Bằng Lăng - ngày không son phấn
Một ngày "không son phấn" của Bằng Lăng là ngủ dậy trễ, ăn trưa cùng gia đình, đọc sách, tìm mua đĩa phim mới và uống cà phê, tán gẫu với bạn bè.
Con đường đến với nghệ thuật của chị bắt đầu từ nghề vũ công, chị nghĩ sao về nghề này?
Vì gia đình nghèo quá, tôi muốn san sẻ nỗi cực nhọc của mẹ. Nhiều vũ công than rằng họ bị mất mát quá nhiều khi phải làm nghề này. Tôi chẳng mất gì mà lại được rất nhiều, đó là sự hiểu biết và tiền bạc để tiếp tục việc học hành. Vũ công đâu phải là nghề xấu.Vào nghề từ năm 15 tuổi, chị phải chịu đựng những định kiến nào của mọi người?
Dù làm vũ công từ năm 15 tuổi, nhưng do từ nhỏ đã tập được lối sống mạnh mẽ, nên không có ai và điều gì có thể ảnh hưởng đến tôi. Nhiều người hỏi tôi sao lại chuyển sang nghề người mẫu, có phải vì nó sang trọng hơn? Nghề người mẫu và vũ công đều có những cái hay, cái dở. Từ khi bước sang nghề người mẫu, tôi chưa bao giờ hỏi xem nghề nào sang hơn nghề nào.
Theo chị làm người mẫu bây giờ sướng hay khổ?
Có cả hai điều đó. Khổ là khi mình phải đi diễn suốt ngày, không có thời gian cho bản thân, còn sướng là luôn được ướm trên mình những bộ trang phục đẹp và mang đến cho khán giả những giây phút thoải mái.
Là một trong số ít người mẫu không giải thưởng, không có vẻ đẹp thuần Á Đông, không cần lăng-xê thái quá mà vẫn thành công. Chị phải nỗ lực thế nào mới đi tới ngày hôm nay?
Tôi đã phải cố gắng hết mình. Nguyên tắc của tôi là sống chân thật với chính mình và biết thẳng thắn nhìn nhận để tìm ra chỗ nào đúng chỗ nào sai. Nhưng tôi thật sự rất may mắn, và sự may mắn đó chào đón tôi một cách chân thành.
Lấn sân sang điện ảnh, chị nghĩ sao khi chính nó là con đường rải thảm để Bằng Lăng nổi tiếng như hôm nay?
Đúng là điện ảnh đã mang đến cho tôi thành công hôm nay, và tôi rất trân trọng nó. Điện ảnh cho tôi sự yêu mến của khán giả, thử nghiệm mình ở vai diễn có tính cách lạ, đây là điều không phải ai cũng có cơ hội. Nó chỉ lấy đi của tôi chút ít sự tự do. Trong thời gian đóng phim tôi không có thời gian dành cho gia đình và bản thân.
Trong "Nữ tướng cướp" có nhiều cảnh quay khá gợi cảm, nhất là cảnh Hồng bị hất xuống vũng lầy trên đường trong tình trạng gần như không còn quần áo. Có vẻ các đạo diễn chọn người mẫu đóng phim một phần cũng vì điều này. Chị nghĩ sao?
Tôi nghĩ, không nhất thiết cứ có cơ thể đẹp là phải chấp nhận những cảnh quay thiếu vải. Điều quan trọng là kịch bản phim có đúng logic không, có phù hợp với phân đoạn không và quan trọng là nói lên được điều gì? Không thể nào Hồng bị hại mà quần áo lại còn nguyên vẹn, cũng như khi đi tắm biển lại mặc đồ jeans vậy.
Đến bao giờ chị sẽ nói không với sàn diễn và phim trường?
Tôi không phải là người quyết định điều đó mà nó thuộc về khán giả. Khi họ không muốn nhìn tôi trên các bộ phim và sàn diễn thời trang nữa, lúc đó tôi biết mình phải rút lui.
Theo Kinh Tế Đô Thị