Anh Quân nói về ca khúc viết riêng cho ca sĩ Phương Anh
Ấp ủ đề tài này từ rất lâu, nhưng mãi đến Bài hát Việt tháng 7, Anh Quân mới công bố "Giấc mơ của tôi". Bài hát cũng là "hit" trong album chưa đặt tên của ca sĩ Phương Anh sắp sửa được phát hành.
Chứng kiến Anh Quân cuống quít vội vàng chở bé út đi khám, dáng cần mẫn của một ông bố tràn ngập tình yêu thương đối với con cái mới thấu hiểu tại sao anh lại có cảm xúc đến thế khi chứng kiến những đứa trẻ lang thang không vòng tay cha mẹ che chở. Ấp ủ đề tài này từ rất lâu, nhưng mãi đến Bài hát Việt tháng 7, Anh Quân mới công bố "Giấc mơ của tôi". Bài hát cũng là "hit" trong album chưa đặt tên của ca sĩ Phương Anh sắp sửa được phát hành.
"Giấc mơ của tôi" đến với anh từ khi nào?
Cảm xúc chợt đến rất đơn giản khi tôi nhìn thấy những trẻ em lang thang nơi hè đường. Đề tài này tôi ấp ủ từ rất lâu vì trong giấc mơ của tôi luôn được thấy tiếng nói tiếng cười hạnh phúc trẻ thơ. Mãi đến khi làm biên tập âm nhạc cho album sắp phát hành của Phương Anh (hiện chưa có tên), tôi mới quyết định triển khai bài hát này. Đây là một trong những bài chủ đạo của album.
Không xuất hiện cùng Mỹ Linh mà với Phương Anh phải chăng đây là sự thay đổi "chiến thuật"?
Hoàn toàn không phải vậy. Những bài tôi đã viết riêng cho Mỹ Linh chỉ có Mỹ Linh hát được, còn nếu là dành riêng cho Phương Anh thì tôi tin rằng không ai có thể hát ngoài Phương Anh. Phong cách sáng tác của tôi là hiểu cá tính và chất giọng của từng ca sĩ để khai thác tối đa khả năng thể hiện của họ.
Vậy giọng ca Mỹ Linh và Phương Anh đã được anh khai thác thể nào?
Tôi "bóc" tối đa sự ngọt ngào, quãng rộng và âm vực cao của Mỹ Linh. Còn Phương Anh lại là một âm vực khác, âm vực trầm rất tốt. Không "mượt mà" như Mỹ Linh nhưng có chất "bụi bặm" và đầy cá tính trong giọng hát của cô.
Tại sao anh lại chỉ viết cho từng ca sĩ, vì như thế sẽ làm hạn chế sự truyền bá các ca khúc của anh?
Tôi cho rằng đã đến lúc qua thời sáng tác các ca khúc quần chúng và phải chuyên nghiệp hoá và chuyên sâu cho từng ca sĩ mới đẩy được khả năng cho từng người.
Anh sống thế nào với nghề nhạc?
Nhạc sĩ nước ta sống được nhưng không giầu. Ở nước ngoài, nhạc sĩ không những sống được mà còn rất giầu (cười).
"Sống được" có nghĩa thế nào thưa anh?
Ví dụ album của chúng tôi Tóc ngắn 1&2 đã tiêu thụ được 100.000 bản, Made in Việt Nam đã bán hết 40.000 bản. Đó là một con số đáng tự hào và hầu như không tưởng tại Việt Nam. Doanh số đó tạm ổn cho việc tái đầu tư các thiết bị hỗ trợ cho sáng tác của chúng tôi như mua các bản quyền phần mềm, hay trả tiền cho các trang thiết bị làm nhạc... Nhưng chúng tôi không vì thế mà trở thành tỷ phú được.
Anh có thể cho độc giả biết một chút về album Chat cùng Moza, tại sao lại có một cái tên "lai căng" đến vậy?
Nền âm nhạc cổ điển luôn được coi là báu vật của nhân loại. Gọi là thể loại nhạc bác học vì thế nó kén người nghe. Tâm nguyện của chúng tôi, những người biên tập album này là làm cho nó trở nên dễ nghe, gần gũi với đời thường hơn, không quá kinh viện chủ nghĩa.
Anh có tin tưởng vào sự thành công của album này không?
Tôi rất tin tưởng, thậm chí nếu không thành công về mặt doanh thu thì chúng tôi vẫn thành công trong việc truyền bá kho báu nhạc cổ điển của nhân loại.
Có ý kiến cho rằng, chất liệu âm nhạc Việt Nam phong phú và đa dạng, tại sao anh phải vay mượn âm nhạc của nước ngoài để đưa vào album những ca khúc Việt, phải chăng đó là sự bế tắc trong sáng tác. Ý kiến của anh về vấn đề này thế nào?
Tôi cho rằng đó là một ý kiến hoàn toàn bảo thủ. Trong khi mà mọi thứ chúng ta dùng đều có nguồn gốc nước ngoài, thậm chí bảy nốt đồ, rê, mi, pha, son, la, si, đố cũng dựa trên nền nhạc khí phương Tây. Mọi nước đều đang sử dụng chất liệu đó. Nhạc viện Hà Nội có hẳn một khoa âm nhạc cổ điển. Đây không phải là hình thức vay mượn mà là một sự hoà nhập trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.
Cám ơn anh.
Theo VTV