Bảo tồn bền vững các khu di sản Việt Nam: nhìn từ cố đô Huế
(Dân trí) – Hội nghị “Bảo tồn và phát triển bền vững di sản thế giới ở Việt Nam, nhìn lại chặng đường 20 năm qua và hướng đến tương lai của di sản Huế” diễn ra sáng 21/9 tại thành phố Huế đã ghi nhận nhiều ý kiến quan trọng về vấn đề bảo tồn di sản.
Gấp rút xây dựng 1 Kế hoạch quản lý tổng thể di sản thế giới tại Việt Nam
Việt Nam đã được Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) xem xét, công nhận 7 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 7 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 3 di sản ký ức và tư liệu, 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 1 công viên địa chất toàn cầu. Theo bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH,TT&VL, trong số những di sản trên, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là danh hiệu cao quý nhất. Cách đây 20 năm, Quần thể di tích Huế (tỉnh TT-Huế) được công nhận Di sản văn hóa thế giới – là di sản đầu tiên của Việt Nam nhận được vinh dự này.
Tiếp đến là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đô thị cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO công nhận. Nếu thiếu vắng các danh hiệu cao quý này, chắc chắn các tỉnh, thành phố sở hữu di sản đã không thể có được bước đột phá về kinh tế - văn hóa – xã hội. Cho nên, tất cả phải cùng nhau gìn giữ, bảo tồn bền vững các di sản quý giá không chỉ tại Việt Nam mà còn là của nhân loại.
Bà Liên đã đề nghị các Khu Di sản cần khẩn trương xây dựng 1 Kế hoạch quản lý tổng thể di sản, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, với mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực di sản. Nguyên nhân là di sản đang đối mặt vói việc xây dựng, cải tạo công trình kiến trúc không theo quy hoạch chuẩn, tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường…
Thành Nhà Hồ, di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam mới được UNESCO công nhận gần đây
Công cuộc trường kỳ phục hồi di tích cố đô Huế
Vì Huế là khu di sản đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 1993. Trải qua 20 năm trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn liền với du lịch vẫn là một câu chuyện thú vị cho nhiều khu di sản khác tham khảo, học hỏi.
Theo ông Krzysztof Jezierski, đại diện Công ty Bảo tồn Di tích lịch sử Ba Lan (PKZ), Ba Lan đã tuyên bố hỗ trợ bảo tồn cho Việt Nam vào năm 1980. Nhớ lại nhiệm vụ đầu tiên do KTS Kazimierz Kwiatkowski Kazik là đến thu thập tài liệu ảnh của Ngọ Môn Huế năm 1981. Rồi KTS Andrzei Misiorowski, người được UNESCO mời đến Huế giúp tư vấn, hoàn thiện hồ sơ di tích Huế đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới.
Đến nay, các chuyên gia Ba Lan đã đào tạo bảo tồn cho nhiều chuyên gia tại Huế. Những tấm bia Thị Học, bia Bảo Sơn, bia Tự Đức, bức tượng Kỳ Lân trước cửa Hiển Nhơn và Hiển Lâm Các, 8 bức tượng quan lại và tướng đứng trong sân chầu của bia Tự Đức được khôi phục, ngăn chặn sự phát triển của rêu mốc… có dấu ấn của Ba Lan giúp cho Việt Nam học, hiểu rõ về bảo tồn nguyên vẹn.
Quần thể Di sản cố đô Huế với rất nhiều cung điện, đền đài, lăng tẩm - là địa phương đầu tiên tại nước ta được công nhận di sản thế giới
GS.TS. Takeshi Nakagawa, Giám đốc Viện Di sản Waseda (Nhật Bản) khi đến Huế vào tháng 7/1991 với tư cách là cố vấn của UNESCO chứng kiến những gì còn lại của phần sân trung tâm Tử Cấm Thánh là nền đổ nát của một cung điện sụp đổ và sân cỏ dại mọc um tùm. “Nhưng khi nhìn vào hiện trạng, điều cơ bản tôi nghĩ đến là có thể trùng tu diện mạo ban đầu công trình gồm các họa tiết trang trí ở Ngọ Môn và Điện Thái Hòa nằm ở trục chính của Hoàng thành Huế. Hiển Lâm Các được xây dựng bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trong số tất cả công trình cung điện tại Huế mặc dù có nhiều đổ nát và hư hỏng.
Quan điểm này cũng áp dụng cho các ngôi mộ hoàng gia. Bản năng đã mách bảo với tôi rằng bằng cách kiên trì kết nối các yếu tố cơ bản ở mỗi công trình, điều này có thể tìm ra được dấu tích lịch sử của các công trình cung điện ở Huế với một mức độ chính xác nhất định” – TS Takeshi tâm sự.
Lăng Minh Mạng với kiến trúc, cảnh quan đẹp tuyệt vời thuộc Quần thể di tích cố đô Huế
Hiện, công trình dựng lại điện Cần Chánh, ngôi nhà quan trọng bậc nhất dành cho vua nghỉ ngơi, sinh hoạt – cung điện đã biến mất hoàn toàn do chiến tranh đang được TS Takeshi đứng đầu thực hiện. Rất nhiều công việc tiến hành, lật lại từng dữ liệu cũ, so sánh với dữ liệu hiện có, đối chiếu công trình dinh thự đang tồn tại, kết hợp khai quật thám sát để đưa ra một góc nhìn toàn diện của công trình này đang được tiến hành. Dự kiến sẽ làm “tái sinh” điện Cần Chánh với mức độ chi tiết nhất.
Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam, các dự án di tích Huế được tuân thủ theo kiểu “tu bổ thích nghi” tức là gia cường kéo dài tuổi thọ, kết hợp tạo ra chức năng để di tích có được vị trí trong đời sống xã hội.
Nhiều đại biểu đến từ các khu di sản, các nhà chuyên môn, Bộ ban ngành liên quan đã có mặt, góp ý kiến tâm huyết tại Hội nghị
Ví dụ như Duyệt Thị Đường được tạo thành không gian văn hóa để bảo tồn, thực hành Nhã nhạc Cung đình triều Nguyễn. Quảng trường Ngọ Môn được tôn tạo theo nguyên tắc khoa học, khắc phục tình trạng lầy lội khi mưa lũ, là nơi tổ chức sự kiện văn hóa tiêu biểu là Festival quốc tế Huế, tạo ra nét đặc sắc, hấp dẫn cho di tích. Dãy Trường Lang được phục hồi, nối liền Duyệt Thị Đường và khu vực Cung Diên Thọ tạo thuận lợi cho khách tham quan đi thăm Đại Nội mà không phải ảnh hưởng bởi nắng, mưa dữ dội của xứ Huế.
Giữ gìn nhã nhạc cung đình
Sau 10 năm vào 2003, một di sản phi vật thể nữa của Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và Phi vật thể của nhân loại là Nhã nhạc Huế - âm nhạc cung đình Việt Nam. Vào năm 2002, Rối nước cùng Nhã nhạc Huế được chuẩn bị đề cử cho đợt xem xét năm sau, nhưng do Nhã nhạc nổi lên như 1 trường hợp di sản đặc biệt của quốc gia được nhận dạng đầy đủ các giá trị, đã và đang được bảo vệ khẩn cấp để hỏi sinh, nên UNESCO đã quyết định chọn Nhã nhạc Huế.
Với sự góp sức, cố vấn khoa học của GS.TS. Tô Ngọc Thanh, người có rất nhiều tri thức và kinh nghiệm trong việc nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô huế xây dựng hồ sơ. Vào tháng 11/2003, Nhã Nhạc được UNESCO chính thức công nhận. Nói về giá trị di sản này, UNESCO viết: “Nhã nhạc, âm nhạc Cung đình của Việt Nam được xem như là một phương tiện giao tiếp và bày tỏ lòng tôn kính đến các bậc thần linh và đế vương; mặt khác Nhã nhạc được phục vụ như 1 phương tiện để truyền đạt tư tưởng triết lý về thiên nhiên và vũ trụ của người Việt Nam”.
Nhã nhạc triều Nguyễn - Nhạc cung đình Việt Nam được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể tại Huế
Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Quá trình quảng bá, giới thiệu, gìn giữ Nhã nhạc từ đó đã luôn được tiếp diễn với sự tâm huyết của Huế, Việt Nam. Đầu năm 2004, UBND tỉnh TT-Huế đưa đoàn Nhã nhạc sang tận Paris (Pháp) để trình diễn quảng bá. Tiếp đó là chuyến công du sang Motreil, Marseille, Bruxell… được bà con Việt Kiều và bạn bè quốc tế hân hoan, đón nhận với tình cảm nồng nhiệt.
“Đây là một hồ sơ thể hiện cao nhất tính cộng đồng xây dựng hồ sơ thành công, là điểm sáng để các địa phương khác noi theo. Với chủ thể là Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã xây dựng một mạng lưới gồm nhiều đối tượng cộng đồng xung quanh, là các nhà văn hóa Huế, người dân có quan tâm… Nhã nhạc đã được trở thành di sản thế giới.
Một dự án từ 2006-2008 thực hiện hành động bảo vệ Nhã nhạc được UNESCO tài trợ với sự nhận thức đúng về vai trò của cộng đồng, sự hỗ trợ cộng đồng và liên kết, phát huy cộng đồng bảo vệ di sản hiệu quả. Nhiều nghệ nhân/ các báu vật sống cùng tài năng trong lĩnh vực Nhã nhạc được tôn vinh, hưởng trợ cấp thường xuyên, truyền dạy cho lớp nhạc công trẻ đang thực hành tại Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. 10 năm qua, lớp nhạc công trẻ đã được trao tuyền các ngón nghề, kỹ năng trình diễn, thực hành dược nâng cao. Kèm theo đó, nhiều SV theo học tại trường âm nhạc ở Huế đã có cơ hội tiếp cận với Di sản phi vật thể đầy giá trị này” – TS Lý cho biết.
Nhiều lễ hội xưa (với sự góp mặt không thể thiếu của Nhã nhạc) đã được phục dựng tại Huế sau khi Nhã nhạc được công nhận di sản
Theo ý kiến của GS. Trần Văn Khê, thành viên danh dự của Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, việc phát triển Kiệt tác Nhã nhạc nên phát triển ở những điểm hay, điểm đẹp hơn. Thứ nhất là về hình thức: Trang phục điều chỉnh cho thật giống ngày xưa, nhạc khí được đóng – sửa lại cho đúng ngày xưa như đàn tỳ bà phải có 4 tượng bằng ngà hay bằng xương, đàn nguyệt chỉ có 8 phím trúc thay vì 12 phím như cây đàn nguyệt dùng trong chầu văn; đàn nhị phải có ống bằng gỗ, mặt đờn tròn chứ không phải bát giác như cây nan-hu (Trung Quốc).
Thứ hai, về nội dung. Khi biểu diễn chúng ta phải rất chính xác khi tô điểm chữ nhạc bằng những cách rung, nhấn, mổ. Và phải tôn trọng những chữ “già – non” như trong cổ nhạc. Lúc đàn không phải chỉ lo đàn cho trúng chữ, mà phải tập trung để đàn cho có “thần”.
“Bên cạnh đó, cần tìm trong những bài bản xưa có những bản nào cần phải xây dựng lại. Nghệ nhân khi nắm vững tay nghề có thể sáng tác một vài bàn bản theo phong cách xưa mà diễn tả những tình tiết ngày nay. Riêng việc cho nữ nhạc công vào dàn nhạc phụ họa cho các vũ điệu cung đình, việc đó nên suy nghĩ lại có nên hay không? Chúng ta có thể căn cứ trên những tư liệu ghi trong Lê Triều Hội Điển, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ để dựng lại những dàn nữ nhạc trong cung” – GS Khê tâm huyết bày tỏ.
Di sản là hạt nhân của phát triển kinh tế xã hội
TS. Phan Thanh Hải, GĐ Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, việc khai thác và phát huy giá trị 2 di sản văn hóa thế giới tại Huế thông qua phát triển du lịch là xu thế tất yếu. Nhờ bảo tồn mà Di sản văn hóa Huế đã được quảng bá hình ảnh rộng rãi trên toàn thế giới, góp phần đưa du lịch tại cố đô Huế phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Riêng tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ năm 1996 đến 2012 đã đạt gần 825 tỷ đồng (tính đến 31/8/2012). Doanh thu từ dịch vụ đạt hơn 50 tỷ. Tính đến năm 2012, tổng doanh thu ngành du lịch dịch vụ của tỉnh đạt hơn 2.500 tỷ đồng, chiếm hơn 48% GDP toàn TT-Huế. Đến nay, Huế được đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành 1 trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“20 năm qua thực sự là chặng đường khó khăn gian khổ với rất nhiều thử thách, nhưng gắn liền với các thành tựu to lớn của sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Huế. Trong chặng đường trước mắt, tương lai lâu dài, di sản văn hóa vẫn sẽ là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển của cố đô Huế” – TS Phan Thanh Hải khẳng định.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về việc thành lập Câu lạc bộ các Khu di sản thế giới ở Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó, các khu di sản sẽ cùng sát cánh, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về mặt chuyên môn, nghiệp vụ. Nhằm bảo vệ, phát huy di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được tốt hơn, hướng đến phát triển du lịch bền vững. |
Đại Dương