1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Ấn tượng của triển lãm "Tự do nội tại"

(Dân trí) - Triển lãm “Điểm đến II” có chủ đề “Tự do nội” tại, giới thiệu 38 sáng tác mới của 4 họa sĩ và nghệ sĩ nhiếp ảnh mỹ thuật Malaysia; 3 họa sĩ và nghệ sĩ nhiếp ảnh mỹ thuật Mỹ; và 3 họa sĩ Việt Nam.

Sau 2 năm kể từ thành công ban đầu của triển lãm Điểm đến I (tháng 3 - 2012) tại cùng địa điểm triển lãm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với sự tham gia của họa sĩ hai nước Việt Nam và Malaysia, Điểm đến II lần này có thêm hai yếu tố mở rộng mới: có sự tham gia của 3 nghệ sĩ đến từ Mỹ và có thêm 2 hình thức nghệ thuật thị giác: nhiếp ảnh mỹ thuật và nghệ thuật sắp đặt.

Lĩnh vực nhiếp ảnh mỹ thuật vẫn còn là một miền đất mới đối với các nghệ sĩ Việt Nam. Vì thế, sáng tác của ba nghệ sĩ đến từ Mỹ và Malaysia chắc chắn sẽ là tham khảo thú vị dành cho nghệ sĩ và công chúng Việt Nam quan tâm đến loại hình này. Atiqah Yusof (Malaysia) chọn các thân cây khô làm đối tượng chính cho bộ ảnh của mình. Cô chụp chúng ở nhiều địa điểm khác nhau, có những can thiệp nhất định của kỹ thuật số để đem lại hiệu ứng thị giác mới mẻ, chia sẻ thông điệp về cái chết và sự hồi sinh của thiên nhiên. Lần đầu tiên, John D'Agostino, nghệ sĩ người Mỹ, đem đến Hà Nội những bức ảnh được sáng tác trên nền những bộ sưu tập tranh kính của ông nội anh, nhà sưu tập danh tiếng Vito D'Agostino (1898 - 1968). Những góc nhìn độc đáo của một người trẻ về bộ sưu tập quý giá của gia đình mình đồng thời gợi lên những cảm nhận thẩm mỹ khác, như là sáng tạo đương đại trên phông nền lịch sử. Cùng là một người Mỹ nhưng Larry D'Attilio lại tìm cảm hứng sáng tạo nhiếp ảnh mỹ thuật với các nhân vật người Việt Nam. Sự ưu tư, mạnh mẽ, lãng mạn, vui vẻ và tự tin của phụ nữ Việt Nam hôm nay là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của Larry, một nghệ sĩ đã từng đi qua rất nhiều vùng đất trên thế giới.

Chủ đề của triển lãm, Tự do nội tại, là điểm tựa để nhà tổ chức trao đổi với nghệ sĩ về việc chọn sáng tác trưng bày hoặc lên ý tưởng xây dựng sáng tác hoàn toàn mới như với họa sĩ Ngô Hải Yến (Việt Nam). Một điều đáng chú ý tiếp theo trong triển lãm này là đa phần sáng tác đều lấy chân dung con người làm trung tâm điểm. Những chân dung đa diện của Brant Kingman (Mỹ), những đôi mắt ám ảnh của Đặng Tú Thư (Việt Nam), những chân dung (hay là mặt nạ?) nhòa mờ trong bối cảnh không gian của Yusof Ghani (Malaysia), rất nhiều gương mặt vui buồn với đời trong sắp đặt của Ngô Văn Sắc,... chắc hẳn sẽ đem đến cho công chúng thưởng lãm những khoảnh khắc cảm xúc khó quên.

Sự kiện này đã nhận được sự tài trợ và hỗ trợ của các nghệ sĩ tham gia, khoa Nghệ thuật - Đại học Sư phạm Hà Nội, tổ chức Greater Milwaukee Foundation's Mary L. Nohl Suitcase Fund, ông Tom Linzmeier, Nghệ sĩ violon Pamela B. Foard (người Mỹ) và một số hỗ trợ từ Mỹ thông qua tổ chức Fracture Atlas.

Buổi triển lãm thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả yêu hội hoạ, cũng như các cơ quan báo chí, truyền thông. Để tổ chức thành công buổi triển lãm, ban tổ chức gặp rất nhiều khó khăn trong việc chọn lựa hoạ sĩ, mời các hoạ sĩ đến Việt Nam. Chị Nguyễn Tâm, đại diện BTC chia sẻ: “Thực sự rất khó khăn để mời các hoạ sĩ với tư cách là một cá nhân, với kinh phí tài chính hạn hẹp. Ngay trong quá trình chuẩn bị triển lãm cũng vậy, sau khi đã mời các hoạ sĩ rồi nhưng có cá nhân vì lý do khách quan không thể tham gia được đã làm cho chương trình của chúng tôi bị đảo lộn. Vì những khó khăn như thế, tôi cũng mong muốn Nhà nước, cũng như các tổ chức quan tâm, giúp đỡ để chúng tôi có những buổi triển lãm tiếp theo…”

Một số hình ảnh của triển lãm chủ đề “Tự do nội tại”:
 
Trúc Diệp


Trúc Diệp


Trúc Diệp


Trúc Diệp


Trúc Diệp


Trúc Diệp


Trúc Diệp

Trúc Diệp