Xây dựng Hội An là thành phố du lịch văn hóa, sinh thái trong tương lai
(Dân trí) - Ngày 3/12, TP Hội An đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Di sản văn hóa Hội An 20 năm bảo tồn và định hướng phát triển bền vững”. Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2019).
Hội An đang đối mặt với nhiều thách thức khi lượng khách tăng
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cho rằng, tỉnh rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Hội An. Sự gia tăng lượng khách là thách thức rất lớn đối với Hội An, về mặt cơ sở vật chất, hạ tầng, cả về vấn đề bảo tồn di tích và các giá trị văn hóa lịch sử, văn hóa cộng đồng…
“Hiện nay vấn đề du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ… của vùng phía Đông đang phát triển rất sôi động sẽ tạo áp lực rất lớn đối với Hội An về kinh tế, hạ tầng, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa-lịch sử, các yếu tố ngoại lai…
Chúng ta có thể học hỏi quốc tế, nhưng cần chọn lọc những gì là phù hợp nhất với Hội An, bảo vệ được cái “hồn” phố cổ bao đời nay chứ không rập khuôn mất bản chất. Cần giải quyết triệt để, quyết liệt nếu không tương lai lượng du khách càng tăng thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với Hội An”, ông Thanh cho biết.
Theo thống kê, đến cuối tháng 9/2019, tổng lượt khách đến Hội An ước đạt hơn 4,4 triệu lượt; trong đó khách quốc tế đạt hơn 2,6 triệu lượt, tăng 13,24% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn khách quốc tế truyền thống của Hội An là khách Châu Âu, Bắc Mỹ…
Trong vài năm trở lại đây thị trường khu vực châu Á chủ yếu là từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan trở nên sôi động hơn với sức chi tiêu cao khiến cho đời sống nhân dân Hội An nâng cao hơn. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên từ 17 triệu đồng/người năm 2008 lên gần 50 triệu đồng/người năm 2019.
Tính đến cuối năm 2018, toàn thành phố có 638 cơ sở với 10.464 phòng (khách sạn, biệt thự du lịch, nhà nghỉ, homestay).
Hội An cũng là nơi được tin tưởng giao tổ chức nhiều hoạt động hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước. Làm nhiệm vụ thường trực tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao của tỉnh như Lễ hội “Quảng Nam hành trình di sản”, Liên hoan và hội thi hợp xướng quốc tế, các sự kiện quốc gia và quốc tế như Hoa hậu Việt Nam, hội nghị APEC…
Hội An cũng được nhiều tổ chức, tạp chí quốc tế bình chọn như điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, 1 trong 15 thành phố du lịch hấp dẫn nhất thế giới…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Hội An cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như sự thay đổi chủ sở hữu trong khu phố cổ tăng nhanh khó kiểm soát, dần đánh mất cái “hồn” vốn có của đô thị cổ; tình trạng chặt chém, đeo bám, chèo kéo du khách… còn diễn ra thường xuyên và phức tạp gây ảnh hưởng đến đạo đức lối sống thuần hậu của con người Hội An xưa…
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường, nước thải đang là vấn đề nhức nhối khi bãi rác Cẩm Hà (Hội An) đã quá tải; tình hình an ninh, trật tự, các tệ nạn ma túy, cướp giật… diễn biến ngày càng phức tạp gây hoang mang cho người dân và du khách.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch TP Hội An - cho biết: “Những ghi nhận của quốc tế đối với Hội An là niềm vinh hạnh, cũng là thời cơ và thách thức lớn để Hội An cần nỗ lực hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói rằng, mỗi di sản còn hiện diện là lịch sử, nhân chứng quan trọng của nhân loại cần bảo tồn và phát huy, trong đó có Hội An và Mỹ Sơn.
Hội An đã đạt được những thành tựu to lớn, được nhiều tổ chức quốc tế công nhận nhưng bên cạnh đó còn nhiều thách thức, hạn chế cần giải quyết triệt để; góp phần hướng tới xây dựng Hội An là thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch xứng tầm trong tương lai”.
Cần giải pháp xây dựng đô thị Hội An bền vững trong tương lai
Hội thảo đã có nhiều ý kiến thảo luận, nghiên cứu của các nhà khoa học, quản lý… góp phần giúp Hội An có thêm nhiều cái nhìn khác nhau, các giải pháp phù hợp, thiết thực hơn trong quản lý, bảo tồn đô thị cổ.
Theo ông Trần Quốc Khánh (Phó vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và Unesco), cần tiếp tục thúc đẩy nhận thức chung của toàn xã hội, đặc biệt là người dân về tầm quan trọng của di sản và các yêu cầu của Unesco về bảo tồn; phát huy lợi ích, bảo tồn di sản, làm cho người dân thực sự trở thành chủ nhân di sản; mở rộng hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; phát triển nghề truyền thống, thúc đẩy văn hóa-bảo tồn gắn với lợi ích người dân; số hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết về di sản…
Ngoài vai trò của các cơ quan quản lý trong nước, vai trò của các tổ chức quốc tế tại Hội An cũng đã có những đóng góp to lớn.
Ông Konaka Testuo (Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam) cho hay, JICA đã viện trợ không hoàn lại giúp Hội An cải thiện chất lượng nước tại khu vực chùa Cầu; hạn chế rác thải tại đảo Cù Lao Chàm (Hội An); thúc đẩy phát triển nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là sản phẩm lụa, thủ công mỹ nghệ…
Ông Nguyễn Sự (nguyên Bí thư Hội An) cho rằng, chúng ta cần quan tâm đến chất lượng khách và cả chất lượng sản phẩm phục vụ. Đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Khách ngày càng tăng thì áp lực lên di sản ngày càng lớn, Hội An đang đối mặt với vấn đề “chảy máu” nhà cổ.
Theo điều tra, trong tổng số hơn 600 nhà cổ được khảo sát, có 155 nhà hiện được dùng cho kinh doanh. Từ năm 2000 đến nay, trong 470 nhà cổ của người dân thì có tới 155 ngôi nhà thay đổi chủ sở hữu. Thậm chí một số ngôi nhà cổ chuyển nhượng qua lại 2-5 chủ.
“Cần có sự nhìn nhận rõ về người nhập cư, có người vì yêu Hội An nên muốn đến đây sống trong đó có cả người Việt Nam và nước ngoài; có người đến kinh doanh nhưng họ muốn gắn bó lâu dài, sống ổn định tại đây; còn có người buôn bán chụp giựt là những “nhân tố xấu” khiến Hội An dần mất đi bản chất vốn có. Hội An là di tích sống không thể cấm người ta kinh doanh, nhưng cần có sự quản lý chặt chẽ, hợp lý. Cũng cần mở rộng phạm vi phố cổ hơn nữa để giãn khách, tránh tạo áp lực lên di sản”, ông Sự phát biểu.
Công Bính-Ngô Linh