Áo lụa Hà Đông: Đã "lấy được nước mắt" khán giả!

(Dân trí) - Tôi đi xem Áo lụa Hà Đông hai ngày chiếu liên tiếp, không phải vì quá hâm mộ bộ phim mà vì tôi muốn được tận mắt chứng kiến tình cảm khán giả dành cho phim Việt...

Hai ngày đầu tiên khởi chiếu tại các rạp Hà Nội, Áo lụa Hà Đông đã đắt khách. Nhân viên phòng vé Trung tâm chiếu phim Quốc Gia hồ hởi: “Hai suất chiếu Áo lụa Hà Đông ngày nào cũng kín rạp!”. Điều ấy chứng tỏ, đâu phải cứ phim chiến tranh là ế?


Khán giả kéo đến rạp xem Áo lụa Hà Đông già có, trẻ có, những đôi yêu nhau có, những người đi xem một mình có, cả gia đình đi cũng có. Họ đến xem phim không phải vì phim có nhiều cảnh “hot”, không phải vì phim hấp dẫn, càng không phải vì phim gợi cảm. Hầu hết những câu trả lời họ đưa ra đó là vì “Nghe mọi người khen phim hay lắm nên đi xem!”. Điều ấy chứng tỏ, khán giả không hề quay lưng với phim Việt.

 

Áo lụa Hà Đông: Đã "lấy được nước mắt" khán giả! - 1

          Quốc Khánh và Trương Ngọc Ánh trong phim.

 

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc một chút đến bộ phim Áo lụa Hà Đông. Gần đây, dư luận và báo chí đã nói đến nhiều về nội dung cũng như “chiến thuật” lấy nước mắt khán giả của bộ phim này. Người Hàn Quốc đã từng chứng minh, lấy nước mắt khán giả cũng là một công thức “câu khách” lý tưởng cho phim ra rạp. Những bộ phim đau thương tan nát về ung thư, máu trắng chẳng phải đã từng làm xôn xao giới trẻ Việt Nam? Nhưng lấy nước mắt như thế nào để không bị nhàm chán, để khiến khán giả ra về còn day dứt mãi thì còn tùy thuộc vào độ khéo léo và sự công tâm với nghề của những người làm ra sản phẩm.

 

Câu chuyện phim của Áo lụa Hà Đông không mới. Phim xoay quanh cuộc đời của hai vợ chồng Gù (Quốc Khánh)- Dần (Trương Ngọc Ánh). Hai kẻ nô lệ nghèo khổ yêu nhau trong hoàn cảnh chiến tranh lầm than, loạn lạc. Phim Áo lụa Hà Đông phản ánh sự ác liệt, thảm khốc của chiến tranh không phải bằng súng gươm, không phải bằng những trận chiến cam go mà chỉ bằng số phận bi thảm của hai vợ chồng Gù- Dần giữa  thời biến loạn. 

 

Phim làm xúc động, cảm xúc được xâu chuỗi một cách liền mạch, và tăng dần. Những người làm phim muốn đẩy kiếp người lên đến tận cùng của sự bi thảm, song, có cảm giác đến cao trào các nhà làm phim không làm chủ được cảm xúc của chính mình, họ bị sa đà vào việc “lấy nước mắt” khiến phim bị “lạm dụng” quá nhiều trường đoạn thương tâm, nhiều cảnh trở nên thừa. 

 

Khi cô con gái cả - bé Hội An của gia đình mất trong một trận bom đánh sập trường học. Dần chạy ra trường tìm xác con, gào khóc. Đó là trường đoạn diễn xuất đầy thăng hoa của Trương Ngọc Ánh. Khán giả “rắn” đến mấy cũng khó cầm được nước mắt. Hai vợ chồng đưa xác con gái về nhà, cuốn xác con trong chiếu, đẩy trên thuyền, Dần gục vào tay chồng khóc đến run rẩy. Ba đứa em nhỏ ôm nhau gọi chị. Cảm xúc của khán giả vỡ òa trong nước mắt.

 

 Có nghĩa, khi cảm xúc của khán giả đã thật đầy, các nhà làm phim nên dừng lại. Nhưng, phim lại tiếp tục với cảnh người cha ôm xác con đi chôn, tiếng gào khóc không dứt, lúc này, cảm xúc của khán giả không thể đẩy lên cao hơn được đã trùng xuống và nguội lại. Quá nhiều cảnh thương tâm chỉ để phản ánh một nội dung sẽ là thừa, thậm chí, sẽ khiến khán giả mệt mỏi.

 

Áo lụa Hà Đông: Đã "lấy được nước mắt" khán giả! - 2

           Cảnh phim "lấy nhiều nước mắt" của khán giả.

 

Dẫu phim còn nhiều cảnh bị lộ ý tưởng. Dẫu cảm xúc còn lê thê. Nhưng vượt lên trên tất cả, khán giả có thể cảm nhận được sự công tâm, nhiệt huyết và sự nỗ lực sáng tạo của các nhà làm phim. Phim có nhiều góc máy đẹp, ấn tượng. Mỗi cảnh quay đều có sự chau chuốt về ý tưởng. Âm nhạc tinh tế. Diễn xuất sinh động, chân thực. Nhiều trường đoạn ẩn dụ thành công. Hình tượng chiếc áo dài được xây dựng công phu… Phim Áo lụa Hà Đông là một bộ phim tốt bởi, đó là sản phẩm chung của một ê-kíp làm việc nghiêm túc và tâm huyết với nghệ thuật.

 

Có lần đạo diễn Lưu Trọng Ninh phát biểu “Coi thường khán giả là một sai lầm lớn!”, điều ấy là chân lý. Các nhà làm phim tận tâm hay cẩu thả, có tài hay bất tài… tất cả đều thể hiện rõ rệt trên mỗi thước phim các anh làm, và khán giả sẽ nhận ra ngay! 

 

Có thể, sau Áo lụa Hà Đông một loạt phim “lấy nước mắt khán giả” sẽ ra đời. Điện ảnh chúng ta đang bế tắc, các nhà làm phim vẫn phải loay hoay tìm một lối ra. Điều ấy không đáng ngại, hãy cho họ thời gian. Chỉ có điều, các nhà làm phim không thể cứ đi tìm thị hiếu khán giả để làm phim theo kiểu “chiều lòng”. Phim không thể đi tìm khán giả mãi được, mà chính khán giả sẽ tìm đến phim - nếu phim hay!

 

Dịu Hiền