Ánh Tuyết: Thích nổi loạn
"Cái tính tôi cũng thích nổi loạn, thích phá phách lắm, nhưng bây giờ già cái đầu rồi không dám..." - Ca sĩ Ánh Tuyết bộc bạch.
Vừa xong chương trình "hoành tráng" 35 năm sống và hát, Ánh Tuyết ra liền luôn 3 album: "Từ suối mơ đến Thiên Thai" (nhạc Văn Cao), "Hội trùng dương" (nhạc tiền chiến) và "Đi tìm" - album vol 7 đánh dấu bước chuyển mạnh trong phong cách Ánh Tuyết. Năm nay hứa hẹn là năm hoạt động mạnh của chị với nhạc jazz.
Chị có cảm thấy mình hơi cứng tuổi để thay đổi phong cách?
Trong nghệ thuật, khi tâm hồn người ta phát tiết, nó không phụ thuộc vào tuổi tác. Mà đôi khi "tuổi cao" nó làm tâm hồn mình chín muồi thêm, và có thể đến một cái đỉnh cao hơn tuổi trẻ.
Chị có cảm thấy hơi tiếc khi không hát thêm phong cách nhạc này sớm hơn?
Thực sự cũng không phải là tiếc... Có điều, tôi cũng không thể làm một lúc nhiều thứ. Nhìn lại phong cách của tôi đã đi qua - không phải không thành công. Chính phong cách đó đã khẳng định tên tuổi, vị trí của tôi hôm nay trong lòng công chúng. Điều đó mình không thể phủ nhận được và cũng không tiếc gì. Và hôm nay thêm một phong cách nữa mà... thì đúng là cũng hơi muộn, nhưng cũng là niềm vui nếu khán giả đón nhận.
Chị có ý tưởng ra album jazz từ bao giờ?
6, 7 năm rồi. Tôi biết tôi hát thể loại nhạc jazz được, có điều chưa có thời gian tập trung vào nó. Bởi cái tuổi của tôi không còn trẻ. Chưa gia đình, không phải lo cuộc sống, chỉ có tập trung vào nghệ thuật - thì nó dễ. Còn tôi đã có tuổi lại bận gia đình. Ông xã lại người Pháp nữa, cho nên tôi giống như một người đàn ông ở đây, làm tất cả mọi thứ trên đời.
Mặt khác, làm nghệ thuật đưa hình ảnh của mình ra công chúng thì phải hết sức trân trọng. Không thể ỷ mình có giọng hát hay rồi muốn bắt người ta nghe cái gì cũng được. Nghe nó phải hợp lý, phải đúng. Có thể mình chưa đến một đỉnh cao ghê gớm, nhưng ở mức độ người ta có thể chấp nhận được.
Bài nào trong album "Đi tìm" đã gắn bó với chị từ trước?
Bài "Lời chim" anh tôi viết hồi 1977, thì tôi đã hát từ thời đó, 16 tuổi. Mãi cho đến vào Nha Trang, năm 1990, tôi mới ngưng hát. Bây giờ hát trở lại, tôi đẩy nó qua nét jazz một chút. Hồi xưa tôi hát dạng soul rock, gằn hơn bây giờ nhiều. "Đi tìm" trước đây tôi cũng đã thu cassette cho ông anh rồi, nhưng hát kiểu rock thì lần này tôi cảm nhận nó nhiều hơn, rõ hơn...
"Hãy khóc đi em" trước hát slow rock với cây piano Nguyễn Ánh 9, cũng jazz, nhưng chưa lột tả hết được như bây giờ. Album này đặc biệt có chỗ tôi thu rất nhiều lần rồi, mỗi lần vài ba bài, nửa bài cũng có. Đùng đến một lúc làm một hơi trong buổi chiều, hết luôn 9 bài, bỏ hết những bài cũ. Đó là lúc tâm hồn của mình đang dâng, nên nó cứ thế tuôn.
Buổi hôm ấy bước đến phòng thu, chị cũng không nghĩ mình thu đến 9 bài một lúc?
Hôm đó trước chương trình 35 sống và hát của tôi 1 tuần. Tôi tính thu 1 - 2 bài nữa để hoàn thành cho xong cái đĩa và còn phải dưỡng sức cho mấy đêm diễn nữa. Cuối cùng, cao hứng quá, hát tới luôn. Cho nên đến 4 đêm diễn 35 năm tôi gần như kiệt sức!
Tệ lắm hả chị?
Trời ơi, hát thì khán giả rất thích, có điều họ không biết là mình rất đuối. Đêm cuối cùng, tôi hát không nổi, và tôi tưởng tôi sẽ bỏ, xin lỗi cho khán giả về. Nhưng khi 3 bài đầu xong, bắt đầu vào màn thứ 2 "Với những lời chim", "Hãy đàn lên"... tôi nghĩ: ôi còn đêm nay nữa thôi, cho chết luôn (!). Thế là tôi gào lên, trút hết lực ra. Tôi hát giống như cả người hát ấy! Lạy trời, nó thoát. Cả đêm 18 bài mà thành 20 bài. Thật ngoài sức tưởng tượng, khán giả thở phào. Họ biết tôi mệt mà họ vẫn chấp nhận. Khán giả tri âm hay vậy đó! Người ta cảm nhận được cái tâm của mình, chứ không nhìn cái sức của mình lúc đó nữa.
Trong đĩa "Đi tìm" bài nào làm chị cảm thấy như đang hát chính nỗi lòng mình?
Thực sự là tôi thấm "Vết lăn trầm" và "Hãy khóc đi em". "Đi tìm" cũng nói lên mong mỏi của mình. Nói chung tôi chọn toàn những bài mang tâm trạng của tôi cả. Và những bài của tôi chọn giống như thay lời tâm sự của tôi vậy.
Chị cho biết hoàn cảnh ra đời 2 bài hát của Trần Dũng?
Bài "Lời chim" ông viết hồi tán vợ ông năm 1977, đến năm 80 thì ông cưới bà. Còn bài "Đi tìm" là ông viết lên tâm trạng của ông hình như vào năm tám mấy...
Trong nhà có 2 anh em chị là theo âm nhạc thôi?
Theo cả nhà luôn, 2 đứa em tôi đều chơi trống. Thương - đánh trống trong ATB. 2 đĩa "Hội trùng dương" và "Suối mơ" là em tôi đánh chứ ai. Theo âm nhạc hết nhưng cuối cùng còn mỗi tôi với anh Dũng và nó thôi. Bây giờ ban ngày, tôi giao nó quản lý công ty, tối qua đánh phụ trống bên này. Thằng út đánh trống bỏ lâu rồi, qua làm nghề may mặc, bây giờ về cho làm ánh sáng ATB. Ông anh kề cũng giúp quản lý ATB, chuyên vẽ thư pháp trên băng rôn, sân khấu...
Làm nghệ thuật nhưng không có điều kiện đi nghệ thuật hoàn toàn, cả nhà phải lo kinh tế để sống, làm đủ thứ nghề. Nhưng nghệ thuật thì vẫn cứ chơi. Cuối cùng, nghệ thuật trở thành một món phụ, mà không bỏ được. Nó là trong máu của mình! Ngồi đâu cũng đàn hát, gặp bạn bè, có bài gì khoe ra. Anh tôi viết hay lắm, nhưng không giao tiếp, không thích đưa ra, tính ông vậy...
Chắc chị có nhiều điều kể về anh Trần Dũng?
Anh tôi là người dạy tôi hát đầu tiên, từ nhỏ, dạy tôi cách phát âm nhả chữ, đóng lưỡi, xử lý từng bài hát. Đêm nào ông cứ tập đàn thì anh dựng tôi dậy bắt hát... anh dậy mấy đứa em đánh trống, ông anh kề đánh bass. Hồi đó nguyên cả ban nhạc gia đình tôi hát. Còn ba tôi là người ảnh hưởng tất cả anh em tụi tôi. Ba tôi là người đam mê nghệ thuật lắm.
Măng-đô-lin mà ông chơi cả cải lương nữa mới kinh! Ghi ta thùng thì chơi kiểu flamenco - vừa đệm, vừa làm trống luôn. Mà ông biểu diễn, ngón tay ông đẹp lắm. Anh tôi có ảnh hưởng nhưng không được nhiều. Anh nói, học không nổi ông già. Má tôi cũng ca hát, cũng đánh đàn măng-đô-lin, đi giao liên, ca múa trong chiến khu...
Anh Dũng còn là người cầm giấy tờ đi nộp cho tôi đi học. Nếu không có anh thì tôi về bán cơm rồi! Tôi dự tuyển vào Đoàn Dân ca kịch với Đoàn Ca múa trúng cả hai. Lúc đó, anh Dũng đánh trống cho Đoàn Dân ca kịch. Bạn anh khuyên: thôi mi đi Đoàn Ca kịch rồi, con Tiết (tên thật của Ánh Tuyết) cho đi qua Đoàn Ca múa, hợp hắn hơn! Thế là tôi qua ca múa. Mấy tháng sau, Đoàn giải thể tốp ca nữ, trong đó có tôi.
Lúc đó, tôi trúng tuyển khoa Thanh nhạc, ĐH Nghệ thuật Huế rồi. Mà xin thì đoàn không cho đi. Lúc thi, tôi mới hát, hiệu trưởng, hiệu phó kêu: thôi được rồi, con rứa là được rồi đó, khỏi cần tuyển nữa! Nhưng con sợ Đoàn không cho con đi, mà nếu Đoàn cho con đi trễ thì sao? Không sao, cỡ nào cũng nhận hết. Vậy nên tôi mới nói ông anh đem ra nộp, trễ hơn một tháng. Trường nhận liền. Một tháng sau là thành vedette của Huế, ồn ào lên. Buồn cười lắm.
Đã kinh qua dân ca, cổ điển, bán cổ điển, rock, pop... Đến jazz, chị cảm thấy hát có gì khác?
Khác nhiều. Hát loại jazz này giống như một sự giải tỏa mạnh. Có thể mình cảm thấy thoát ra được những ức chế, nói lên được những điều mình muốn nói.
Có vẻ nó gần với bản thân mình hơn?
Đúng, nó gần với tâm trạng của chính bản thân mình. Tôi nghĩ ai cũng có điều đó và họ kìm nén, mà sự biết kìm nén thì đến một độ cao đó, anh mới có thể thể hiện, hoặc cảm nhận được chất jazz.
Thế còn rock ngày trước chị hát kkông giải tỏa được?
Rock là có gì nói luôn. Còn jazz là nói đúng lúc, mà nói là nói cho đến cùng và nói cho sâu, mà nén thì phải nén tận cùng. Bên nhạc pop của mình cũng có cái đó, một là anh phải lửa, không thôi anh phải kìm nén toàn bộ hoặc phải lắng. Có những câu hát giống như dao lam cắt vậy, có những câu hát thì mình phải giống như cục đá mà choảng một cái, hoặc mình tưởng tượng là mình có thể nâng lên cả một căn nhà...
Tính tôi thận trọng. Thời đó, ít ai hát nhạc ngoại, mà hát thì cũng toàn là nhái, như con vẹt thôi. Nhiều người ẩu, tập qua 2 - 3 lần lên hát, cứ líu lo, ít ai biết cho nên cứ vỗ tay . Tôi thì không. Như bài Joline tôi tập cả năm trời, cho người này người kia nghe, công nhận rồi, tôi mới chịu hát.
Có lần chị nhảy văng cả guốc xuống khán giả. Bài gì mà ghê vậy?
"Em là bài ca của anh, Bài ca yêu thương trọn đời..." lời này trong cái phim nào đó, đại thể tôi không nhớ tác giả. Ngày xưa, đi diễn kiểu đó vui lắm. Đủ thứ sự cố. Còn cái này mới kinh nữa. Vừa cắt amidan hôm qua, hôm nay xuất viện, về nhớ đoàn xung kích, đi theo xuống diễn dưới Phù Lương (Huế).
Xuống đó, ngứa cổ lên hát. Ông Tú (ca sĩ Trầm Tú) cản tôi hát, lúc đó ông là người yêu, ông làm căng lắm. Tôi là người rất ngang, nói ngọt ngào còn nghe, ra lệnh tôi làm ngược lại. Năn nỉ đã một hồi, ông bảo thôi thì hát bài gì nhè nhẹ... Tôi hát bài Trị An: "Như câu hát, mãi... bay xa"... Đêm ấy, ai cũng sợ tôi bị rách cổ.
Thế chị có làm sao không?
Không! Hồi tháng 11/2001, tôi cắt amida lần thứ hai. Xong cái tôi lên Nhịp cầu âm nhạc hát bài của Huy Du "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca"... Tôi lên đến nốt đó luôn, nhưng không sao. Ai nấy sợ, tại vì trước khi tôi hát bài đó, MC Minh Hương ra giới thiệu, chị Ánh Tuyết vừa cắt amidan một tuần trước, bác sĩ ngồi dưới cũng phải lo...
Tôi thuộc loại lì, mới mổ đốt sống cổ xong hơn tuần, cái cổ đang bó. Mà đã ký hợp đồng với M & Tôi rồi, hai đêm sau Tết 2001 đó tôi lên hát, tôi lắc "Ô mê ly", bác sĩ ngồi dưới run, sợ rơi cổ (cười). Cũng giống như hồi năm 91, tôi bị ngã xe, vỡ đầu, gãy ngón chân, vào bệnh viện bó bột. Bó gì mà lỏng lẻo chán qúa, về cưa bột ra, bó lại còn chặt hơn. Đi hát nhảy luôn, tưng tưng. Trời! về nó sưng... Tôi mà thích cái gì là tôi liều lắm! Chết thôi!
Nhưng bây giời... cũng đỡ rồi?
Bây giờ, tư cách của người lớn nó phải khác (cười), phải gương mẫu. mà như vậy cũng chán lắm! Mệt lắm! Không thích đâu! Tôi ưa phá phách lắm... à, ở Mỹ có khán giả nghe tôi hát "Về lăn trầm" nói, qua bài này mới thấy tiếng hát Ánh Tuyết rất nổi loạn, muốn phá phách.
Chị chỉ nổi loạn trong bài hát thôi?!
Không, cái tính tôi cũng thích nổi loạn, cũng thích phá phách lắm, nhưng bây giờ già cái đầu rồi không dám (cười). Buồn cười lắm, bây giờ tôi mới biết tôi 45 tuổi. Lúc lấy chồng, 35 tuổi tôi cứ nghĩ tôi 25!. Thời gian gần đây tôi cũng nghĩ mình 35 (cười)... Được cái già đầu nhưng vẫn vô tư. Gặp chuyện vui là quên hết, làm ăn dẹp qua bên, vui cái đã tính sau. Vậy đó, tôi hay có tính sa đà lắm.
Thế cho nên mấy chục năm chị mới ra được chừng ấy album!?
Ờ đúng, cũng tại cái tính đó. Với lại, đúng ra bên cạnh tôi phải có một người... Tại mình tôi làm đủ thứ chuyện quá!
Theo Quốc tế Thị trường & Tiêu dùng