1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

AC&M: Những chàng không còn cô đơn

Với đám cưới đầu tiên của một thành viên trong nhóm - Thụy Vũ - vào cuối tháng 8 vừa qua và quyết định đi du học ở Malaysia của một thành viên khác - Lê Nam Khánh - tưởng đâu phen này nhóm ca nam AC&M phải tan rã. Nhưng (thật may) người đi xa đã trở về và AC&M tại đoàn tụ.

Nhiều nhóm ca hợp rồi tan khá nhanh, riêng AC&M đã trụ được bốn năm. Điều gì làm cho các thành viên của nhóm gắn bó với nhau lâu như vậy?

Hoàng Bách: Chúng tôi gặp nhau ở một điểm chung là tình yêu âm nhạc. Việc kết hợp tại không chỉ có sự say mê mà còn có cả quyền lợi nữa.

Thụy Vũ: Sự kết hợp này đã giúp chúng tôi từ con số không trở thành những người có chỗ đứng khá vững trong lòng công chúng.

Đình Bảo: Khả năng chuyên môn của các thành viên đều được nâng lên, từ khả năng cảm nhận về âm nhạc, về thị trường, về phong cách trên sân khấu. Hướng đi của nhóm ngày càng rõ và các tác phẩm chọn lựa ngày một chững chạc hơn.

Nam Khánh: Chúng tôi xác định được số lượng khán giả của mình, không quá ào ạt nhưng ngày một tăng. Nếu chúng tôi giữ được “đẳng cấp" thì lớp khán giả này vẫn luôn còn. Bằng chứng là các album của AC&M, kể cả album cá nhân, đều bán khá chạy. Còn một lý do khiến chúng tôi không... chán nhau là ngoài công việc chung của nhóm, mỗi người đều có sự nghiệp riêng để theo đuổi.

Các bạn có thể hé lộ “sự nghiệp riêng” ấy?

Hoàng Bách: Như tôi là đẩy mạnh việc hát solo. Từ vài ba tháng nay, tôi bắt đầu hát đơn ca ở một số phòng trà, quán bar và đã có một show riêng ở CLB Planet.

Thụy Vũ: Tôi dành nhiều công sức và tiền bạc cho thú chế tạo máy bay trò chơi điều khiển từ xa. Tôi vốn là “dân Bách khoa" mà!

Đình Bảo: Tôi tiếp tục học năm thứ tư (Đại học Thanh nhạc - Nhạc viện TP) và từng bước xây dựng một phòng thu tại nhà. Tôi đang nghiên cứu phần mềm xử lý âm thanh trong kỹ thuật thu âm.

Nam Khánh: Tương lai xa của tôi là mở một trung tâm dạy nhạc tư nhân. Vì muốn bổ sung kiến thức về nhạc nhẹ, vừa qua, tôi đã thi đậu vào Học viện Âm nhạc Berklee (Mỹ) và theo quy định, phải sang Malaysia học hai năm đầu trước khi chuyển qua học tiếp hai năm nữa tại Mỹ. Nhưng tôi không quen với môi trường sống và thức ăn ở Malaysia nên mới một tháng đã bị sụt mất 5 kg, đành phải quay về. Tôi đang làm thủ tục học lại cao học tại Nhạc viện TP và tiếp tục nhận dạy kèm học trò như trước nay vẫn làm. Ngoài ra, tôi cũng thường nhận được lời mời đơn ca.

Hỏi nhỏ điều này: Các anh có thể tiết lộ vài nhận xét về nhau?

Hoàng Bách: Thụy Vũ sống chân thành, có đam mê. Đình Bảo ít nói, lãng mạn. Nam Khánh lành tính, ít quyết đoán, có biệt danh là... "Rùa già" vì lúc nào cũng chậm hơn mọi người.

Thụy Vũ: Hoàng Bách nhìn có vẻ thư sinh nhưng lại là người thường xuyên chơi và chơi rất nhiều môn thể thao như bóng đá, bowling.... Hắn sáng tác nhiều nhất nhóm, khoảng 30-40 ca khúc. Nam Khánh có kiến thức âm nhạc vượt trội, rất mê... ngủ. Còn Đình Bảo từ nhỏ đã dễ bị bạn bắt nạt, thường xuyên phải nhờ anh trai (là tôi) che chở. Nhưng đó là người đã "khai sáng” cho tôi vào trường nhạc. Bảo rất mê và có kiến thức về máy tính.

Đình Bảo: Khi mới vào Nhạc viện, thấy anh Nam Khánh đệm đàn cho học sinh lớp thanh nhạc, tôi đã rất ngưỡng mộ. Đến giờ, anh vẫn là người giỏi nhạc nhất nhóm. Hoàng Bách là người sống có trách nhiệm, đã làm gì là theo đuổi đến cùng còn anh Thụy Vũ của tôi thì có “bệnh" đam mê. Hồi nhỏ, anh mua kiếng về rồi lấy lon sữa bò làm kính viễn vọng, leo lên sân thượng ngắm sao. Năm 9 tuổi học võ, anh leo lên lầu hai nhảy xuống... đống cát, khiến ba mẹ hết hồn. Mỗi khi anh “chế tạo" máy bay thì thức đến ba, bốn giờ sáng, máy bay chạy rè rè làm cả nhà không ai ngủ được. Còn bây giờ, mỗi khi chuẩn bị đi hát, anh dành cả ngày luyện thanh, vào cả toitel đóng kín cửa lại.

Nam Khánh: Hoàng Bách nhanh nhẹn, sống tốt với anh em, chỉ tội hơi nóng tính. Thụy Vũ hồn nhiên vô tư, sau khi cưới vợ hơi đổi tính: trước ít nói, giờ hay đùa giỡn. Đình Bảo có giọng hát hay, năng lực chuyên môn giỏi, tính tình quá hiền lành nên đôi khi thụ động, nếu sôi nổi một chút nữa thì... tuyệt!

AC&M cảm nhận sự khác biệt như thế nào giữa lúc còn “ẩn danh” với khi đã nổi tiếng?

Hoàng Bách: Khác nhiều. Bây giờ ra đường ai cũng nhận ra nên chúng tôi phải sống có trách nhiệm hơn. Điều tôi thấy mình “được” nhất là làm cho bố mẹ tự hào vì trong ba anh em trai, chỉ mình tôi theo nghề bố mẹ (bố là biên đạo múa Hoàng Hải, mẹ là ca sĩ Thục An). Ở live show AC&M, lần đầu tiên sau nhiều năm, bố lên sân khấu ôm tôi. Tôi hiểu rằng mình đã làm được việc có ý nghĩa.

Thụy Vũ: Gia đình họ hàng tôi xưa nay thảy đều tham gia ca đoàn nhà thờ. Cũng nhờ tình cờ gặp Nam Khánh đệm đàn ở nhà thờ giúp bạn mà hai anh em tôi được rủ rê thi vào Nhạc viện. Nghĩ mình học cho biết, đâu ngờ thành chuyên nghiệp. Anh em tôi giờ đi đâu cũng “bị điểm mặt". Các chị tôi thỉnh thoảng lại cười “sung sướng” khi có ai xì xầm: “Chị của AC&M đó!".

Đình Bảo: Ở trường nhạc, dường như chúng tôi trở thành "mực tiêu gần" để các em lớp sau phấn đấu. Các thầy cô cũng yêu mến và tự hào về AC&M vì phần nào làm được cái việc đem âm nhạc hàn lâm đến với thị trường.

Nam Khánh: Từ khi trở thành người của công chúng, chúng tôi ra đường bị “chỉ trỏ” nhiều hơn, song điều thú vị là nhiều người ngờ ngợ không dám chắc vì chúng tôi ăn mặc tuềnh toàng, không “diện" như các ca sĩ khác. Bố mẹ tôi (nhạc sĩ Lê Khiêm và nữ nhạc sĩ Minh Ngọc, đều là cựu trưởng đoàn ca nhạc QK7) tỏ ra hài lòng khi thấy cả hai đứa con theo được nghề đúng như ước nguyện. Em gái tôi hiện là giảng viên piano Nhạc viện TP (Lê Minh Nga). Tôi cũng đã tốt nghiệp trung cấp dài hạn piano, nên việc thành công ở con đường ca hát là ngoài dự kiến của bố mẹ.

Người phụ nữ như thế nào mới "hợp nhãn "AC&M?

Hoàng Bách: Tôi ghét nhất là người không trung thực, thiếu chân thành. Người yêu tôi hiện đang học năm cuối ngành công nghệ thông tin. Chúng tôi gặp nhau khi AC&M được mời biểu diễn chung với nhóm người mẫu Hoa học đường. Tôi “chấm" cô ấy vì đó là người “ít” giống người mẫu nhất. Chúng tôi dự định sẽ tiến tới hôn nhân vào đầu năm 2007.

Thụy Vũ: Tôi vừa cưới vợ sau tám năm gặp nàng từ lớp luyện thi đại học. Vợ tôi hiện là sinh viên cao học ngành công nghệ thực phẩm. Có được một người vợ chuyên về chế biến thức ăn còn gì bằng! Tôi thích sự duyên dáng nơi phụ nữ và cô ấy luôn như vậy trong mắt tôi kể từ khi chân chúng tôi “đá” nhau dưới gầm bàn học. Cuối tháng 9 này, tôi sẽ về Tiền Giang ra mắt bà con quê vợ.

Đình Bảo: Bạn gái tôi đang học ở Trường ĐH Quốc tế RMIT, nàng hãy còn... nhỏ (19 tuổi) nên chúng tôi chưa tính toán gì. Tôi muốn người phụ nữ của mình phải có đồng cảm. Còn gì "bi kịch” cho bằng người nàỵ nói mà người kia không hiểu!

Nam Khánh: Nghề ca sĩ có gì đó không ổn định khiến "nhà gái" thường dè dặt. Tôi lại quá bận, ít có thì giờ chăm sóc ai nên phải nói người bạn gái hiện nay của tôi là một người can đảm. Cô ấy học cao học ngành quan hệ quốc tế. Chúng tôi đang tính thời điểm thuận lợi để “góp gạo". Tôi mong ước có một người vợ hiền lành, thông minh, biết lo lắng cho gia đình.

Xin cám ơn các bạn và chúc AC&M thành công và hạnh phúc.

Theo Người Lao Động