1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Bảo "lãng tử"

Người ta gọi anh là Bảo “lãng tử”, bởi những chuyến trốn nhà đi “săn” ảnh không kém phần thi vị. Sở dĩ nói vậy, vì đã có lúc nhảy lên tàu đi rồi, anh chàng lãng tử mới gọi điện về nhà, ngọt ngào “trình bày” với vợ: Em ơi, anh đi hơn tháng anh về!...

Vợ anh chẳng biết làm gì hơn nữa, ngoài nụ cười thông cảm với anh rằng, đã đam mê rồi, làm sao có gì ngăn nổi. Với bức ảnh Bên bếp lửa hồng, anh đã phải trải qua bao nhiêu kilômét đường đồi, đèo núi, để lên tới một bản làng nằm trên núi cao. ở đó, chỉ có bốn ngôi nhà quây quần bên nhau. Ba mẹ con người Thái Hoa trông từ xa cứ như ba chị em, tỏ lòng quý khách phương xa, mang mèn mén mời khách. Ông bố còn cho phép mấy cô con gái ra suối cho anh chụp ảnh.

 

Anh đã tham gia rất nhiều cuộc triển lãm, và đạt được một số thành công như: Giải Nhì ảnh Nghệ thuật các CLB Hà Nội (tác phẩm “Cầu nguyện”), Giải Special Prize tại cuộc thi ảnh APO Photo Contest 2002 (tác phẩm “Cô gái H’Mông”), Giải Khuyến khích ảnh Nghệ thuật Hà Nội lần thứ 33 - 2003 (tác phẩm “Nét xưa”).

Anh tâm sự: “Có đi mới biết đất nước mình tươi đẹp, ở đâu cũng như mới bắt đầu. Nhiều lúc ngẫm nghĩ, chuyến đi quả là vất vả. Khi tới những khu rừng, gặp thảo khấu, khéo léo thì qua, không khéo thì chắc bỏ mạng. Tôi tự hỏi mình: Bảo ơi, mày đang ở số 2 Hàng Gai, giữa Thủ đô Hà Nội, tự dưng bây giờ, mày lại ngồi giữa rừng, giữa những người thảo khấu xăm trổ đầy mình, ruồi vàng đốt đầy chân. Để làm gì? Để có một bức ảnh ư? Thế thì mày có vấn đề không đấy?”… Chỉ là ý nghĩ thoảng qua giữa những chuyến đi khám phá, chỉ là chút suy tư vẩn vơ trước sự kiện xảy ra, chứ niềm đam mê luôn thường trực, làm sao Quang Bảo có thể vì chúng mà bỏ đi được. Sống, và tìm hiểu, hòa mình vào cuộc sống như thế, đó là điều quan trọng nhất.

 

Một lần mải lang thang chụp ảnh ở Hoàng Su Phì, anh bị dân quân xã truy hỏi giấy tờ, yêu cầu nếu quên mang theo thì quay về lấy. Khoảng cách giữa chỗ anh đang đứng, tới chỗ lấy giấy tờ xa tít mù tắp. Cuối cùng, anh chấp nhận bị “bắt” về đồn, thu hết đồ nghề. “Lúc đó tôi không hề có một cảm giác sợ hãi, mà chỉ thấy mình đang trong tình trạng vô cùng hài hước, đó là tôi trong vai một "tội phạm"!” - nghệ sĩ Quang Bảo nhớ lại. Cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm qua những chặng đường gập ghềnh khúc khuỷu cốt chỉ để săn những bức ảnh của thiên nhiên, con người ngày càng làm cho anh gắn bó với nhiếp ảnh hơn.

 

Trên đỉnh Mã Phì Lèng thuộc huyện Mèo Vạc, nơi này xưa kia, ngựa chùn chân không dám đi. Người ta phải bịt mắt ngựa, dắt qua núi. Người săn ảnh đứng trên đỉnh núi, cách mặt nước biển 1.500m. Nhìn xuống thấy dòng sông Nho Quế bé như một chiếc khăn luồn giữa hai khe núi, anh chợt rùng mình, chỉ sẩy chân một chút thôi, có thể anh đã nằm ở dưới dòng sông kia.

 

Mặc dù đi nhiều nhưng vì sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nên làm sao Quang Bảo có thể bỏ qua những chủ đề nhiếp ảnh về Hà Nội! Từng con phố, mùa lũ Sông Hồng, đến làng Bát Tràng ngập lụt, anh đều có mặt để ghi nhận những khoảnh khắc Hà Nội. Không chủ đề to tát, không gượng ép, người Hà Nội, cảnh Hà Nội trong ảnh Quang Bảo luôn gần gụi, bình dị như cuộc sống vốn có.

 

Tiếng đàn vẫn bập bùng, Quang Bảo đang hát những khúc hát Hà Nội. Vẫn chất giọng khàn, có khi lạc điệu, nhưng đó chính là sự vô tư vốn có trong anh.

 

 

Theo Nguyễn Lan Anh

Công An Nhân Dân