cơ quan chức năng trong việc cấp phép đang khiến dư luận xôn xao, bàn tán. Vô tình hoặc cố ý, các cơ quan cấp phép đang đứng về phía các đơn vị cố tình vi phạm pháp luật bằng cách bật đèn xanh cho các chương trình biểu diễn khiến VCPMC cũng như nhiều tác giả hoang mang.
“Hàng chục công ty tổ chức biểu diễn vi phạm tác quyền nhưng vẫn được cấp phép. Đến Sở VH, TT&DL còn không làm được gì nữa là trung tâm nhỏ bé của chúng tôi. Đưa ra tòa thì rắc rối vô cùng nên chúng tôi chỉ còn biết kiến nghị, phản ánh bằng văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền”, nhạc sĩ Phó Đức Phương thể hiện sự ngao ngán.
Nguyễn Hằng