1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Bài hát Việt tháng 12: Nở rộ ca khúc hay

(Dân trí) - “Giá như có thể trao giải cho 2 bài hát của Tháng. Các ca khúc tham gia công diễn hầu hết đều có chất lượng khá trở lên và các bài hát chỉ nhỉnh hơn nhau từng tí một”, nhạc sĩ Nguyễn Cường phát biểu như vậy về đêm diễn cuối của chương trình Bài hát Việt 2006.

Chương trình tháng 12 quy tụ một dàn nhạc sĩ từ những bậc lão thành như Văn Thành Nho, Lê Tịnh đến những gương mặt khá “ nhẵn “ trên sân khấu Bài hát Việt như Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn. Bên cạnh đó, sự tươi mới trong những ca khúc của các tác giả 8X cũng khiến cho Bài hát Việt tháng 12 hấp dẫn hơn lạ thường. Đó là những cái tên như Dương Cầm, Tăng Nhật Tuệ, Minh Phương… kịp thời ghi lại dấu ấn ở đêm diễn cuối năm. 

Đến với Bài hát Việt, Văn Thành Nho và Lê Tịnh đã gửi gắm vào những đứa con tinh thần của mình những giai điệu đậm nét dân gian đương đại. Lung linh vầng nhật nguyệt thiên về lối âm nhạc hoài cổ kết hợp với phong cách trình bày “quái” của cặp chị em ca sỹ Minh Anh - Minh Ánh có thể sẽ tạo ra hai luồng dư luận trái chiều. 

Ngồi hát mùa đông qua giọng sơn ca Nguyễn Ngọc Anh lại khiến khán giả cảm thấy thú vị khi lần đầu tiên thấy một hình ảnh Ngọc Anh dân gian. Phải nói, Ngọc Anh đã trình bày rất thành công và thuyết phục ca khúc này với chất giọng thiên về nội lực, da diết đầy tâm trạng.

 

Lê Minh Sơn nhường sân khấu cho Thanh Lam với ca khúc Sau bão, một bài hát có giai điệu trúc trắc và khó thể hiện. Lời ca mang nặng tính nhân văn và tả thực trên chất giọng Thanh Lam hừng hực đã diễn tả nỗi đau tận cùng, cũng như đặt ra một loạt câu hỏi chất chứa sự thông cảm, xót xa cho những nạn nhân của thiên tai.

 

Ý tưởng lớn gặp nhau khi ca khúc Lời hát vòng nước xoáy của nhạc sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến do Vương Dung thể hiện cũng về đề tài bão lụt. Nguyễn Vĩnh Tiến đã chứng tỏ mình không dẫm chân tại chỗ khi tiếp tục phiêu lưu ở những mảng âm nhạc mang nặng tính triết lí. Song, giọng hát của Vương Dung đã phần nào hạn chế khi gặp phải một ca khúc thách thức về kĩ thuật như Lời hát vòng nước xoáy.

 

Điểm nhấn của đêm nhạc Bài hát Việt tháng 12 chính là sự trở lại của Jazzy Dạ Lam trong Điệu Blues mùa thu qua giọng ca Sao mai Mai Trang.

 

Điệu Blues mùa thu là một ca khúc khó nghe nhưng qua giọng ca xử lí đa dạng đầy màu sắc của Trang, sự dịu dàng của những âm hưởng blues, những âm thanh trầm bổng đã khiến ca khúc phiêu linh hơn. Với Điệu Blues mùa thu, Mai Trang đã vinh dự bước lên bục nhận giải Ca sĩ thể hiện hiệu quả trong đêm.  

 

Có lẽ, không sai khi nói rằng Khánh Linh là nữ ca sĩ duy nhất đóng mác cho những ca khúc “ru” trên sân khấu Bài hát Việt. Tuy nhiên, Ru đêm của tác giả Nguyễn Quỳnh Anh có phần yếu thế khi Khánh Linh đã không làm tròn trách nhiệm của mình vì hát hụt hơi và hơi phô ở đoạn đầu.

 

Bộ ba tác giả 8X, 9X: Tăng Nhật Tuệ, Dương Cầm và Minh Phương đã thổi một làn không khí tươi mới cho live show lần này. Nếu Ngày xanh (Tăng Nhật Tuệ) thiên về thanh âm trong trẻo, tươi mới thì Dương cầm nhỏ (Minh Phương) lại mang đến một không khí ấm áp xua tan giá lạnh mùa đông cho trẻ em đường phố.

 

Song, chính màn trình diễn điệu đà quá mức cần thiết trong khi giọng hát lại không được chú trọng của Hiền Thục và Tăng Nhật Tuệ đã khiến không ít khán giả thất vọng. Dương Cầm vẫn trung thành với Pop ballad, nhưng Đêm xuân tình yêu lại quá nhạt nhoà với giọng ca Phương Linh thiếu cảm xúc.

 

Khép lại Bài hát Việt 2006, có thể có những hạt sạn trong tổng thể các live show nhưng sự hoà quyền giữa hai yếu tố: Nghe và Nhìn đã phần nào gây được ảnh hưởng mạnh mẽ trong lòng công chúng và khán giả yêu nhạc cả nước.

 

Khán giả đang nóng lòng muốn biết ca khúc nào sẽ là Bài hát của năm 2006 và hồi hộp chờ đợi một đêm Gala công diễn giúp khán giả nhìn nhận lại những ca khúc được tông vinh suốt thời gian qua.

 

Vĩnh Khang