Á hậu Thuỵ Vân: Tôi vốn được cho là “người đẹp an toàn”...
(Dân trí) - Á hậu Thụy Vân đã chia sẻ nhiều điều về công việc, cuộc sống, thậm chí người đẹp cũng không giấu giếm những điều cho là "mất" sau cuộc thi hoa hậu cùng chuyện tình cảm riêng tư của mình.
Dạo này tôi cũng bận rộn hơn do có nhiều event cũng như lịch công tác mới với vai trò đại sứ thiện chí của một tập đoàn vàng bạc đá quý. Đồng thời, tôi cũng đồng hành với hội chữ thập đỏ trong TPHCM trong đợt vận động vì nạn nhân chất độc da cam.
Nhận được khá nhiều lời mời đóng phim hấp dẫn, sao Vân không thử sức?
Thú thật là tôi có nhận được những lời mời đóng phim nhưng vẫn sợ chị ạ, làm sao để mình sống trọn vẹn là một cuộc đời khác để mọi người tin đó là nhân vật chứ không phải “cô Thuỵ Vân giả vờ” khiến cho tôi băn khoăn.
Chứ không phải như người ta vẫn nói, người đẹp vốn sợ cực khổ...?
Thực ra thì, thời gian, diễn xuất, sự cực khổ..., tôi đều sợ cả (Cười).
Chẳng biết có phải mình tham lam không nhưng tôi thực sự ao ước, khi mình đã nhận lời đóng phim sẽ phải làm tốt và nhận được kết quả tốt.
Có người bạn đã nói với tôi rằng: “Em hãy sống để hiểu hết con người của chính mình đã, khi đó em mới có thể sống cuộc đời nhận vật để thể hiện nó tốt trên phim được”. Mà để hiểu hết chính con người mình, những xung đột, những mâu thuẫn, những sự thay đổi trong suy nghĩ bản thân là cả một vấn đề.
Á hậu, hoa hậu hay người đẹp thì đều có thể đóng phim nếu như họ diễn xuất tốt và làm hết sức mình bởi khi đó họ sẽ được nhìn nhận với vai trò của một diễn viên chứ không phải danh hiệu họ mang trên người.
Cho đến thời điểm này, khi có thời gian để nhìn lại, những cái mà Vân được sau khi khoác lên mình danh hiệu Á hậu Việt Nam thì đã rõ rồi: nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc, được mọi người chú ý, mến mộ... nhưng có lúc nào Vân chạnh lòng về những cái đã “mất”?
Tôi vốn được cho là “người đẹp an toàn” vì mọi thứ xung quanh đều bình lặng, giản đơn nên nói “mất gì sau khi khoác lên mình danh hiệu Á hậu” khiến tôi thật sự suy nghĩ.
Có danh hiệu, nối tiếng, xuất hiện thường xuyên trên báo chí, xung quanh Vân có rất nhiều người đàn ông ao ước. Vậy trái tim người đẹp có khi nào loạn nhịp trước cử chỉ cảm động của một “vệ tinh”?
(Cười) Không dám gọi là vệ tinh đâu, có khi nhìn thấy mình họ còn cho rằng trăng sao khó gần ấy chứ. Tất nhiên là có nhiều người quan tâm đến mình hơn nhưng tôi quan niệm mình đã có người yêu nên luôn trong tình trạng “bạn bè ở giới hạn cho phép”. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi tin mọi người cũng nhận ra sự thẳng thắn của mình, trong mọi mối quan hệ, kể cả với người khác giới.
Nếu đang đi ngoài đường, bất ngờ có chàng trai buông lời tán tỉnh, Thuỵ Vân phản ứng như thế nào?
Thú thật là tôi lờ đi như chẳng nghe thấy gì, tốt nhất là tránh xa, nếu người ta đường hoàng đã chẳng buông lời tán tỉnh tôi trên đường phố rồi.
Đàn ông thường ghen khi người phụ nữ của họ dành thời gian ở bên ngoài gia đình. Liệu bạn trai của Vân có nằm trong số đó?
Ghen vì tôi dành thời gian cho công tác xã hội thì chắc “chưa”, vì bây giờ mới ở giai đoạn đang yêu nhau. Còn tôi cũng chư biết liệu khi lấy nhau về rồi thì thế nào (Cười).
Thường xuyên phải xa nhau vì hoạt động xã hội, công việc bận rộn thì điện thoại chính là sợi dây liên kết của hai trái tim đang yêu. Tò mò một chút, mỗi ngày bạn trai nhắn tin, gọi điện cho Vân khoảng bao nhiêu lần?
Thường thì khi có việc này việc kia thì anh mới nhắn tin hay gọi điện nhiều. Nhưng chắc là gọi ít nhất 3 lần mỗi ngày (Cười).
Không ít người đẹp nói rằng, nhìn ra xung quanh thấy bạn bè hôm nay gia đình yên ấm, ngày mai đã lại sóng gió; hôm trước còn yêu thương nhau hôm sau đã dẫn nhau ra toà li dị, nhìn mà thấy sợ, không muốn kết hôn nữa... Nhìn những cảnh như vậy, Thuỵ Vân có sợ cuộc sống hôn nhân?
Tôi thì nghĩ là mọi người cứ nghĩ chung về giới nghệ sỹ và những người nổi tiếng như vậy là bởi vì chỉ có những người của công chúng chuyện riêng tư của họ mới được chia sẻ trên mặt báo, và rút cục chịu sự đánh đồng đó.
Tôi không sợ hôn nhân, bởi hôn nhân là giai đoạn chuyển giao quan trọng của một đời người. Dù mỗi người sẽ mất chút cơ hội tiến thân vì những ràng buộc gia đình, ví dụ như đi công tác xa cũng phải nghĩ ngợi, đi du học cũng phải xem xét, tiêu một món tiền cho những vật có giá trị cho bản thân cũng phải nghĩ đến chồng đến con... nhưng bù lại mình hoàn thành trách nhiệm với tương lai của mình ( tinh thần tuổi già, cuộc sống người già...), với cha mẹ, tạo nền tảng mới cho xã hội( các thành viên mới trong cộng đồng xã hội ). Và quan trọng hơn nữa, tôi tìm thấy một phần ý nghĩa trong cuộc sống của chính mình.
Nguyễn Hằng