Âm nhạc truyền thống đang là “mốt” của truyền hình thực tế

(Dân trí) - Tại các gameshow truyền hình thực tế, biểu diễn các tác phẩm âm nhạc truyền thống sẽ dễ gây ấn tượng với khán giả và được truyền thông quan tâm bởi là “của hiếm”.

Cậu bé “Thị Màu” Nguyễn Đức Vĩnh vừa đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt với màn hóa thân trong trích đoạn tuồng kinh điển "Ông già cõng vợ đi xem hội". Màn trình diễn được dàn dựng công phu, độc đáo cộng với sự chuẩn bị rất tốt đã gây thiện cảm đối với các giám khảo và khán giả truyền hình.
Nhìn lại hành trình đến ngôi vị cao nhất của bé Nguyễn Đức Vĩnh khiến rất nhiều người khâm phục, bởi với những đứa trẻ tầm tuổi này chỉ biết hát những bản nhạc thời thượng, thậm chí chẳng hiểu gì đến nghệ thuật truyền thống. Ấy thế mà “cậu bé Thị Màu” lại đam mê, giữ lửa với nhiều loại hình nghệ thuật này, và diễn rất ngọt từ chèo “Thị màu lên chùa”, “Xúy vân giả dại”, đến hát văn trong “Cô đôi thượng ngàn”, thậm chí hát cả tuồng cổ trong trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”. Mỗi nhân vật, mỗi loại hình nghệ thuật bé điều gây ấn tượng thuyết phục.
Âm nhạc truyền thống đang là “mốt” của truyền hình thực tế

Trong chương trình “Gương mặt thân quen” khán giả cũng từng chứng kiến sự lên ngôi của ca sỹ trẻ Hoài Lâm. Với giọng hát có kỹ thuật tốt, đặc biệt là những biểu cảm trong cách diễn, Hoài Lâm rất gây ấn tượng khi biến hóa thành cụ Hà Thị Cầu ngồi hát văn, rồi lại hóa thân ấn tượng trong trích đoạn cải lương “Tiếng trống Mê Linh”.

Cả hai sự lên ngôi này đều được lòng công chúng khi chọn những tác phẩm nghệ thuật truyền thống trong nước để thi bởi sự nâng niu, trân trọng và yêu mến loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra còn có rất nhiều những gương mặt lựa chọn những hướng đi này khi tham gia các chương trình truyền hình thực tế (THTT), và rất nhiều trong số đó gây ấn tượng.

Hầu hết các chương trình về âm nhạc đang ăn khách trên truyền hình hiện nay, ít nhiều trong đó có các phần trình diễn loại hình âm nhạc này. Từng có Hà Vân gây ấn tượng với dân ca nam bộ trong “Nhân tố bí ẩn”, Kiều Anh hát văn, ả đào tại sân chơi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”, cô bé Phương Mỹ Chi ngọt ngào hát dân ca trong “Giọng hát Việt nhí”…  Họ diễn những tác phẩm mang âm hưởng nghệ thuật truyền thống phần vì đam mê, phần vì có khả năng hát tốt thể loại này, và cũng phần nào đó là sự tính toán trong một cuộc thi. Ít nhiều trong số đó rất được yêu mến và có thêm nhiều fans.

Đừng chỉ là “mốt”

Trong các chương trình THTT về âm nhạc đang phát trên các kênh sóng truyền hình thời gian qua, hầu hết là cuộc chơi của nghệ sĩ trẻ và dành cho đối tượng khán giả trẻ. Những ca khúc nhạc trẻ, ca khúc nước ngoài, những thể loại rap, hiphop gần như chiếm ưu thế.

Thể loại âm nhạc từng quen thuộc trong đời sống văn hóa như tuồng, chèo, cải lương, dân ca… lâu rồi ít xuất hiện trên truyền hình, vì thế khi xuất hiện, được làm mới dễ nghe hơn, diễn trên sân khấu truyền hình được dàn dựng chu đáo nên các nghệ sĩ trẻ có cơ hội tạo ấn tượng tốt với khán giả. Tại các chương trình THTT, diễn các tác phẩm âm nhạc truyền thống rất dễ gây ấn tượng với khán giả vì được ví như “của hiếm”. Nắm được sự ưu ái đó, các nhà sản xuất rất đầu tư mạnh cho việc dàn dựng công phu mỗi tiết mục, thậm chí là tư vấn cho ca sĩ nên tìm những ca khúc dạng này để thi cho thêm phần độc đáo.

Âm nhạc truyền thống cuốn hút là vậy nhưng liệu rời các sân chơi truyền hình thực tế thì có chỗ đứng vững chắc hay không? Liệu sẽ có bao nhiêu chương trình mởi những Đức Vĩnh, Kiều Anh, Thiện Nhân, Phương Mỹ Chi tới hát nhạc truyền thống... Để âm nhạc truyền thống không bị mai một đòi hỏi nỗ lực của nhiều tổ chức, cá nhân chứ không thể chỉ là nỗ lực của một vài nghệ sỹ trong các show truyền hình thực tế.

Hữu Đông