Xuân Quan: Rực rỡ làng hoa gắn với du lịch sinh thái
Mới phát triển từ năm 2008, Xuân Quan đã trở thành “vựa” hoa có tiếng ở miền Bắc nhờ nhanh nhạy nắm bắt thị trường và định hướng trở thành điểm du lịch hoa – sinh thái cho người dân thủ đô và các tỉnh thành lân cận.
Chuyển đổi từ ngô lúa sang trồng hoa
Từ một vùng đất năm xưa quanh năm chỉ gắn với lúa ngô, đến nay, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên đã vang danh như một làng hoa trẻ ven sông giàu có. Đến thăm làng hoa ở xã Xuân Quan chắc hẳn ai cũng sẽ bị mê hoặc bởi những cánh đồng rộng lớn với rất nhiều loại hoa, cây cảnh cùng cuộc sống sung túc của người dân nơi đây. Ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch xã Xuân Quan cho biết: hiện hơn 60% diện tích đất canh tác của xã là dành cho hoa và cây cảnh với 900 hộ làm nghề trồng hoa. Tổng lợi nhuận từ hoa, cây cảnh của xã mỗi năm khoảng gần 200 tỷ đồng. Mức thu nhập hàng năm sau khi trừ mọi chi phí của các hộ trồng hoa dao động ít nhất từ 300 triệu cho tới cả chục tỷ đồng. Chưa bao giờ nông dân Xuân Quan lại giàu như bây giờ.
Vậy mà chỉ cách đây 10 năm, những con số này tưởng như là ước mơ quá đỗi viển vông với những hộ nông dân nơi này bởi khi đó đây chỉ là một vùng đất nghèo thuần nông, quanh năm thu nhập chắt chiu từng đồng từ lúa, ngô, đỗ, lạc. Nhưng nhờ chính sách đúng đắn của chính quyền sở tại cùng sự hỗ trợ thiết thực từ một trong những doanh nghiệp lớn tại địa phương là chủ đầu tư khu đô thị Ecopark, người nông dân đã được tham gia các khóa đào tạo chuyển đổi nghề, đặc biệt là trồng hoa, cây cảnh. Không chỉ tài trợ toàn bộ kinh phí cho các khóa đào tạo, mời các chuyên gia giỏi, dày dặn kinh nghiệm về đào tạo cho bà con, Ecopark cùng với xã và Hội Nông dân còn giám sát chặt chẽ quá trình triển khai các lớp học, tổ chức các chuyến đi thực tế tới các làng nghề nổi tiếng khác để đảm bảo tính hiệu quả của chương trình.
Nghề trồng hoa, cây cảnh đã đem lại hiệu quả cao từ 10 -20 lần (thậm chí cá biệt 50 lần với một số hộ) so với trồng lúa và hoa màu. Xuân Quan đã vươn mình trở thành một vựa hoa trẻ có tên tuổi sánh ngang với những vựa hoa truyền thống tại miền Bắc như Mê Linh, Tây Tựu.
Nhanh nhạy “bám” thị trường
Không giống như làng hoa truyền thống Tây Tựu hay Mê Linh, chuyên xuất hoa cành, Xuân Quan lại chọn hướng đi riêng là hoa chậu, hoa giỏ treo, hoa thảm, cây trang trí nội ngoại thất. Có thể nói, bất kỳ thời gian nào trong năm, thương lái và khách đến thăm đều có thể chọn mua đủ loại hoa, cây cảnh từ nơi đây.
Cùng với sự phát triển của khu đô thị Ecopark, du khách đổ về làng hoa ngày một đông. Người dân và chính quyền xã Xuân Quan lại nhanh chóng nắm bắt xu hướng, cùng nhau đồng lòng hiện thực hóa ý tưởng mới thú vị: gắn trồng hoa với du lịch sinh thái. Khác từ Hà Nội, khách đến thăm Ecopark, rồi người dân sống trong khu đô thị này nườm nượp “đổ” sang làng hoa, vừa thăm thú, chụp ảnh, vừa “tậu” được rất nhiều hoa, cây cảnh giá hợp lý về trồng.
Nắm bắt được nhu cầu đó, trong vài năm gần đây, bà con còn mạnh dạn đầu tư các giống cây mới, đặc biệt phải kể đến hàng trăm giống hoa hồng quý cho giá trị kinh tế cao như: hồng cổ Sa Pa, hồng Vân Khôi, hồng đỏ Sa Đéc, hồng đổi màu, hồng đào, hồng trứng…. Sự thay đổi trong tư duy đã giúp nhiều nông dân trẻ thu được quả ngọt khi Xuân Quan giờ đã là một trong những trung tâm trồng và buôn bán cây hoa hồng các loại sầm uất nhất miền Bắc.
Tái đầu tư, xuất ngoại học nghề, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất
Giàu lên nhanh chóng nhờ hoa, nhưng người dân Xuân Quan lại dùng tiền để tái đầu tư vào sản xuất. Là một trong những hộ gia đình có diện tích trồng hoa lớn, gia đình ông Nguyễn Văn Thơm đã đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới, nhà kính cho hơn 4.000m2 trồng hoa. Mặc dù chi phí ban đầu bỏ ra không nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn hẳn.
Một trong những cách tái đầu tư khác là nâng cao năng lực nghề nghiệp bằng những chuyến xuất ngoại. Quy tụ được hơn 30 xã viên, HTX Hoa cây cảnh Xuân Quan mỗi năm tổ chức từ 1 đến 2 chuyến đi Thái Lan, Trung Quốc, Philippines... để cho các xã viên học nghề trồng hoa bằng nguồn kinh phí tự góp.
Lão nông Phan Văn Oanh thì đã bỏ đến hàng tỷ đồng xây dựng một phòng nuôi cấy mô, thuê chuyên gia giàu kinh nghiệm từ nước ngoài cầm tay chỉ việc. Bước đầu phòng nuôi cấy mô của ông Oanh đã tạo được một số giống lan rừng, giống hoa đồng tiền từ ống nghiệm, dự kiến trong thời gian tới sẽ cung ứng ra thị trường địa phương và khu vực.
Không ngủ quên trên chiến thắng, không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, những người nông dân biến nơi đây thành một làng nghề có môi trường kinh doanh phát triển bền vững, bắt kịp, thậm chí dẫn đầu xu thế tương lai.
2018 cũng là năm người trồng hoa Xuân Quan có thêm niềm vui mới khi được đón bằng công nhận làng nghề trồng hoa cây cảnh, đã khẳng định thương hiệu và mở ra hướng phát triển bền vững của đất nghề.