Bản giao hưởng Việt Nam - góc nhìn về một thế hệ đặc biệt

(Dân trí) - Trong tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, dưới lòng đất Xuân Phú vẫn vang lên tiếng hát, tiếng đàn. Kỳ lạ hơn, ở miền quê nghèo cơm không đủ bữa ấy ngày ngày vẫn được “thưởng thức miễn phí” tiếng piano, tiếng violon... Điều lạ lùng ấy có lẽ chỉ có ở ngôi làng Xuân Phú - nơi “bản giao hưởng Việt Nam” vang lên...

Năm 1965, khi cuộc chiến tranh bắn phá miền Bắc của giặc Mỹ ngày càng thảm khốc, hơn 50 sinh viên và giảng viên của Nhạc viện Hà Nội đã phải rời thành phố đi sơ tán về một làng quê nhỏ cách Hà Nội 40km. Với sự đùm bọc của những người dân quê hồn hậu, họ đã xây dựng lên một cơ sở học tập dưới lòng đất, bao gồm một mê cung các đường hầm bí mật được nối với một phòng hòa nhạc và các phòng học. Tại đó, khi cuộc chiến tranh đang diễn ra khốc liệt xung quanh, họ đã sống, học tập và chơi nhạc trong suốt 5 năm. Bản giao hưởng Việt Nam đã kể lại câu chuyện đặc biệt của họ.

 

Vietnam symphony (Bản giao hưởng Việt Nam) là bộ phim tài liệu dài 52 phút của nhà làm phim Kery Herman, đạo diễn Tom Zubrycki và các cộng sự người Ôxtrâylia.

Đan xen giữa những thước phim đen trắng quý giá ghi lại những cảnh tượng tưởng chừng như “huyền thoại” - những chiếc piano được chở trên xe kéo men theo những con đường bụi bẩn, những buổi học được tiến hành theo ca suốt ngày đêm trong các hầm ngầm dưới đất... - là những phỏng vấn đương thời với những tâm sự rất đỗi riêng tư của các giảng viên, sinh viên Nhạc viện về tình yêu với âm nhạc, về nỗi hiểm nguy, sợ sệt, về cái đói và cảm giác sốc khi chứng kiến những cái chết thảm của đồng bào mình thời chiến.

 

Xuyên suốt 52 phút của Bản giao hưởng Việt Nam là những bản nhạc do chính các thành viên của đoàn sơ tán biểu diễn. Thay cho ngàn vạn lời bình, âm nhạc có một sức mạnh kỳ lạ nối liền thực tại với sự thăng hoa, bật lên những xúc cảm hùng vĩ từ những điều bình dị. Trong tiếng đàn cello dìu dặt, giáo sư Vũ Hướng như người dẫn truyện đưa người xem chảy theo dòng ký ức về những kỷ niệm thời sơ tán ở làng Xuân Phú (Bắc Giang).

 

Cứ thế, cảm xúc nối liền cảm xúc, kỷ niệm ùa theo kỷ niệm, nghệ sỹ đàn tỳ bà Vũ Thị Mai Phương không cầm được nước mắt khi nhớ lại thời cô 14 tuổi, chia tay bố mẹ, tạm biệt Hà Nội mang theo cây đàn đi sơ tán cùng các thầy cô. Còn giảng viên piano Trần Thị Tuyết Minh thì vẫn nhớ như in cái thời 18, đôi mươi tập hát, tập đàn với một niềm say mê, với những cảm xúc thăng hoa mà bây giờ khó có thể có được...

 

Bản giao hưởng Việt Nam là một câu chuyện đặc biệt được kể bằng hồi ức và âm nhạc. Với những thước phim đẹp, cộng với kỹ thuật ghi thanh tuyệt vời, bộ phim không cần bất cứ lời bình nào nhưng đã vẽ lại một cách chân thực và xúc động chân dung cuộc đời những nhạc sĩ, nhạc công tài năng của một dân tộc đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm.

 

Sự kết hợp khéo léo giữa những hồi ức của nhân vật được vẽ lại bằng những thước phim tư liệu đen trắng được ghi cách đây 40 năm và những thanh âm tuyệt vời của sáo, của tỳ bà, của piano, của violon... đã mang đến cho người xem những xúc cảm và dư âm đẹp. Toàn thể các “diễn viên” có mặt trong phim xem lại những thước phim về mình mà nước mắt cứ chực trào ra trong khi miệng vẫn tươi rói nụ cười.

 

Xen giữa những hình ảnh của quá khứ là tâm sự của nhân vật; xen trong những câu chuyện sâu lắng của các giảng viên Nhạc viện Hà Nội là sự chân chất, nghĩa tình của những người nông dân làng Xuân Phú một thời chở che, nuôi nấng họ. Tình cảm mộc mạc và những kỷ niệm xưa được vợ chồng ông Đỗ Văn Công, anh Đỗ Văn Đễ... kể rất thật, rất... nông dân đã tạo nên những khoảnh khắc hài hước, những nụ cười hồn hậu...

 

Cô Tuyết Minh vừa chấm nước mắt vừa nói: “Chỉ có thể nói được rằng rất cảm động, cảm ơn Bản giao hưởng Việt Nam đã giúp chúng tôi kể lại câu chuyện “kỳ lạ” của thế hệ mình. Có những điều mình đã trải qua, đến mình cũng không thể nào diễn tả hết được thì bộ phim không chỉ giúp tôi khơi gợi mà còn truyền đến được với nhiều người xúc cảm một thời của chúng tôi.

 

Ngay như với con tôi, tôi chỉ ao ước rằng một lúc nào đó có thể kể cho con nghe đủ đầy, rành rẽ những năm tháng không thể nào quên của thời thanh xuân, giờ thì điều đó đã thành hiện thực. Cám ơn bà Kery Herman và các cộng sự đã giúp tôi nói với con tôi rằng: Hãy yêu cuộc sống mà mình có. Khó khăn giúp cuộc sống trưởng thành hơn!”

 

Còn với những vị khách nước ngoài thì “Bản giao hưởng Việt Nam là một bài ca tuyệt đẹp về con người Việt Nam. Kỳ lạ thay, trong chiến tranh gian khổ và ác liệt, người Việt vẫn có thể sống một cách say mê và hết mình như thế cho âm nhạc, cho nghệ thuật. Và chính âm nhạc đã giúp chúng tôi cắt nghĩa được sức sống mãnh liệt tiềm tàng trong con người Việt, dân tộc Việt”.

 

Lan Chi