BCH Hội điện ảnh Việt Nam giải thích về chuyện “2 cánh diều vàng”...

Trước những thông tin của một số thành viên ban giám khảo (BGK) cho rằng có sự gian lận trong kết quả chấm giải, những thành phần chủ chốt của Hội Điện ảnh Việt Nam đều đã có mặt để trả lời chất vấn trong cuộc họp báo vào hôm qua.

Ông Trần Luân Kim nói:

 

- Điện ảnh trong nước đang rất khó khăn, đã vậy anh em làm nghề lại có tư tưởng phân hóa: nghệ sĩ làm phim nhà nước thì kêu phim tư nhân và ngược lại. Chúng tôi cố gắng làm “chiếc xe thồ”, ôm tất cả mọi người làm phim theo mọi khuynh hướng và đẩy đi. Nhưng quả thật, cân bằng được tất cả lợi ích của các bên là rất khó.

 

Thưa ông, tại sao kết quả của các giải thưởng bao giờ cũng được giữ kín, nhưng bao giờ cũng vẫn lộ ra trước, đến mức trước khi trao giải vài ngày đã có báo đưa tin đúng đến từng giải phụ?

 

Nguyên tắc bao giờ cũng phải giữ kín, nhưng cuối cùng bao giờ cũng bị lộ. Bị lộ có thể do nhiều nguồn: do các thành viên hội đồng giám khảo, do khâu in ấn, do bên truyền hình (vì phải báo trước để họ chuẩn bị chương trình). Nhưng tôi rất buồn giải thưởng năm nay bị lộ là do các thành viên BGK, những người được tín nhiệm nhưng lại đưa ra trước công luận những ý kiến của mình và đồng nghiệp bàn bạc trong những cuộc họp nội bộ.

 

Có lẽ sau này phải có một qui chế và đề nghị các thành viên BGK ký vào đó trước khi tham gia. Việc này không vui chút nào nhưng vẫn phải làm, vì có vậy mới bảo đảm được bí mật, sự bí mật này mang lại sự vui vẻ cho những người dự lễ trao giải và cho cả khán giả nữa.

 

Thành phần chủ chốt của Hội Điện ảnh Việt Nam gồm chủ tịch Trần Luân Kim, phó chủ tịch thường trực Đặng Xuân Hải, phó chủ tịch Nguyễn Khải Hưng, ủy viên BCH kiêm chủ tịch hội đồng giám khảo phim truyện nhựa năm nay Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Dù kết quả đã lộ trước như vậy nhưng thưa ông, tại sao vẫn có những giám khảo ngạc nhiên đến mức phẫn nộ khi công bố kết quả: có hai giải vàng thay vì chỉ một cho Hà Nội, Hà Nội?

 

Có thể có người ngỡ ngàng thật, vì khi BGK họp với nhau, mọi người cùng nêu ý kiến của mình để thảo luận, nhưng đó chỉ là ý kiến bằng miệng, sau đó mỗi người viết sự lựa chọn của mình vào một phiếu và bỏ phiếu kín. Kết quả là ở trên giấy chứ không phải ở ý kiến phát biểu. Có thể có những vị giám khảo giao kèo với nhau, nhưng ban tổ chức mới là người quyết định cuối cùng. Tôi cũng rất lấy làm lạ là họ ngạc nhiên đến mức phẫn nộ. Có thể họ không đồng ý, nhưng cũng phải tôn trọng những người có ý kiến khác trong hội đồng chứ.

 

Dư luận cho rằng đã có 5/9 phiếu bỏ cho Hà Nội, Hà Nội và chỉ có 4 phiếu bỏ cho Áo lụa Hà Đông, nhưng kết quả cuối cùng của ban tổ chức lại không trùng với đánh giá của BGK?

 

Khi BGK chấm xong, kết quả sẽ được tập hợp và được thường vụ Hội Điện ảnh xem xét, nếu kết quả rõ ràng thì thôi, nếu phim đưa lên trái ngược với tình thế tại chỗ, ban thường vụ phải họp (đó là qui định chung không chỉ của giải này mà của tất cả các giải khác). BGK đã bỏ phiếu, đó là xong phần việc của họ, nếu cần bàn chỉ là ban thường vụ bàn với chủ tịch BGK thôi.

 

Vậy là thường vụ đã được hỏi và đồng ý?

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Chúng tôi đã chọn được bốn phim để đưa ra thảo luận, sau đó rút lại còn hai. Tôi gắn bó về tình cảm với Hà Nội, Hà Nội vì là người duyệt kịch bản từ đầu và là người ký quyết định hợp tác làm phim, nhưng tôi vẫn thuyết phục BGK bỏ phiếu cho Áo lụa Hà Đông vì đó là phim của người VN, trong khi Hà Nội, Hà Nội có đến 2/3 công sức là của các bạn Trung Quốc.

 

Trao giải cho họ nên không trong khi chúng ta đang cần động viên các nghệ sĩ trong nước và kêu gọi xã hội hóa điện ảnh. Bàn thì bàn vậy nhưng kết quả cuối cùng nằm trong lá phiếu, chúng tôi đã làm công tác chuyên môn, đằng sau còn có ban lãnh đạo.

 

Ông Khải Hưng: Anh Kim đề nghị BCH hội ý. Hà Nội, Hà Nội được năm phiếu nhưng đó là phim của Trung Quốc nhiều hơn. Áo lụa Hà đông là phim VN mà lại còn là phim tư nhân, thành phần mà Nhà nước đang rất khuyến khích làm phim. Ở hội đồng phim video của tôi, chúng tôi chấm điểm từ 8,6 đến 9,5 là bạc, 9,5 đến 10 là vàng. Ở bên phim truyện thì chỉ ghi độc một chữ vàng hoặc bạc, không có chỉ số phụ để chấm.

 

Anh Kim thuyết phục: nên khuyến khích nền điện ảnh VN đang rất ọp ẹp, nhất là khối các nhà làm phim tư nhân. Chúng tôi thấy trao thêm một giải vàng cũng không mất gì của ai, mà lại khuyến khích được cả hai: cả đối tác nước ngoài lẫn tư nhân trong nước để họ phấn khích mà tiếp tục làm phim. Nếu chủ tịch hội đồng giám khảo là chị Ngát đã đồng ý rồi thì tôi và anh Hải cũng đồng ý.

 

Như vậy có nghĩa là ý kiến của BCH hội mới là quyết định?

 

Chúng tôi tôn trọng BGK, nhưng chúng tôi có quyền thay đổi một chút. Sự thay đổi này không để vùi dập ai cả, chúng tôi muốn khuyến khích điện ảnh tư nhân trong nước và muốn tất cả đều vui vẻ.

 

Theo Thu Hà

Tuổi Trẻ