Anna Trương chia sẻ về mẹ ruột, mẹ kế
Lần đầu tiên, con gái nhạc sĩ Anh Quân chia sẻ về hai người mẹ bên cạnh giấc mơ âm nhạc, mẹ Mỹ Linh thì tận tụy, còn người mẹ Đức là một y tá rất phóng khoáng và lạc quan.
Anna gặp tôi ở quán bánh kem cạnh trường học của em sau buổi chuẩn bị triển lãm tranh, đó là khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi của một học sinh cuối cấp. Cô con gái lớn của vợ chồng "ngôi sao" Mỹ Linh - Anh Quân xuất hiện trong trang phục giản dị với áo pull, quần ngố dài, rộng bằng vải đũi và chiếc ba lô lủng lẳng sau lưng. Nhìn những cái tên xuất hiện trên trang bìa một tờ tạp chí, Anna cười vang: "Chị làm như em không biết gì ấy, em 18 tuổi rồi".
Giấc mơ của cô gái đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối cùng của đời học sinh để bước vào cuộc sống với tư cách một người trưởng thành của Anna như thế nào?
Tôi định sau lớp 12 sẽ nghỉ một năm để tập trung đi hát. Tôi muốn có kinh nghiệm trong nghề showbiz và làm đến nơi đến chốn việc tôi đã bắt đầu. Tôi muốn hoàn thành một album. Album đó bây giờ tôi đang thu, tranh thủ thời gian không học bài để thu và tập hát.
Một năm sau đó, tôi sẽ đi du học, sang Đức hoặc Anh, nếu có thể. Tôi muốn học làm phim vì từ bé rất thích phim và đến giờ cũng vậy. Tôi thích được quay, xem phim, ánh sáng, những thứ sinh động trên phim. Phim có lẽ là thứ tôi thích lâu dài, còn ca ca hát, đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, tôi nghĩ là không.
Có bao giờ Anna nghĩ, biết đâu sau một năm đi hát lại thấy thích hào quang của đèn màu sân khấu?
Cũng có thể và đó là điều chưa biết nên tôi mới muốn dành một năm để thử. Tôi còn trẻ và luôn nghĩ nếu đã bắt đầu nên làm hết sức để xem mình có muốn tiếp tục công việc đó hay không. Tôi tin rằng muốn làm công việc nào lâu dài, mình phải đam mê và yêu nó thực sự.
Thế giấc mơ học điện ảnh tại Đức có liên quan đến việc Anna muốn được sống cạnh bên mẹ ruột?
Có ạ, đấy chính là một trong những lý do tôi muốn đến Đức, cho dù nếu học về phim tôi muốn đến Anh hơn. Công nghệ sản xuất phim ở Đức tốt hơn, nhưng Anh lại là cái nôi của kịch nghệ và phim ảnh thế giới. Nếu bắt đầu ở Anh chắc có nhiều điều kiện cọ xát hơn thực tế hơn.
Nhưng tôi muốn sang Đức để có thể tìm hiểu về một nửa của mình. Hàng năm đều sang đó thăm mẹ nhưng tôi chưa từng ở Đức một quãng thời gian dài (cỡ 1, 2 năm) bao giờ. Lúc mới sinh ra, tôi ở đó mấy năm nhưng khi ấy còn nhỏ quá, không nhớ được gì. Vì vậy, tôi muốn biết thêm về nước Đức, muốn có nhiều thời gian hơn cho gia đình bên ấy và dành nhiều thời gian hơn cho mẹ ruột.
Anna Trương
Vậy có nên hiểu là bên cạnh giấc mơ âm nhạc, điện ảnh, việc mong muốn sống gần mẹ đẻ cũng là một ước mơ của Anna?
Nếu chị hỏi câu này, có thể chị nghĩ tôi chưa bao giờ được gặp mẹ hoặc rất ít được gặp mẹ đẻ. Nhưng suy nghĩ đó hoàn toàn sai vì năm nào tôi cũng được gặp mẹ và chúng tôi chưa từng có giai đoạn nào bị gián đoạn liên lạc. Gia đình ở Việt Nam đối với mẹ Đức (cách Anna gọi mẹ ruột) rất vui vẻ. Cả mẹ Linh và mẹ Đức đều rất hay nói chuyện với nhau. Bởi vậy, gặp mẹ không phải là ước mơ của tôi, nó là điều đã hiện diện và thường xuyên diễn ra trong cuộc sống.
Anna gặp mẹ Đức theo cách như thế nào?
Tôi sang Đức mỗi năm một lần, thường là vào mùa hè hoặc nghỉ đông. Nếu mùa hè, tôi sẽ ở đó 2 tháng, còn mùa đông lạnh hơn và được nghỉ ít hơn nên tôi chỉ được ở đó 3 tuần. Tôi có rất nhiều người thân ở Đức, mẹ, anh chị và gia đình tận 5 người bác nên lúc nào sang đó, tôi cũng thấy thời gian ngắn cả.
Tôi thích sang Đức mùa hè để có nhiều thời gian hơn. Thêm nữa, mùa đông lạnh lắm, tôi không quen. Dù sinh ra ở châu Âu nhưng tôi lớn lên ở Việt Nam, không quen được cái lạnh bên đó (cười). Thỉnh thoảng mẹ cũng về Việt Nam thăm tôi. Mẹ đã về Việt Nam 3 - 4 lần.
Bên đó mẹ Đức của Anna có gia đình chứ?
Gia đình bên Đức của tôi có anh và chị. Anh trai đang theo học nghề y, chị gái học về chính trị. Cả gia đình lớn đều theo nghề y, không ai làm nghệ thuật. Bây giờ mẹ ở một mình, các anh chị đã lớn, đi học và đều sống xa nhà.
Tôi nói chuyện với mẹ hằng tuần. Khi quá bận không lên được skype (một phần mềm hỗ trợ nói chuyện trực tuyến), tôi nhắn cho mẹ một cái tin để mẹ biết tình hình. Nói chung liên lạc thời buổi này không có khó khăn gì, nhưng mẹ và tôi khác múi giờ, nhiều lúc cũng phải "canh me".
15 năm sống ở Việt Nam, lớn lên bên cạnh bố Quân, mẹ Linh và sau này là hai em của mình, có giai đoạn nào trong khoảng thời gian ấy Anna muốn sang sống hẳn với mẹ Đức chưa?
Hồi bé, khi tôi 6, 7 tuổi, mỗi lần sang Đức, khi phải quay về Việt Nam đều rất khó khăn. Tất nhiên rồi (cười), trẻ con ai chẳng muốn vừa ở gần mẹ, vừa gần bố. Vì vậy, có lúc tôi muốn sang Đức, nhưng cảm giác đó cũng qua, chưa bao giờ tôi nói với bố Quân về điều đó.
Bản thân mẹ Đức cũng muốn tôi ở gần bố Quân, vì mẹ hiểu ở Việt Nam sẽ tốt hơn cho tôi vì được ở cạnh nhiều người trong gia đình. Ở Đức, khi trưởng thành, người ta có thể tách ra ngoài sống, thậm chí ra nước ngoài. Việt Nam có tính quần tụ gia đình cao hơn. Đặc biệt, ở đây tôi có điều kiện tốt hơn để hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Môi trường học tập ở Đức có thể tốt hơn hoặc ngang bằng với trường quốc tế Việt Nam?
Ở Việt Nam, tôi được học trường quốc tế, mở đường cho tôi đến nhiều trường đại học trên thế giới. Tôi còn có điều kiện tiếp xúc với nhiều bạn bè đến từ các quốc gia với nhiều nền văn hóa khác nhau. Nếu ở Đức, chắc tôi sẽ học một trường gần nhà, sống cuộc sống tự lập nhưng không thể trở thành cô gái của gia đình như bây giờ, điều này tôi rất thích.
Tôi luôn nghĩ một cô gái cần phải chăm lo gia đình, quan tâm đến bố mẹ. Trong khi đó ở Đức, con cái ít quan tâm đến cha mẹ, họ dễ dàng đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão. Ở Đức tôi thấy con người sống cô đơn hơn. Đấy chính là lý do tôi thích cách giáo dục trong gia đình người Việt. Tuy nhiên ở Việt Nam, nếu con người cởi mở và phóng khoáng hơn chút trong một số vấn đề chắc sẽ tốt hơn (cười).
Quyết định ở lại Việt Nam chứ không sang Đức từng là do Anna hay do người lớn?
Lúc đó là quyết định của ba mẹ. Lúc tôi ba tuổi, khi bố Quân chuẩn bị đưa tôi về Việt Nam, tôi không thể quyết định được một việc lớn như thế.
Không ở gần mẹ đẻ, vậy trong cuộc sống, những chuyện cần xin ý kiến hoặc chia sẻ, Anna thường hỏi ai?
Cũng tùy chuyện, thường tôi hay hỏi mẹ Linh và cũng hỏi cả bố Quân. Còn với mẹ Đức, tôi kể những gì xảy ra trong cuộc sống thường nhật của mình cho mẹ thôi. Không sống gần mà vẫn biết được những chuyện hàng ngày của nhau, tôi nghĩ đã là quý lắm rồi.
Mẹ Mỹ Linh trong nhà có khó tính lắm không?
Thực ra tôi nghĩ mẹ Linh kỹ tính chứ không khó tính. Mẹ hay để ý đến những chi tiết trong đời sống, điều đó giúp cho tôi và các em rất nhiều. Mấy chị em được mẹ chỉ dạy rất kỹ về cách ứng xử, ăn nói rồi kinh nghiệm của bố mẹ từ cuộc sống. Mỗi ngày được dạy một ít, mọi thứ thấm dần vào các chị em.
Nếu ở Đức, Anna là con út, được cưng chiều, nhưng ở Việt Nam lại là chị cả. Làm chị có khó lắm không?
Mỹ Anh kém tôi 8 tuổi, nhiều lúc hơi mệt một tẹo vì bị em ấy bắt nạt (cười), nhưng tôi cũng nói được các em. Nhiều lúc bọn nó khá bướng bỉnh vì đứa nhỏ hơn được bố mẹ bênh. Nhưng tôi rất thích trọng trách này, tôi muốn được dạy các em những điều bố mẹ đã dạy dỗ mình. Tôi cũng muốn bảo vệ các em nữa.
Thế vai trò chị cả trong những ngày mẹ Linh đi công tác xa được thể hiện thế nào?
Khi mẹ Linh đi vắng (hoặc có nhà), tôi nhắc nhở các em ngồi vào bàn học, đánh răng, đi ngủ đúng giờ (cười). Nói chung gia đình mọi người luôn hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Cho dù Mỹ Anh nhiều lúc đanh đá phết (cười vang), nhưng em ấy rất ngoan và tình cảm. Mỹ Anh hay vẽ tranh cho bố mẹ rồi viết những lá thư rất tình cảm gửi cho mọi người nữa. Chẳng hạn trong ngày Noel, em ấy treo 5 bức thư lên cây thông cho mọi người đọc. Yêu lắm (mắt tươi cười)!
Mỹ Anh biết chị Anna có hai mẹ. Cả hai em của tôi đều biết rằng mẹ Đức là người sinh ra tôi, nhưng không hề có sự phân biệt nào cả. Cái đanh đá của Mỹ Anh chỉ là sự đành hanh trẻ con thôi.
Còn Anh Duy, hình như rất giống bố Quân?
Anh Duy à, nếu ở với bạn là một người hoàn toàn khác hẳn, còn bình thường Duy rất trầm tính. Duy rất giống bố Quân, yêu nghệ thuật và rất có khiếu. Em đánh đàn rồi nhảy, thổi kèn, làm rất nhiều thứ và say mê. Nếu Duy giống bố Quân y hệt thì Mỹ Anh lại rất giống mẹ Linh (cười giòn tan).
Anh Duy giống bố Quân, Mỹ Anh giống hệt mẹ Linh. Còn Anna thấy mình giống ai nhất?
Tôi không biết giống ai, tôi không nghĩ mình giống ai hoàn toàn. Tôi là sự pha trộn của cả ba người (bố Quân, mẹ Linh và mẹ Đức) hay sao ấy. Rồi học ở trường quốc tế, tôi cũng ảnh hưởng cách tư duy của các bạn và thầy cô rất nhiều (cười).
Có điều này nổi tiếng trong showbiz: bố mẹ Anna rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. Học trường quốc tế, biết thế nào là giá trị của sự cởi mở, Anna nghĩ gì về điều này?
Bố mẹ nghiêm khắc nhưng không khiến các con sợ mà rất nể. Hai người luôn cố gắng làm bạn của các con, thường nói chuyện với như cách tôi đang nói chuyện với chị lúc này, không mắng mỏ hay răn đe nặng nề bao giờ. Và chúng tôi có thể cởi mở nói chuyện với bố mẹ về mọi điều mình băn khoăn.
Thực lòng, Anna thấy mình học được gì hoặc muốn học được gì từ bố mẹ?
Ở bố Quân, tôi học được tính kiên nhẫn. Khi bố học về máy móc, đầu thu, mọi thứ đều rất phức tạp nhưng nếu mua được chiếc máy mới, ngay lập tức tối đó bố dành thời gian đọc hết sạch quyển sách hướng dẫn dày cộp đến cả 10 phân, sau đó nghiên cứu nó đến khi thành thục. Hồi bé, khi còn ngủ chung với bố mẹ, tối nào tôi cũng thấy bố cũng đọc rất muộn. Đó là điều tôi rất khâm phục bố.
Còn mẹ Đức làm nghề y tá, nhưng tâm hồn rất phóng khoáng. Mẹ lúc nào cũng vui vẻ nên tôi nghĩ lạc quan như mẹ rất tốt.
Còn về nghệ thuật thì bố mẹ có ảnh hưởng như thế nào với Anna?
Tôi được nuôi lớn trong cái nôi âm nhạc. Bố cho tôi nghe rất nhiều loại nhạc từ bé. Có những thứ lúc bé tôi rất ghét nhưng bố vẫn cho nghe để biết. Chẳng hạn hồi 7, 8 tuổi, tôi nghe jazz và không thể hiểu nổi jazz là như thế nào. Tôi bảo: "Bố ơi, con không hiểu nổi cái này đâu, cái này chán lắm, bố đổi đi". Bây giờ, tôi lại thích jazz và thấy nó rất thú vị. Thật ra tâm trí mình là thứ có thể thay đổi theo thời gian.
Còn về phía mẹ, cả hai mẹ đều là những người lạc quan. Tôi rất thích ở bên mẹ Linh và mẹ Đức, vì cả hai luôn biết cách làm cho không khí trở nên tươi vui, sôi động.
Một ngày bình thường của Anna như thế nào?
Nhà tôi khá xa thành phố nên sáng 7g15 cả nhà đã cùng nhau khởi hành, đi cùng một chuyến xe sang thành phố. Tôi và Anh Duy học cùng trường, Mỹ Anh học một nơi khác, bố mẹ đi làm việc của bố mẹ.
Học ở trường đến tầm 3g30 hoặc 4g30 chiều, sau đó, tôi tham gia các hoạt động ngoại khóa như đóng kịch, tập thể dục, từ thiện. Ngoài các hoạt động đó, tôi dành thêm thời gian cho môn vẽ, đây là một môn học tự chọn trong hai năm của tôi. Cuối khóa học hai năm học sinh phải viết một bài luận văn 4.000 từ về một đề tài nào đó mà mình chọn và triển lãm 12 bức tranh.
Luận văn tôi đã viết về bác Thành Chương, bác ấy giúp tôi rất nhiều trong quá trình tìm hiểu về hội họa. Đấy, ở Việt Nam rất sướng vì có một hàng xóm tốt bụng và nhiệt tình như bác ấy (cười rất sảng khoái). Tất nhiên nếu ở Đức, chưa chắc tôi phải viết luận văn 4.000 từ.
Ngoài âm nhạc, phim ảnh Anna còn giấc mơ nào khác không?
Tôi nghĩ mình đang trên con đường đi tới giấc mơ riêng. Giấc mơ hiện tại của tôi là được đi du học, được tìm hiểu thêm về nước Đức và nếu có thể, tôi sẽ được học và trở thành một nhà làm phim. Còn nếu nói về những giấc mơ có phần viển vông một chút thì ngày bé tôi từng mơ và tưởng tượng mình là người thắng giải Oscar (cười vang). Bây giờ, tôi em thực tế hơn rất nhiều rồi.
Bên cạnh đó, tôi cũng ước nếu có thể đưa mẹ về Việt Nam sống cùng thì tốt. Tôi rất muốn cho mẹ một cuộc sống khi tôi có thể tự làm ra tiền. Tự có trách nhiệm với bản thân, tôi cũng muốn có trách nhiệm với mẹ.
Theo Mốt và Cuộc sống