Bài Hát Việt và những áp lực vô hình

Tối chủ nhật 22/5 vừa qua, chương trình Bài Hát Việt lần 2 đã diễn ra suôn sẻ với 11 ca khúc đa dạng về thể loại và khá đồng đều về chất lượng. Nghe phong thanh nếu chương trình 2 không thành công, có thể Bài Hát Việt sẽ… đi luôn.

Nỗ lực của ban tổ chức đã được đền đáp khi chương trình 2 được đánh giá tốt về cả chất lượng âm nhạc lẫn chất lượng âm thanh - vốn kinh khủng ở lần đầu.

Đồng đều về chất lượng cũng có nghĩa là không có ca khúc thực sự nổi bật như Mưa bay tháp cổ (Trần Tiến) đợt trước. Dễ hiểu thôi vì không phải cứ mỗi lần, Bài Hát Việt lại có thể giới thiệu đến công chúng một ca khúc ấn tượng, cái hay khi nào cũng hiếm mà. Điều thú vị là nếu trong Bài Hát Việt số 1, hiếm hoi có một ca khúc rock và một nhạc sỹ nữ thì trong Bài Hát Việt số 2 này, có đến 3 bài rock và 4 nữ nhạc sỹ, đặc biệt ca sỹ - nhạc sỹ Lưu Thiên Hương sáng tác một bài rất rock là Thu tình yêu được em gái Lưu Thiên Hương biểu diễn cũng rất rock.

Bởi toàn rock và pop ballad, nên chất dân gian hiện đại trong ca khúc Qua lới nọ Hạ Long (Trương Ngọc Ninh, phối khí Anh Quân) hóa ra lại thành “của lạ” dù không thật sự nổi bật. Lương Bằng Quang với Đến khi cạn lời vẫn thể loại rock pha rap tận dụng âm thanh điện tử biểu diễn sôi động tự tin hơn hẳn lần trước, dự đoán có thể tiếp tục đoạt giải khán giả bình chọn. Ru đêm (Đức Tân) già dặn về ca từ, rất “tây” về giai điệu và phối khí qua phần thể hiện chững chạc của Tùng Dương tạo được nét riêng bên cạnh những ca khúc khác.

Hồng ơi (Quốc Bảo) khiến người nghe có phần thất vọng bởi sự nhạt nhẽo đơn điệu của nó so với nhiều sáng tác cùng phong cách ngũ cung nổi tiếng của nhạc sỹ. Khói thuốc (Hồ Trọng Tuân) đáng biểu dương ở chỗ đã mạnh dạn viết về đề tài xã hội một cách rất shock, âm nhạc ấn tượng với màn trình diễn bốc lửa hết mình của Ngọc Anh. Tuy nhiên ca từ đôi chỗ còn vụng về đã làm giảm đi sức thuyết phục của bài. Lời ru Âu Lạc (sáng tác & phối khí Nguyễn Minh Sơn) khiến khán giả mệt mỏi với kiểu phối âm nhộn nhạo, nhạc một đằng, hát một nẻo. Những bài còn lại đều nhẹ nhàng dễ nghe mà không mấy gây ấn tượng, có thể bởi nghe lần đầu chưa đủ “ngấm”?

Với bất kỳ chương trình ca nhạc nào, tâm lý người nghe luôn đòi hỏi cái mới, cái hay, Bài Hát Việt cũng không ngoại lệ. Được xác định từ đầu là một sân chơi mới của nhạc sỹ Việt, nói sân “chơi” vậy, nhưng áp lực thì nặng nề lắm, nhất là đối với các nhạc sỹ gửi tác phẩm tham gia. Nặng đến nỗi trong chương trình lần này, một nhạc sỹ thuộc dạng kỳ cựu ngay mấy phút trước buổi diễn phải gọi điện đề nghị mở nhạc nền đĩa cho ca khúc của mình cho chắc vì lo ngại ban nhạc đánh chập choạng.

Một số nhạc sỹ trẻ nổi tiếng tỏ thái độ bàng quang, tuyên bố sẽ không gửi bài tham gia trong khi một số khác lại cho rằng không tham gia nghĩa là không tự tin… Tâm lý sợ bị loại, bị chê khiến nhiều nhạc sỹ tên tuổi chùn tay không dám gửi bài, mà đúng là trên thực tế, không ít bài của các nhạc sỹ có tiếng bị đánh giá thấp hơn so với những người sáng tác tay ngang. Đó lại là điều đáng mừng khi cho thấy khoảng cách chênh lệch về chất lượng âm nhạc giữa giới chuyên nghiệp và không chuyên, giữa thế hệ trẻ và già đã rút ngắn dần.

Ca sỹ cũng là người chịu áp lực lớn trong Bài Hát Việt khi phải gánh trách nhiệm nặng nề trực tiếp đưa ca khúc mới đến với công chúng. Thể hiện những bài đã tập luyện kỹ, từng thu âm như Lương Bằng Quang với sáng tác của mình, Đoan Trang với 2 ca khúc ở số đầu, Lưu Hương Giang với Thu tình yêu từng biểu diễn ở Sao Mai - Điểm Hẹn còn dễ, đằng này phần lớn ca sỹ nhận bài trước nửa tháng, mỗi người tập một kiểu, lên hát vào nhạc sai, “đặt” lời mới cho ca khúc… làm tác giả buồn vì đứa con tinh thần bị méo mó mà khán giả cũng chẳng vui gì.

Ca sỹ trẻ lần đầu hát sân khấu lớn như Lương Bằng Quang, Mạc Thủy trông rất “khớp”, Lương Bằng Quang nhảy vụng về lúng túng, còn Mạc Thủy run đến nỗi suýt vào nhầm intro. Khán giả thì ngoài việc quan tâm đến chất lượng ca khúc, họ còn “soi” ca sỹ ăn mặc biểu diễn hát hò thế nào, Mạc Thủy bị đánh giá hát giống Ngọc Khuê quá.

Còn xuất hiện nhiều như Hồ Quỳnh Hương, mỗi số hát hai bài thì lại nhạt nhẽo vô cảm, không tạo được dấu ấn gì. Truyền hình trực tiếp cả nước, sơ sẩy một chút là ảnh hưởng đến hình tượng. Tham gia thì có cái lợi là được cả nước biết mặt biết tên, nhưng gây chú ý hay không lại là chuyện khác, và khó gây được chú ý khi họ không được hát bài “tủ’ mà toàn hát những bài lạ hoắc. Ca khúc không hay, ca sỹ cũng sẽ bị đánh đồng hát dở... Chính bởi những áp lực ấy mà nhiều ca sỹ, từ sao đến không sao thẳng thừng từ chối tham gia Bài Hát Việt.

Người chịu áp lực lớn nhất của Bài Hát Việt lại chính là… ban tổ chức Bài Hát Việt. Sau chương trình 1 tổ chức khá cập rập, nghe phong thanh nếu chương trình 2 không thành công, có thể Bài Hát Việt sẽ… đi luôn. Nỗ lực của ban tổ chức đã được đền đáp khi chương trình 2 được đánh giá tốt về cả chất lượng âm nhạc lẫn chất lượng âm thanh – vốn kinh khủng ở lần đầu.

Áp lực trình làng cái hay, cái mới vẫn còn, nhưng không có nghĩa Bài Hát Việt phải chịu trách nhiệm nếu không gì hay, mới, mà điều đó phụ thuộc vào tài năng các nhạc sỹ của chúng ta.

Lại phải nói thêm, “phụ thuộc” ở đây không có nghĩa là quá đặt kỳ vọng hay quy trách nhiệm vào giới nhạc sỹ, bởi như nhạc sỹ trẻ Đỗ Bảo, người dàn dựng âm thanh cho chương trình 2 và sắp sửa gửi ca khúc tham gia bày tỏ: “Mọi người nên nhìn nhận chương trình này với một thái độ tích cực, nhất là những người trong nghề. Nó không phải là một chương trình ăn khách chỉ sử dụng những ca khúc đã được thử thách qua thời gian, được rất nhiều tầng lớp người yêu thích, mà là một chương trình tâm huyết, trước tiên là dành cho giới âm nhạc”.

Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu mọi người, từ nhạc sỹ, ca sỹ đến khán giả cùng “chơi” với tinh thần vô tư thoải mái, không quan trọng chuyện thắng thua để Bài Hát Việt trở thành một sân chơi đúng nghĩa mà không phải chịu bất kỳ áp lực nào.

 Theo Giaidieuxanh