Nỗi lòng phụ nữ với thiên chức làm mẹ

(Dân trí) - Chẳng biết ông cha ta đã đúc kết câu “cây độc không trái, gái độc không con” từ khi nào, để đến bây giờ, nó cứ ám ảnh và đay nghiến biết bao số phận người phụ nữ.

Từ chuyện “không biết đẻ”

 

Chị L.T.H. là một giảng viên có chuyên môn giỏi, tính tình hiền lành, nết na, rất biết cách sống. Chị kết hôn đã 8 năm mà vẫn chưa có con.  Chồng là bộ đội, lại là con trai trưởng, may mắn thay, anh không bỏ rơi chị mà vẫn kiên trì, bền bỉ cùng chị rong ruổi, chạy đôn chạy đáo từ bệnh viện phụ sản này đến bệnh viện phụ sản khác. Nhưng phía nhà chồng thì không kiên trì như thế, họ bắt ép và giới thiệu những người khác cho con trai, buộc chị phải ký vào đơn ly dị. Chẳng còn cách nào khác, chị đồng ý như một sự giải thoát cho anh. Chị chuyển nhà và xin một đứa con nuôi, sống lặng lẽ, thu mình từ đó.
 
Khám chữa bệnh vô sinh - gian nan trong hành trình làm mẹ

Khám chữa bệnh vô sinh - gian nan trong hành trình làm mẹ

 

Chị Th. (Duy Xuyên, Quảng Nam) kể về cuộc đời cay đắng của mình. Sinh ra trong gia đình đông con, nghỉ học từ sớm để lo cho gia đình, chị gặp và yêu anh lái xe thật thà, chất phác. Hai người làm đám cưới, ngày về làm dâu, chị đã nín nhịn bao hờn tủi để sống ở nhà chồng, với mẹ chồng và các bà chị chồng khó tính. Khi bố mẹ và các em ở quê vui mừng, tưởng chị lấy chồng thành phố sung sướng, được nhờ, thì chị phát hiện mình vô sinh. Hơn 1 năm chưa có con, hễ đi ra đi vào lại nghe mẹ chồng mạt sát, chị chồng chê bai. Anh chồng vốn hiền lành, mà nay liên tục cặp bồ, có khi còn mắng chửi, đánh đập chị. Mẹ chồng chua chát “không biết đẻ thì nó ra kiếm ngoài là đúng rồi, còn oan ức gì nữa”. Khổ nỗi, chị không dám kêu ai, không dám để bố mẹ ở quê phải lo nghĩ cho mình. Bản thân chị chỉ làm công nhân cũng không đủ điều kiện để vào các bệnh viện chạy chữa. Càng không dám ly dị mà cứ nín nhịn, âm thầm chịu đựng. Rồi một người bạn tốt bụng cho chị mượn tiền, chị đến khám ở bệnh viện Phụ Nữ (Đà Nẵng) khấp khởi mừng thầm khi nghe bác sĩ nói cứ theo dõi thêm, biết đâu còn hy vọng.

 

Đến chuyện phải sinh được con trai

 

Chị M.T.Dương (Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ câu chuyện của mình:

 

Hồi trước chị quen một anh cùng cơ quan. Ngày anh dẫn chị về ra mắt, mẹ anh nhìn dáng vẻ nhỏ nhắn của chị mà phán một câu: “Dương có sinh con trai được không đấy? Không được thì thằng Hiếu ra ngoài đó nghe”. Bà vừa nói vừa cười, tưởng như đùa cợt mà chị nghẹn đắng. Chị đã định chấm dứt cuộc tình đó bởi lòng tự trọng của người phụ nữ, nhưng rồi số phận thế nào cuối cùng chị vẫn về làm vợ anh. Để chắc ăn, hai vợ chồng chị đã tìm mọi phương pháp để kiếm được một “thằng cu” đầu lòng cho yên tâm.

 

Chị Quỳnh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) lại cho biết, chồng chị  là cán bộ nhà nước, anh lại là con trưởng. Khi sinh đứa con gái đầu lòng bụ bẫm, dễ  thương, anh chị ngập tràn trong hạnh phúc. Bố mẹ chồng vẫn quý cháu gái, nhưng cũng bắt đầu thể hiện sự lo lắng. Vì anh là cán bộ, nếu sinh đứa thứ hai mà vẫn là con gái thì “coi như xong”. Thế nên chồng chị bàn tính phải có sự can thiệp từ trước, kiếm đứa cháu trai để hài lòng các cụ. Hai vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt cũng vì chuyện này, bởi chị phản đối điều đó, “con cái là của trời sinh”, cứ tính toán như thế này thì có gì hay ho. Thế mà, rốt cuộc, để gia đình yên ấm, chị đành phải đến nhờ các bác sĩ tư vấn.

 

Với phụ nữ, làm mẹ là bản năng và thiên chức thiêng liêng nhưng không dễ dàng gì. Từ lúc mang thai, ốm nghén đã phải khó nhọc biết bao nhiêu, chưa kể đến khi vượt cạn trải qua những đau đớn, nguy hiểm mà chỉ có phụ nữ mới hiểu. Nhưng có bao giờ họ than vãn khi làm mẹ?

 

Xã hội văn minh, phát triển đến độ nào cũng chỉ mong rằng, cánh đàn ông có cái nhìn nhẹ nhàng, cảm thông hơn với phụ nữ. Dẫu nhọc nhằn, đau đớn đến đâu đi chăng nữa, cánh phụ nữ ngày xưa và ngày nay đều đã, đang và sẽ làm tốt thiên chức của mình.

 

Diệu Ái